Nhân vô thập toàn - Đúng vậy, không ai là hoàn hảo vô khuyết. Mỗi người đều có những khuyết điểm, những thói quen xấu của riêng mình. Nhưng, không phải ai cũng chủ động và kiên nhẫn thay đổi chúng để tốt hơn. Nếu bạn đang bắt đầu hành trình nâng cao năng lực để hoàn thiện bản thân và xây dựng những thói quen tốt, vậy chúc mừng bạn.
Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm. Thói quen là điều đã tích lũy trong thời gian dài, đôi khi chúng còn trở thành những phản xạ của cơ thể, vì vậy không dễ dàng để thay đổi chúng. Dưới đây là 4 cách hiệu quả để cải thiện những thói quen xấu mà một huấn luyện viên cuộc sống tiết lộ:
1. Xác định vấn đề của mình
Khi muốn giải quyết bất kỳ vấn đề nào, bạn không chỉ cần thừa nhận rằng bản thân có vấn đề đó mà còn phải xác định cụ thể nó là gì. Dưới đây là một số cách để xác định một thói quen xấu:
Thừa nhận thói quen xấu của bản thân
Bước đầu tiên để giải quyết mọi vấn đề là chủ động thừa nhận rằng vấn đề đang tồn tại. Bạn không thể sửa chữa một điều gì đó mà bạn không thừa nhận là nó có tồn tại. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ về những thói quen xấu của mình, hãy suy nghĩ tích cực rằng đây là một bước đột phá trong quá trình hoàn thiện bản thân của mình.
Xác định cụ thể thói quen xấu của mình
Chuyên viên về lĩnh vực sức khỏe tâm thần cộng đồng với 46 năm kinh nghiệm Robert Taibbi nói rằng sẽ rất khó để nắm bắt các thói quen và thay đổi chúng nếu chúng ta không nêu tên các hành vi cụ thể. Ví dụ, thay vì nói: “Mình cần ngủ thêm”, hãy nói, “Mình cần ngừng xem TV sau khi ăn tối”.
Xác định các yếu tố kích hoạt các thói quen xấu
Robert Taibbi khuyên bạn nên xác định từng tín hiệu của những thói quen xấu để có thể chuẩn bị và đưa ra những giải pháp. Ví dụ, mỗi khi lo lắng, bạn có xu hướng muốn hút thuốc. Hãy tập cách nhận thức các yếu tố kích hoạt những thói quen xấu của mình và kiểm soát chúng theo hướng tích cực.
Xác định lý do bạn muốn thay đổi
Nếu muốn duy trì động lực thay đổi những thói quen xấu của mình, thì bạn cần biết lý do tại sao bạn lại làm điều đó. Sẽ dễ dàng kiên trì hơn khi chúng ta nhận thấy những thay đổi đó là tích cực, là có lợi. Vì vậy, hãy liệt kê tất cả những tác động tích cực mà những thay đổi này sẽ đem đến cho bạn. Đây là cách để duy trì động lực rất tốt trong hành trình làm mới bản thân.
2. Hình dung về sự thành công
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ bạn có thể đạt được mục tiêu đề ra sẽ cao hơn thông qua việc hình dung về những kết quả tốt sẽ đạt được trong tương lai. Dưới đây là một số cách để kết hợp đúng đắn việc hình dung thành công vào cuộc sống của bạn:
Hình dung những hiệu quả tuyệt vời của các thói quen tốt
Hãy tưởng tượng tác dụng tuyệt vời khi bạn cải thiện được những thói quen. Tiếp theo hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn như thế nào khi những thói quen tốt mới được thực hiện trong cuộc sống của bạn. Hãy dành một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để nhắm mắt, tưởng tượng kết quả thành công và hành động của bạn để đạt được thành công đó.
Phát triển những động lực nội tại
Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Oregon - Elliot Berkman nói rằng những thói quen xấu thường đem lại những cảm giác thoải mái hơn cho não bộ. Ví dụ, rõ ràng bạn rất thích xem bộ phim đó, việc thức xuyên đêm để cày hết bộ phim có xu hướng thuyết phục não bộ của bạn hơn là đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe. Đây là lý do tại sao tìm kiếm động lực nội tại mạnh mẽ hơn và hình dung những lợi ích của quá trình thay đổi có thể giúp bạn.
Thay vì nghĩ về việc kẹo cao su nicotine có lợi cho sức khỏe của bạn hơn thuốc lá như thế nào, hãy nghĩ thay vì có thể mất đi nhiều năm tuổi thọ vì thuốc lá, bạn sẽ dành thời gian đó cho những người thân yêu của mình nếu bạn giữ cho phổi của mình khỏe mạnh. Loại động lực nội tại đó hiệu quả hơn đáng kể so với các giả định lý thuyết.
3. Lập kế hoạch và thực hiện mục tiêu
Phá bỏ những thói quen xấu là một đại công trình. Đó là lý do tại sao bạn nên chia nhỏ mục tiêu của mình thành những mục tiêu rõ ràng và ngắn gọn. Mỗi mục tiêu phải cụ thể, chi tiết và dễ theo dõi, và cuối cùng sẽ dẫn bạn đến mục tiêu dài hạn "cuối cùng" của mình. Dưới đây là một số mẹo cho quá trình này:
Xây dựng lịch trình
Mục tiêu của bạn phải rõ ràng và khả thi. Hãy lên một lịch trình cụ thể cho những mục tiêu này. Mỗi “thời hạn” và kỳ vọng kèm theo phải đầy thách thức nhưng thực tế, cho phép bạn phát huy hết khả năng của mình mà không buộc bạn phải nhắm đến những mục tiêu bất khả thi.
Lưu lại những lời nhắc
Khi bạn bắt đầu cố gắng phá bỏ và thay thế một thói quen, rất dễ bị quên mất rằng mình phải thay đổi. Đó là lý do tại sao để lại lời nhắc có thể là một cách tuyệt vời để giúp bạn bắt nhịp với mọi thứ khi bắt đầu nỗ lực. Để lại một tờ giấy ghi nhớ trên cửa ra vào để nhắc bạn tắt đèn mà bạn quên. Đặt báo thức trên điện thoại của bạn khi đến giờ tắt thiết bị, đi ngủ hoặc đi tập thể dục…
4. Cung cấp cho bản thân sự hỗ trợ cần thiết
Có một điều bạn có thể quên rằng bạn xứng đáng được hỗ trợ trong quá trình cải thiện bản thân.
Nếu không có sự hỗ trợ, bạn có thể cảm thấy không có động lực và không có hứng thú để tiếp tục, thậm chí bạn có thể sẽ có những suy nghĩ tiêu cực về sự tiến bộ của mình.
Hãy sử dụng các lời cổ vũ tích cực
Khi khuyến khích bản thân đạt được mục tiêu, hãy cố gắng sử dụng những câu nói tích cực để thúc đẩy bản thân. Thay vì nản lòng và suy nghĩ về những khía cạnh tiêu cực của bản thân, hãy trân trọng bản thân và cổ vũ bản thân bằng những lời nói tích cực.
Những điều như “Tôi có thể vượt lên trên những thói quen xấu”, “Tôi sẽ ăn uống lành mạnh” hay “Tôi mạnh mẽ và có năng lực” đều có thể thay đổi suy nghĩ của bạn và giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.
Tìm kiếm những hỗ trợ từ bên ngoài
Bạn không cần phải làm mọi thứ một mình. Bạn có thể lôi kéo một người bạn để cùng thực hiện mục tiêu với bạn. Các bạn sẽ có thể chia sẻ những câu chuyện và truyền cảm hứng cho nhau để hướng tới những thói quen tốt hơn.
Tất nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn các hình thức trợ giúp chuyên nghiệp hơn, như nói chuyện với bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia tâm lý nếu bạn có thể tiếp cận. Những điều này có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn và cung cấp cho bạn những lời khuyên và quan điểm khách quan nhất.