Vũ khí mới Trung Quốc có thể đưa ra biên giới tranh chấp với Ấn Độ

Minh Thu |

Trung Quốc cho mẫu UAV mới bay thử nghiệm ở sân bay có độ cao tương đương khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn.

Nguyên mẫu máy bay không người lái (UAV) AR-500C của Trung Quốc đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm ở một sân bay có độ cao lớn tương đương với khu vực đang xảy ra tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông báo của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cho hay, UAV AR-500C hay còn gọi là trực thăng AR-500C đã hoàn thành chuỗi bài bay thử nghiệm vào cuối tuần trước tại tỉnh Tứ Xuyên. Nội dung bay thử gồm bay lên cao, bay lượn và xoay tròn trước khi hạ cánh.

Thông tin Trung Quốc cho UAV AR-500C bay thử nghiệm được công bố giữa lúc căng thẳng tranh chấp biên giới Trung - Ấn ở khu vực Ladakh trên dãy Himalaya vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo DefPost, UAV AR-500C thực hiện chuyến bay thử ở sân bay Daocheng Yading vào ngày 27/9. Nằm cách mực nước biển 4.411 m, Daocheng Yading hiện là sân bay dân sự nằm ở độ cao lớn nhất trên thế giới.

“Khu vực máy bay thực hiện bay thử nghiệm có độ cao tương đương với vùng Himalaya bao gồm cả Đường Kiểm soát thực tế (LAC), nơi quân đội Trung - Ấn xảy ra đối đầu quân sự nhiều tháng qua”, SCMP nhận định.

Còn theo AVIC, sau chuyến bay thử, trực thăng AR-500C đã chứng minh năng lực có thể cất cánh khi mang theo khối lượng hàng hóa lên tới 80 kg và thời gian hoạt động trên không là hơn 5 giờ đồng hồ.

“Điều này có nghĩa là trong sứ mệnh cứu hộ ở vùng cao, UAV có thể cung cấp thực phẩm để duy trì sự sống cho hơn 30 người/ngày trong mỗi chuyến bay”, SCMP dẫn lời kỹ sư trưởng thiết kế UAV AR-500C, ông Zeng Guogui.

Cũng theo AVIC, tầm bay của UAV AR-500C có thể hoạt động ở cao nguyên Tây Tạng. Trước đó, vào tháng Năm, UAV AR-500C đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên ở tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc.

Theo thiết kế, UAVAR-500C được sử dụng cho các sứ mệnh liên quan tới trinh sát và chuyển tiếp viễn thông. Song theo DefPost, loại UAV này còn có thể “phá sóng điện tử, vận chuyển hàng hóa, phát hiện phóng xạ nguyên tử và chất độc hóa học”.

Thời gian gần đây, hàng ngàn binh sĩ Trung - Ấn đã có mặt dọc biên giới tranh chấp ở vùng Ladakh. Sau nhiều tuần xảy ra căng thẳng, một vụ đụng độ đẫm máu đã xảy ra vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.

Ngoài ra, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại LAC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại