Phi công Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo muốn nghỉ việc phải báo trước 4 tháng

Hà My |

Bên cạnh đó, các vị trí quan trọng để khai thác tàu bay, như nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, nhân viên sửa chữa, nhân viên điều độ, khai thác tàu bay muốn nghỉ việc cũng phải báo trước 120 ngày. Ngược lại, các hãng hàng không muốn chấm dứt hợp đồng lao động cũng phải báo trước 120 ngày với các phi công, nhân viên kỹ thuật, nhân viên sửa chữa...

Ngày 14/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Trong đó, Điều 7 của Nghị định 145 quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù.

Ở đây, ngành, nghề công việc đặc thù gồm:

- Thành viên tổ lái tàu bay, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không, nhân viên điều độ, khai thác tàu bay.

- Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

- Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài, thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài.

Với những ngành, nghề, công việc đặc thù nói trên, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này, thì thời hạn báo trước như sau:

- Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.

- Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Nghị định 145 có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Như vậy, kể từ tháng 2/2021, phi công của các hãng hàng không cũng như các vị trí quan trọng để vận hành khai thác tàu bay khi muốn nghỉ việc sẽ phải báo trước ít nhất 120 ngày.

Còn nhớ, dịp Tết Dương lịch 2015, khoảng 100 nhân viên hãng hàng không Vietnam Airlines từng báo ốm hàng loạt, trong số đó có cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.

Không những vậy, số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động cũng tăng vọt và báo cáo của VNA khi đó đánh giá, việc này gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.

Nguyên nhân được cho là các phi công, điều hành khai thác bay và bảo dưỡng kỹ thuật khi đó muốn "nhảy việc" sang một hãng hàng không khác.

Đến năm 2018, chuyện phi công đồng loạt muốn nghỉ việc lại diễn ra. Theo báo cáo của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam vào đầu tháng 5/2018, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo một số khảo sát, thu nhập phi công Vietnam Airlines được cho là thấp hơn khá nhiều so với đồng nghiệp tại các hãng hàng không khác như Vietjet Air hay Bamboo Airways.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại