Đường sắt Cát Linh- Hà Đông sắp hoạt động, người dân đi tàu như thế nào?

Phi Long |

Dự kiến, từ ngày 12 đến ngày 31/12 tới đây, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Nhiều tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh- Hà Đông

Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, để phục vụ cho sự liên thông, liên kết giữa xe buýt với đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động, trong Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND TP phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đã được chấp thuận.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông sắp hoạt động, người dân đi tàu như thế nào? - Ảnh 1.

Từ ngày 12 đến ngày 31/12 tới đây, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Theo ông Phương, sau thời gian chạy miễn phí, đường sắt 2A hoạt động bình thường với 10 đoàn tàu, Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình đối với 4 tuyến buýt (02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông). Có 3 kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu và đường sắt đô thị trên cao.

Trong đó, giai đoạn đầu khi tàu đi vào khai thác thương mại (trong 3 tháng đầu), tuyến buýt số 33 được điều chỉnh thành tuyến buýt kết nối ngang (Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 2 ga (Hà Đông, Văn Khê); Cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ga Văn Quán đến ga Hà Đông và từ ga Văn Khê tới ga Yên Nghĩa (3km).

Giai đoạn sau 3 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, 2 nhánh tuyến 21A và nhánh tuyến 21B sẽ được điều chỉnh hợp nhất thành một tuyến buýt ngang số 21 (khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại 2 ga (Thượng Đình, Vành đai 3); Cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ga Vành đai 3 đến ga Yên Nghĩa (7,5km).

Giai đoạn sau 6 tháng tàu khai thác thương mại, dự kiến điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (KĐT Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông sắp hoạt động, người dân đi tàu như thế nào? - Ảnh 2.

Sau khi tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động, TP Hà Nội sẽ điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt để tăng tính kết nối và liên thông.


Giai đoạn sau 9 tháng tàu đi vào khai thác thương mại, tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) được điều chỉnh thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - BX Mỹ Đình) kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A tại ga Láng; Điều chỉnh thời gian hoạt động của tuyến buýt số 01, nâng tổng số lượt xe phục vụ từ 190 lượt lên 200 lượt/ngày.

Bên cạnh công tác xây dựng lại mạng lưới xe buýt dọc tuyến đường sắt đô thị đi qua, Sở GTVT Hà Nội cũng lên phương án điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, tại ga Cát Linh, Hà Nội sẽ duy trì hoạt động của 5 tuyến buýt: 18, 23, 50, 99 và BRT01 kết nối. Đồng thời, điều chỉnh lộ trình 2 tuyến buýt tăng cường kết nối tại Ga Cát Linh gồm: thay đổi điểm đầu cuối tuyến 90 (Kim Mã - Nội Bài) thành tuyến (Hào Nam - Nội Bài); Điều chỉnh lộ trình tuyến 25 (Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương CS2 – Bến xe Giáp Bát).

Tại ga Bến xe Yên Nghĩa, các tuyến buýt số: 01, 37, 57, 62, 72, 89, 91, 102, CNG02, BRT01 và 75, 213, 214 sẽ được duy trì hoạt động và mở mới đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt từ Bến xe Yên Nghĩa đi: Phùng; Hoài Đức; Miếu Môn; Hồng Dương; Chúc Sơn - Thị trấn Kim Bài.

Ngoài ra, Hà Nội dự kiến duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A, gồm: tuyến buýt 05, 19, 22B, 22C, 39, 103, 106, 85, 29, 60A, 05, 44, 60B, 104, 16, 24, 51, 30, 84, 09”, ông Phương thông tin.

Lên phương án giải tỏa khách khi đường sắt Cát Linh gặp sự cố

Để đảm bảo hoạt động trong bất kể tình huống nào, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội đã lên các phương án kết nối xe buýt khi đường sắt đô thị trên cao gặp sự cố gián đoạn.

Trong đó, phương án này xác định rõ, trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong 3 tháng đầu vận hành khai thác thương mại, sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2; Tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần).

Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong thời gian sau 3 tháng trở đi khi đưa vào vận hành khai thác thương mại, sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số: 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu (chạy dọc trục Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở về Yên Nghĩa); Đồng thời, tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga (nếu cần).

"Nhằm tăng hiệu quả kết nối giữa xe buýt và tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất bổ sung 17 điểm, di chuyển 09 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt trên cao. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m", ông Thái Hồ Phương cho biết.

Thẻ vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông in hình tháp Rùa

Tổng thầu Trung Quốc đã in hàng triệu thẻ vé, vận hành thử hệ thống cửa soát vé các ga tàu điện Cát Linh - Hà Đông, sau đó đã tổ chức diễn tập vận hành khai thác toàn hệ thống theo biểu đồ chạy tàu thật, trong đó có việc vận hành hệ thống kiểm soát vé tại các nhà ga.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông sắp hoạt động, người dân đi tàu như thế nào? - Ảnh 3.

Vé tàu Cát Linh - Hà Đông có kích cỡ giống chiếc thẻ ATM, thiết kế màu xanh, mặt trước in hình ảnh Hồ Gươm, tháp Rùa và đoàn tàu đô thị. Mặt sau in logo của Hanoi Metro - đơn vị quản lý tuyến đường sắt. Vé này có thể nạp tiền theo nhu cầu của hành khách để lên tàu.

TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo phương án giá vé trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Có ba loại giá vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt. Cụ thể, nếu đi theo tháng giá vé 200.000 đồng/người. Mức 30.000 đồng áp dụng cho vé ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày).

Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.

Tại nhà ga, hệ thống soát vé đã được hoàn thiện, hành khách có thể mua vé tại máy bán vé hoặc tại quầy và sử dụng thẻ để ra vào ga. Tại đây có 2 nhân viên giám sát hướng dẫn hành khách đi lại.

Cùng với hệ thống soát vé, các hệ thống điều độ, tổ chức chạy tàu đã được vận hành thống nhất. Các đoàn tàu chạy giãn cách 2-3 phút/chuyến theo biểu đồ, dừng lại mỗi ga khoảng 30-40 giây. Trong diễn tập, 6 đoàn tàu được điều hành 10 phút có một chuyến. Mỗi ga có hai nhân viên an toàn đứng theo dõi đoàn tàu và hướng dẫn hành khách không đi vào ke ga.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông sắp hoạt động, người dân đi tàu như thế nào? - Ảnh 4.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ, thành phố Hà Nội đến kiểm tra và thử nghiệm hệ thống thẻ qua cửa của nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước đó.


Theo đại diện Tổng thầu Trung Quốc, đợt diễn tập tổng hợp vào đầu tháng 6/2019, đơn vị này đã vận hành toàn bộ 12 chuyên ngành thiết bị là tín hiệu, thông tin, cấp điện, đoàn tàu, đường ray, điều hòa, thang máy, chiếu sáng, tích hợp công nghệ khu Depot; các chuyên ngành vận hành khai thác là nghiệp vụ nhà ga, nghiệp vụ vé, lái tàu, điều độ. Mỗi chuyến tàu có 50 vị trí như bán vé, lái tàu, điều độ chạy tàu, điện, trưởng ga, sửa chữa...

"Đây là đợt diễn tập lần cuối để đánh giá kết quả học tập của các nhân sự Việt Nam. Trong quá trình diễn tập, các đơn vị sẽ xem xét vấn đề phát sinh để khắc phục trước khi thao tác thực tế", đại diện Tổng thầu Trung Quốc cho biết.

Trong năm 2019, hơn 600 nhân lực cả của Tổng thầu Trung Quốc và lái tàu người Việt Nam đã than gia vận hành tuyến đường sắt và diễn tập xử lý 21 tình huống giả định sự cố xảy ra trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh- Hà Đông sắp hoạt động, người dân đi tàu như thế nào? - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết, trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Sau đó, do dịch Covid-19, các kỹ sư, công nhân của Tổng thầu Trung Quốc đã không thể sang triển khai công việc theo kế hoạch, đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục bị ảnh hưởng.

Đến tháng 10/2020, các chuyên gia, kỹ sư Tổng thầu Trung Quốc mới được cấp phép và thực hiện các thủ tục cách ly khi nhập cảnh theo quy định rồi mới được tiếp tục công việc.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 28/10 vừa qua về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất. An toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết, trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện và cố gắng tối đa để đưa dự án Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).

Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và phải nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư, lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3-6 tháng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại