Vụ án cha hạ sát vợ chồng con gái bằng rìu vì chuyện tiền bạc, hé lộ một thực tế đáng sợ tồn tại ở nhiều gia đình Trung Quốc

VŨ HUẾ |

Mặc dù là du học sinh, Zhao Qingxiang vẫn đều đặn gửi tiền làm thêm ở Mỹ về giúp đỡ gia đình. Thế nhưng trong chuyến đi cùng chồng về quê, cô đã bị chính cha ruột sát hại bằng rìu vì nguyên nhân vô cùng phi lý: Từ chối bỏ tiền ra mua nhà cho em trai.

Vụ án chấn động năm 2002

Zhao Qingxiang (赵庆 香) là người Quảng Đông, Trung Quốc. Cô du học với tư cách nghiên cứu sinh của Trung Quốc, tại một trường đại học ở Mỹ. 

Qingxiang kết hôn với Wei Tao (魏 涛), cũng là du học sinh Trung Quốc. Theo ghi nhận của trường học và bạn bè cùng khóa, cả 2 người đều là những sinh viên thông minh, chăm chỉ.

Ở Mỹ, vợ chồng Qingxiang và Tao vừa đi học vừa đi làm. Họ phải vất vả vật lộn mới kiếm đủ học phí và tiền chi tiêu. 

Nhưng dù tài chính eo hẹp, Qingxiang vẫn cố gắng chắt bóp, gửi về quê cho cha mẹ. Cô vốn xuất thân từ vùng nông thôn, hiểu rõ cái khổ của người làng nghèo Trung Quốc, nên vô cùng thương phụ mẫu vẫn còn thiếu thốn.

Vụ án cha hạ sát vợ chồng con gái bằng rìu vì chuyện tiền bạc, hé lộ một thực tế đáng sợ tồn tại ở nhiều gia đình Trung Quốc - Ảnh 1.

Vợ chồng Zhao Qingxiang và Wei Tao

Qingxiang và Tao có một đứa con, gửi nhờ cha mẹ chồng nuôi dưỡng. Phụ thân của Qingxiang không thích cho con gái ăn học, liên tục đề cập vấn đề bắt cô về nước, đi làm kiếm tiền xây nhà và phụng dưỡng cha mẹ. 

Ông cũng khó chịu luôn việc con rể Tao có tới 2 bằng thạc sĩ, vì nghĩ để lấy được 2 tấm bằng đó thì tốn bao nhiêu là tiền của.

Ngoài Qingxiang, cha mẹ cô còn một cậu con trai bị bệnh động kinh và chưa lập gia đình. Họ lúc nào cũng giục Qingxiang mau lo về quê, mang theo tiền để tậu nhà, tạo điều kiện cho em trai sớm cưới được vợ.

Tháng 3/2002, Qingxiang và Tao bay từ Mỹ về Trung Quốc, tới thăm cha mẹ vợ. Họ biếu 2 bậc sinh thành $1500 (khoảng 35 triệu đồng) làm quà lâu ngày gặp mặt. 

Cha Qingxiang nhận tiền rồi lại đề cập vấn đề mua nhà cho con trai. Qingxiang trình bày, vợ chồng cô đang rất túng thiếu. 

Cô cũng giải thích toàn bộ chi phí ăn học đều do cha mẹ chồng cho. Cô đang có ý định đưa con của mình quay lại Mỹ, nên phải dành dụm từng xu để chuẩn bị.

Vụ án cha hạ sát vợ chồng con gái bằng rìu vì chuyện tiền bạc, hé lộ một thực tế đáng sợ tồn tại ở nhiều gia đình Trung Quốc - Ảnh 2.

Cha của Zhao Qingxiang sát hại con gái và con rể bằng rìu, tuyên bố "xứng đáng lắm"

Bất chấp con gái trần tình hoàn cảnh khốn khó, cha của Qingxiang không động lòng thương. Nửa đêm ngày 26/3, ông đột ngột nổi cơn thịnh nộ, cầm rìu xông vào phòng cô. 

Vợ chồng Qingxiang và Tao đang say giấc ngon lành thì bị giết hại. Người cha nhẫn tâm tàn bạo bổ lưỡi rìu lên trán con rể, sau đó là con gái. Cả hai không thể sống sót.

Cha của Qingxiang ngay sau đó bị bắt giữ. Trước phiên tòa xét xử, ông ta tuyên bố không chút hối hận về việc đã giết con gái và con rể, và bị kết án tử hình.

Con gái hay nô lệ?

Truyền thống Trung Quốc quan niệm, "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Trong thời đại kế hoạch hóa gia đình, nhà nhà chỉ nỗ lực đẻ con trai. 

Kết quả là tỷ lệ giới tính bị chênh lệch trầm trọng. Theo số liệu thống kê năm 2018, số nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ hẳn 70 triệu người. Dù vậy, tư tưởng "nam tôn, nữ ti" vẫn không hề thay đổi.

Trong gia đình Trung Quốc, con trai được ưu tiên về mọi mặt. Ngược lại, con gái chỉ như một món hàng. Nhiều bậc sinh thành sẵn sàng gả bán con gái với giá thách cưới cao, lấy tiền đầu tư cho con trai. 

Một số phụ mẫu còn quá quắt đến nỗi, đòi con gái phải nai lưng ra làm, đem thu nhập về nộp cho anh/em trai.

Vụ án cha hạ sát vợ chồng con gái bằng rìu vì chuyện tiền bạc, hé lộ một thực tế đáng sợ tồn tại ở nhiều gia đình Trung Quốc - Ảnh 3.

Nam giới Trung Quốc muốn lấy được vợ phải có nhà và có tiền

Theo kết quả khảo sát vào tháng 10/2019 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, có đến 41,5% các gia đình trong nước sở hữu từ 2 ngôi nhà trở lên. 

Người Trung Quốc cực kỳ chú trọng sắm nhà riêng cho con trai. Ngoài truyền thống trọng nam, họ còn ưu tiên việc này vì thực tế khó thành gia lập thất đối với nam giới trong độ tuổi kết hôn ở trong nước.

Sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc nảy sinh vấn đề tất yếu: thiếu cô dâu. Phụ nữ Trung Hoa thời nay có xu hướng tìm kiếm đàn ông sở hữu điều kiện tài chính tốt hơn mình. 

Họ đánh giá đối tượng kết hôn dựa vào tài sản, đặc biệt là bất động sản.

Khổ nỗi, rất ít nam thanh niên Trung Quốc đủ tiền để tự mua nhà. Sợ con trai ế vợ, các bậc sinh thành đua nhau mua hộ hoặc cho con vay tiền để tậu. Nhờ họ, phần lớn nam giới độc thân trong độ tuổi kết hôn của Trung Quốc có nhà riêng.

Vụ án cha hạ sát vợ chồng con gái bằng rìu vì chuyện tiền bạc, hé lộ một thực tế đáng sợ tồn tại ở nhiều gia đình Trung Quốc - Ảnh 4.

Nhiều nữ giới Trung Quốc bị cha mẹ xem như công cụ kiếm tiền, làm giàu cho anh/em trai

Ngược lại, "Thiết nghĩ, nhà cửa để cho con gái tôi ở phải do chồng nó và bên thông gia lo," - Li Min, một ông bố 60 tuổi nói. 

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng nhìn chung thì lượng phụ nữ độc thân trong độ tuổi kết hôn có sở hữu nhà riêng ở Trung Quốc vô cùng thấp.

Không chỉ bị coi là "con người ta", con gái Trung Quốc còn phải gánh luôn nghĩa vụ đảm bảo tài chính của anh/em trai. 

Trên thực tế, trường hợp cha mẹ đòi con gái bỏ học, kiếm tiền cho anh/em trai mua nhà như Qingxiang là rất quen thuộc.

Luật hôn nhân Trung Quốc cũng quy định, nếu tài sản đứng tên chồng hoặc cha mẹ chồng, phụ nữ li hôn không được quyền chia, hưởng. 

Nói cách khác, các chị em mà tay trắng về nhà chồng thì lúc ra đi cũng trắng tay. Một mặt, quy định này bảo vệ quyền tài sản của công dân. 

Mặt khác, nó khiến phụ nữ kết hôn dễ bị tổn thương. Sợ rơi vào tình trạng vô gia cư, nhiều người vợ cắn răng chịu đựng sống với bạn đời bạo lực hoặc cha mẹ chồng ác nghiệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại