Bất ngờ giành giật "đòn bẩy đối đầu Ấn Độ" của Trung Quốc, Mỹ nhắm vào Vành đai, Con đường?

Thúy |

Mỹ tăng cường nỗ lực lôi kéo Bangladesh mua thêm khí tài quân sự của mình trong những tuần gần đây, với hy vọng giành được đồng minh "mới nổi" ở Nam Á.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nhận được đề nghị giúp hiện đại hóa quân đội nước này trước năm 2030 từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nhận được đề nghị giúp hiện đại hóa quân đội nước này trước năm 2030 từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: Reuters

Bangladesh cũng chính là khu vực mà Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế.

Cuộc đối thoại trong thời điểm nhạy cảm

Trong cuộc điện đàm vào đầu tháng 9 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Mỹ đã đề xuất giúp quốc gia Nam Á hiện đại hóa quân đội trước năm 2030. Đây là một trong những cuộc đối thoại hiếm có giữa hai nước.

Năm ngoái, hai nước đã mở cuộc đàm phán về việc mua bán các thiết bị quân sự tiên tiến như trực thăng Apache và tên lửa. Hai bên được cho là đã đạt được thỏa thuận, tuy nhiên chi tiết thỏa thuận chưa được công bố.

Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Laura Stone, Quốc hội nước này tới nay vẫn chưa có thông báo chính thức về hợp đồng bán vũ khí với Bangladesh. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Bangladesh cũng mang lại ảnh hưởng không tốt đối với Trung Quốc.

"Chúng tôi đang tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Bangladesh trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và độc lập của nước này," bà Laura Stone - người giám sát Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Bhutan và Maldives tại văn phòng các vấn đề Nam và Trung Á của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

"Chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác với Bangladesh trong lĩnh vực mua bán các mặt hàng quốc phòng," bà nói.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Bangladesh đã đẩy mạnh hơn việc mua sắm vũ khí của Mỹ kể từ những năm 1990 với kim ngạch 110 triệu USD trong vòng 10 năm, tính đến năm 2019. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoản 2.59 tỷ USD mà quốc gia Nam Á chi cho các thiết bị quân sự từ Trung Quốc kể từ năm 2010.

Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Bang Illinois Ali Riaz cho biết thời điểm cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Thủ tướng Bangladesh "rất quan trọng" bởi quan hệ giữa Dhaka và Bắc Kinh ngày càng trở nên gần gũi hơn.

Bất ngờ giành giật đòn bẩy đối đầu Ấn Độ của Trung Quốc, Mỹ nhắm vào Vành đai, Con đường? - Ảnh 2.

Bangladesh mua phần lớn các thiết bị quốc phòng từ Trung Quốc

Quan hệ thân thiết Bắc Kinh - Dhaka

Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bangladesh vượt ra ngoài yếu tố thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã gửi khẩu trang, đồ bảo hộ và đội y tế tới Bangladesh để chia sẻ về phương pháp ứng phó với đại dịch. 

Mới đây, Bắc Kinh đã dỡ bỏ thuế quan đối với 97% hàng hóa nhập khẩu của Bangladesh sau khi giành được hợp đồng xây dựng nhà ga sân bay trị giá 250 triệu USD ở thành phố Sylhet giáp biên giới Bangladesh - Ấn Độ.

Bangladesh hiện đang cố gắng huy động khoản tiền trị giá 1 tỷ USD từ Trung Quốc để quản lý sông Teesta sau khi thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với Ấn Độ không thuận lợi do sự phản đối từ bang West Bengal, Ấn Độ.

Mối quan hệ của Trung Quốc với Bangladesh càng trở nên quan trọng trong bối cảnh quan hệ với Ấn Độ leo thang thời gian gần đây.

Mỹ tăng cường ảnh hưởng với quốc gia Nam Á

Bất ngờ giành giật đòn bẩy đối đầu Ấn Độ của Trung Quốc, Mỹ nhắm vào Vành đai, Con đường? - Ảnh 3.

Lực lượng Không quân Bangladesh trong lễ kỉ niệm Ngày Quốc khánh của nước này. Ảnh: Reuters

Ngoại giao quốc phòng là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington. Vào tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo đầu tiên về chiến lược này, trong đó công nhận Bangladesh là "đối tác mới nổi", cùng với Sri Lanka, Nepal và Maldives ở Nam Á.

Chia sẻ với Nikkei, bà Laura Stone cho biết: "Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi bắt nguồn từ thực tế rằng Mỹ cũng giống Bangladesh, đều là quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. An ninh hàng hải và khu vực của Nam Á đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, hòa bình và thịnh vượng vì lợi ích của tất cả các quốc gia. Và đó là lý do tại sao chúng tôi ưu tiên các nỗ lực thúc đẩy an ninh."

Giáo sư Riaz đánh giá, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự tham gia của Bangladesh vào Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến Mỹ phải hành động dứt khoát hơn.

Mỹ và Bangladesh đã hợp tác về an ninh trong nhiều lĩnh vực, từ chống khủng bố đến gìn giữ hòa bình, theo kế hoạch tài trợ quân sự nước ngoài bắt đầu từ năm 2005. Từ năm 2018, Mỹ chi thêm 60 triệu USD để hỗ trợ an ninh hàng hải cho Bangladesh.

Theo giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Dhaka Amena Mohsin, Mỹ đang tích cực thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối đầu với Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc. Bangladesh đã là thành viên của sáng kiến này từ năm 2016.

"Mỹ muốn có quan hệ đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố và mua bán vũ khí và Bangladesh có tầm quan trọng chiến lược," giáo sư Amena Mohsin chia sẻ.

Dhaka trước lựa chọn khó khăn

Cựu đại sứ Bangladesh tại Mỹ M.Humayun Kabir, hiện là Chủ tịch của Viện Doanh nghiệp Bangladesh, cho biết điều này đặt Bangladesh vào tình thế khó. 

Ông Kabir nói: "Điều này sẽ khó khăn đối với Bangladesh vì nước này là bạn của cả Mỹ và Trung Quốc."

Theo số liệu chính thức, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh, cung cấp cho Bangladesh mức thặng dư thương mại lên tới gần 7 tỷ USD trong năm 2019. Trong khi đó, đất nước Nam Á 170 triệu dân này chịu thâm hụt thương mại lên tới 12 tỷ USD năm 2019 trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Bắc Kinh là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Dhaka.

Giáo sư Riaz dự đoán nếu ông Biden được bầu làm tổng thống trong đợt bầu cử lần này, các chính sách của Mỹ đối với Nam Á sẽ thay đổi với sự hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại