Thói quen xấu xí nhất của một người: Cho rằng mình đúng, và được quyền phân tích đúng sai mọi chuyện

Đình Trọng |

Khi còn bé, ta tưởng chỉ cần có lý lẽ đúng là có thể sống được trên đời. Nhưng sau này, ta mới biết hóa ra thế giới này vốn không công bằng và càng chưa bao giờ logic.

Khi còn bé, ta tưởng chỉ cần có lý lẽ đúng là có thể sống được trên đời. Nhưng sau này, ta mới biết hóa ra thế giới này vốn không công bằng và càng chưa bao giờ logic. Ta nhận ra có những lúc đúng sai không quan trọng, có những khi khăng khăng mình đúng bằng những "đạo lý" sắc bén không đem lại cho chúng ta bất kỳ lợi ích nào, ngoại trừ việc giúp ta được hả hê cái miệng.

Đừng nói "đạo lý" với người nhà

Gia đình được xây đắp bằng tình yêu thương. Nếu bạn cứ mãi ra rả đạo lý, phân tích rạch ròi chuyện đúng sai với người nhà của mình, ngôi nhà của bạn khi ấy sẽ mất đi hình hài của một tổ ấm. Nhiều đàn ông khi trở thành trụ cột gia đình có thói quen lên mặt dạy đời vợ. Các anh dạy vợ cái này phải làm thế này, cái kia phải làm thế nọ.

Đây quả thật là một cách giao tiếp sai lầm mà ai cũng mắc phải. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Đàn ông mà lúc nào cũng thích lên mặt với vợ thì có nghĩa là anh ta đã không còn yêu vợ của mình như trước nữa.

Điều mà gia đình nào cũng cần chính là sự quan tâm và lòng bao dung. Dù cho bạn có kiếm được nhiều tiền đến mấy hay giỏi giang đến đâu, khi về đến nhà, bạn cũng nên hạ bớt cái tôi của mình xuống. Đừng cứ mãi so đo xem ai đúng ai sai ở đây, bởi nhà không phải là nơi để thể hiện mà đó là nơi để yêu thương.

Thói quen xấu xí nhất của một người: Cho rằng mình đúng, và được quyền phân tích đúng sai mọi chuyện - Ảnh 2.

Đừng nói "đạo lý" ở cơ quan

Nơi bạn làm việc luôn đặt lợi ích lên hàng đầu. Nếu như bạn dùng đạo lý để giao tiếp với đối tác và khách hàng, họ sẽ không còn hứng thú để làm ăn với bạn. Bởi họ đến không phải để nghe bạn dạy đời mà họ đến với hi vọng chinh phục được "lợi nhuận". Chốn thương trường là sân chơi của những kẻ mưu cầu lợi ích. Anh có lý mà không có lợi thì anh sẽ ngay lập tức bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Tôi chỉ phục anh khi anh đáp ứng được những nhu cầu về lợi ích của tôi. Nếu không làm được điều này, anh có đúng, anh có lý đến đâu cũng chẳng để làm gì.

Đừng đem đạo lý ra phân bua với kẻ mạnh

Cách ứng xử thông minh nhất đối với các bậc tiền bối chính là lễ phép. Vì với họ, thái độ còn quan trọng hơn cả việc phải trái đúng sai. Nhiều người ỷ mình đúng nên nói năng không biết giữ mồm giữ miệng trước những người đáng tuổi cha tuổi chú. Thậm chí, có một vài người còn ngang nhiên hỗn láo xúc phạm đến họ. Trong trường hợp này, chính lễ phép mới là điều kiện tiên quyết giúp ta đạt được cái lý của mình.

Đừng lấy đạo lý ra chèn ép kẻ yếu

Đối với những người yếu thế hơn, chúng ta hãy đối đãi bằng tinh thần nhân ái lá lành đùm lá rách. Việc đem những đạo lý cá nhân để áp đặt lên họ chứng tỏ bạn là người không có tình thương.

Kẻ yếu thế vốn đã nương theo sự an bài của kẻ mạnh để tồn tại. Nếu như kẻ mạnh không màng đến đời sống của kẻ yếu, kẻ yếu sẽ buộc bị đẩy vào thế đối đầu với kẻ mạnh. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các mâu thuẫn xã hội.

Vì vậy, kẻ mạnh cần dùng lòng nhân ái để đối xử với những người yếu thế. Xin người mạnh hãy để lại cho họ một khoảng trời tự do để họ sinh tồn và phát triển. Đó chính là lòng từ bi lớn nhất của loài người và cũng là trí tuệ lớn nhất của kẻ mạnh. Kẻ mạnh phải biết khắc chế cái tính ngạo mạn của mình, từ đó học cách đối xử bình đẳng với mọi người.

Thói quen xấu xí nhất của một người: Cho rằng mình đúng, và được quyền phân tích đúng sai mọi chuyện - Ảnh 3.

Đạo lý là thứ không nên đem ra để phân xử các tranh cãi

Tranh cãi cần phải giải quyết bằng quy định pháp luật chứ không phải bằng đạo lý suông. Tục ngữ có câu: "Tình ngay lý gian". Khi phát sinh mâu thuẫn, đặc biệt trong trường hợp có xảy ra xô xát, chúng ta hay nghĩ chỉ cần mình có lý thì mình sẽ không sao. Đây đúng là một nhận thức sai lầm. 

Theo quy định pháp luật hiện hành, để xử lý các vụ việc gây rối, các cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra xem ai là người phạm lỗi trước. Rồi họ sẽ xem ai là người làm cho đối phương bị thương. Chỉ cần bạn có hành vi xô xát với người khác, thì dù cho bạn có lý hay đến mấy, bạn cũng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Hơn nữa, nếu gây ra thương tích từ 11% trở lên cho đối phương, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hãy nhớ rằng chỉ cần đánh người đã là phạm pháp rồi, kể cả khi bạn là người có lý. Trong mọi tranh cãi, người hiểu về pháp luật sẽ thắng thế hơn so với người hiểu về đạo lý. Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp, xã hội trong tương lai sẽ được điều hành bởi pháp luật.

Kẻ u mê chỉ giảng đạo lý, người cao tay sẽ kể một câu chuyện

Câu mở đầu của Đạo đức kinh đã viết: "Đạo khả đạo, phi thường đạo." Những đạo lý được diễn tả bằng ngôn ngữ đều không phải là đạo lý. Vì nó sẽ xuất hiện những lỗ hổng và mất đi tính vĩnh cửu vốn có.

Vậy thì tại sao ta không lồng ghép đạo lý vào những câu chuyện kể của mình? Đây mới là giải pháp tối ưu nhất. Bởi vì một câu chuyện vừa giống như có thật, lại vừa như không có thật. Nó chỉ gợi ra những suy ngẫm, chứ không đưa ra một đáp án cụ thể nào.

Thế giới này thuộc về tay những người biết kể chuyện. Một câu chuyện có thể diễn đạt sự thật lạnh lùng tàn nhẫn bằng cách lãng mạn và nhẹ nhàng. Một câu chuyện có thể biến những đạo lý xa vời trở nên gần gũi với đời sống. Một câu chuyện có thể làm cho những lời răn dạy cứng nhắc trở nên uyển chuyển, dễ đi vào lòng người. Kể một câu chuyện thuyết phục, đó mới là cách giải quyết mâu thuẫn của những người thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại