Những người "khốn khổ" vì buổi tranh luận Trump-Biden: "Tôi chỉ nghe thấy âm thanh hòa quyện vào nhau"

Tất Đạt |

Tại một số các quốc gia châu Á có chiếu buổi tranh luận và có người phiên dịch trực tiếp, khán giả và phiên dịch viên đều hoang mang, "choáng váng" và cảm thấy mệt mỏi.

Buổi tranh luận tổng thống đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã hỗn loạn tới mức biên tập viên Catherine Lu của Yahoo News nghĩ rằng tai nghe của cô bị lỗi kĩ thuật.

"Tôi không hay gặp những tình huống như thế này!" - cô nói trên sóng truyền hình trực tiếp bằng tiếng Trung Quốc. "Ông Trump liên tục cắt lời ông Biden, và ông Biden cũng ngắt lời ông Trump. Có những lúc cả 3 người [2 người tranh luận và 1 người điều phối] nói cùng lúc. Rất khó để biết quan điểm của mỗi người là gì".

Trả lời SCMP, cô Lu nói có những lúc cô "không thể nhận ra được ứng viên nói từ gì, mà chỉ là những âm thanh hòa quyện vào với nhau".

"Tôi thực sự muốn ông Biden nói xong điều ông ấy định nói! Tôi không thực sự quá nghiêm túc về vấn đề chính trị, nhưng tôi nghĩ ít nhất đó cũng là điều mà ứng viên tổng thống nên có".

Tuy nhiên, Lu cho rằng việc ông Trump liên tục cắt lời đối thủ là một phần trong chiến lược tranh luận của ông. "Ông Trump đã thành công trong việc phá vỡ chiến lược của ông Biden bằng cách kéo cả cuộc tranh luận đi xuống".

Tại một số các quốc gia châu Á có chiếu buổi tranh luận và có người phiên dịch trực tiếp, khán giả và phiên dịch viên đều hoang mang, "choáng váng" và cảm thấy mệt mỏi.

Các phiên dịch viên trong cùng một nhóm cho biết họ cảm thấy như đang "hét vào mặt nhau" trong quá trình dịch thuật. Ông Trump liên tục tìm cách áp đảo ông Biden trong khi người điều phối Chris Wallace từ đài Fox News liên tục phải nhắc tổng thống nhường lời cho đối thủ.

Hai chính trị gia Mỹ đã liên tục cáo buộc đối phương về hàng loạt vấn đề, từ chính sách kinh tế, xung đột chủng tộc và Tòa án Tối cao, chưa kể tới những lời công kích và xúc phạm cá nhân. Nhiều nhà bình luận đã gọi buổi tranh luận này là "hỗn loạn" và là "cuộc tranh luận tệ hại nhất lịch sử".

Tony Tsou, một phiên dịch viên trực tiếp cho một kênh truyền hình ở Đài Loan (Trung Quốc), nói ông cảm thấy buổi tranh luận này thực sự là một thử thách cho người dịch vì hai bên liên tục cắt lời nhau.

"Cá nhân tôi nghĩ ông Biden nói rõ ràng hơn trong khi ông Trump lại có nhiều năng lượng hơn. Ông Trump tạo ra cảm giác áp đảo đối thủ," ông Tsou nói.

Tại Nhật Bản, đài NHK đã phát trực tiếp buổi tranh luận và sau đó trên Twitter đã có một số clip ghi lại cảnh các phiên dịch viên phải "vật lộn" để dịch được những gì ông Trump và ông Biden nói. Một khán giả bình luận: "Tôi cảm thấy rất lấy làm tiếc cho người dân Mỹ", một người khác nói: "Dù các phiên dịch viên được trả bao nhiêu tiền đi chăng nữa, tôi nghĩ họ xứng đáng được hơn thế".

Hiromi Murakami, giáo sư khoa học chính trị tại một trường đại học ở Tokyo, nói: "Có một số phần khá giải trí, nhưng tôi thấy sốc vì nó không giống buổi tranh luận tổng thống chút nào".

"Tôi nghĩ ông Biden đang cố gắng nói cho công chúng những gì ông ấy định làm nếu thắng cử, nhưng liên tục bị ông Trump cắt lời. Tranh luận với ông Trump là việc cực kỳ khó, nhưng t ôi nghĩ ông Biden đã nói được những gì định nói, mặc dù ông ấy có ít cơ hội".

"Dù sao đi chăng nữa, tôi vẫn không biết ông Trump hay ông Biden muốn nước Mỹ tương lai trở nên như thế nào. Tôi vẫn không biết họ muốn gì, chính sách là gì và nước Mỹ đang đi tới đâu".

Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, nói Mỹ thật "không may" vì chỉ có hai "lựa chọn nghèo nàn" cho vị trí lãnh đạo tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại