Vì sao Nga-Iran phải "chịu thua" trước chiến thuật của Thổ trong xung đột Armenia-Azerbaijan?

QS |

Theo EurAsian Times, Nga-Iran rút cuộc đã phải nhượng bộ và không thể dành sự ủng hộ công khai cho Armenia.

Trong bài viết tựa đề "Tại sao Nga-Iran không thể ủng hộ Armenia và phải 'chịu thua' trước chiến thuật hung hăng của Thổ trong xung đột Armenia-Azerbaijan?", tờ EurAsian Times cho biết:

Nguy cơ đáng sợ nhất – nổ ra chiến tranh Nga-Thổ trên nền chiến tranh Armenia-Azerbaijan [trong đó Nga ủng hộ Armenia và Thổ hậu thuẫn Azerbaijan]- đã bị đẩy lùi sau khi Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi cả hai nước xung đột ngồi vào bàn đàm phán và đi đến thỏa thuận ngừng bắn.

Cuộc giao tranh kéo dài 14 ngày, với hàng trăm người thiệt mạng, tưởng chừng như đã đi đến điểm dừng sau 10 giờ đồng hồ đàm phán và một thỏa thuận được ký kết.

Bức tranh được vẽ ra từ chiến trường Nagorno-Karabakh cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một bên nắm chiến thắng rõ ràng khi Ankara dành sự ủng hộ hết mình cho Azerbaijan, trong khi Armenia – phía kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ Nga và Liên minh châu Âu (EU) – lại không thể tìm kiếm được bất cứ sự hậu thuẫn nào, đặc biệt là từ Nga.

Vì sao Nga-Iran phải chịu thua trước chiến thuật của Thổ trong xung đột Armenia-Azerbaijan? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ở giữa), cùng Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan (phải) và ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov trong cuộc gặp tại Moscow hôm 9/10. Ảnh: AP

Ngày 10/10, một bản tin trên tờ News.Az cho hay, Azerbaijan đã phá hủy hệ thống phòng không S-300 của Armenia và đây cũng chính là lúc Nga quyết định kêu gọi hai phía ngừng xung đột.

Trên thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã sử dụng khá tốt những quân bài của mình trong lúc Iran – vốn ban đầu giữ vai trò "trung lập" trong cuộc xung đột – lại bồn chồn lo sợ trước nguy cơ xảy ra tình trạng náo động trong cộng đồng người Turk gốc Azerbaijan đang sinh sống tại Iran, khiến Tehran phải từ bỏ việc công khai ủng hộ Nga [hay cũng là ủng hộ Armenia] trong cuộc xung đột này.

Tuy nhiên, trước khi mọi việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Tổng thống Putin, Erdogan và Rouhani – 3 thế lực lớn trong cuộc xung đột ở Nam Caucasus – đã quyết định "dập lửa"! Suy cho cùng, nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang thì điều đó đồng nghĩa tất cả các lực lượng chống Mỹ sẽ đấu đá lẫn nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây đã tham gia cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải, ở cả 2 phía đảo Síp, khiến Hy Lạp và các đồng minh châu Âu khác của Athens phải "nín lặng", đặc biệt là Pháp và UAE – ngay trên "mặt trận chống Thổ" của họ.

Ngày 8/10, Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện các tiêm kích F-16 của Hy Lạp thông qua hệ thống phòng không S-400 mà trước đó đã khiến các thượng nghị sĩ Mỹ tức giận, áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lên Ankara.

Sẽ không ngạc nhiên nếu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Đó sẽ là điều "chưa từng có tiền lệ" trong lịch sử chiến tranh hiện đại, và có thể thay đổi toàn bộ hiện trạng sức mạnh ở châu Âu.

Do đó, cũng không kỳ lạ khi ngày càng có nhiều ý kiến muốn loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO, bất chấp việc Ankara đã trở thành thành viên của liên minh này từ năm 1952.

Phán đoán được tình hình leo thang, Nga đã không để cho cuộc xung đột tại Nam Caucacsus tiếp tục bùng phát, nhất là khi Azerbaijan – với sự hậu thuẫn của Thổ - đang ở thế có lợi hơn Armenia.

Moscow cũng phân tích thấy rằng họ có thể sẽ mất Iran với tư cách là "đồng minh lâu năm" do Tehran bị kìm kẹp bởi vấn đề người Turk gốc Azerbaijan.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan đã tới thăm Qatar hôm 7/10 để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính. Theo tờ Al-Jazeera, ông Erdogan đã nhận được lời cam kết rằng Qatar sẽ cung cấp nguồn bảo đảm tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ như trong quá khứ.

Bên cạnh đó, sự gia tăng hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại đây cũng góp phần tăng mức độ răn đe đối với các quốc gia đang sát cánh cùng Israel.

Theo EurAsian Times, thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian rõ ràng là một chiến thắng dành cho Azerbaijan và rộng hơn là Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara hiện đang hướng tới các mục tiêu lãnh đạo của mình và đang hướng Pakistan đi theo con đường của họ trong xung đột Kashmir với Ấn Độ.

Nga đã phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn bất cứ tình huống nguy hiểm nào có thể làm xáo trộn chính thể của họ, nhất là trong bối cảnh một bản tin trên trang En.Armradio.Am ngày 7/10 cho biết, thủ lĩnh phiến quân Gulbuddin Hekmatyar tại Afghanistan sẵn sàng gửi lính đánh thuê sang Azerbaijan.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan tình báo của Nga cũng e ngại rằng Azerbaijan có thể trở thành "bệ phóng" cho phiến quân Hồi giáo xâm nhập vào Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại