Vụ Navalny: Quan hệ với Nga trục trặc, Đức phải khéo léo giữ hình ảnh đầu tàu EU

Phương Anh |

Quan hệ Nga- Đức thêm trắc trở sau những đôi co liên quan tới vụ chính trị gia người Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc.

Trong khi cơ quan tình báo Đức vừa mới tiết lộ khả năng nhân vật đối lập Nga có thể đã bị ám hại bằng chất độc thần kinh cực mạnh, thì phía Nga hiện đang rất sốt sắng muốn gửi điều tra viên đến Berline để phối hợp với giới chức Đức sớm làm sáng tỏ vụ việc.

Tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) của Đức hôm qua (11/9) dẫn nhận định của người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Đức Bruno Kahl đưa ra trong một cuộc họp kín rằng, ông Alexei Navalny có thể đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok mạnh hơn hẳn so với những loại từng có trước đây. Cũng theo nguồn tin này, một phái đoàn của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã tới bệnh viện ở Berline nơi ông Navalny đang điều trị để tiến hành thêm các cuộc điều tra.

Liên tục bác bỏ những tuyên bố gần đây mà Đức đưa ra là “vô căn cứ”, hiện phía Nga chưa mở vụ án điều tra hình sự và vẫn giữ quan điểm rằng, Đức phải công bố bằng chứng cho thấy ông Navalny bị đầu độc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Về nguyên tắc, chúng tôi cần lấy thông tin từ các đồng nghiệp Đức, có điều gì đó đang xảy ra ở phía họ. Tôi xin nhắc lại rằng, vào ngày 27/8, Văn phòng Tổng công tố Nga đã gửi yêu cầu xin hỗ trợ pháp lý từ các tổ chức của Đức, dựa trên kết quả điều tra ban đầu đã ngay lập tức được thực hiện tại Nga”.

Phía Nga cũng đang tiếp tục đề xuất gửi các điều tra viên đến Đức để làm rõ những gì đã xảy ra với ông Navalny, đặc biệt sau khi nhận được thông tin tình hình hiện tại của nhân vật đối lập Nga đã dần ổn định, ông Navalny đã tỉnh táo và có thể nhớ lại những chi tiết trước khi ông bất tỉnh trên chuyến bay ở Nga.

Theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ Nga, lực lượng an ninh nước này đang tiến hành truy vết lịch sử di chuyển của ông Navalny và tiếp tục tìm kiếm một người có khả năng là nhân chứng trực tiếp trong vụ nghi đầu độc này. Sau yêu cầu chính thức đầu tiên gửi đến Đức và vẫn chưa được hồi đáp, Bộ Nội vụ Nga đang chuẩn bị một hỗ trợ pháp lý khác cho các cơ quan có thẩm quyền ở Đức, đặc biệt yêu cầu cần có sự hiện diện của các điều tra viên Nga trong quá trình điều tra.

Không ít các nhà phân tích cho rằng, Nga có thể sẽ lại “hụt hẫng” khi bị Đức tiếp tục phớt lờ lời đề nghị hợp tác. Bởi lẽ Đức đang thể hiện lập trường có phần kiên định trong vụ việc này, khi sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để cáo buộc ông Navalny bị hạ độc bằng Novichok. Không chỉ yêu cầu Nga phải giải thích rõ ràng mà Đức còn kêu gọi phương Tây cùng thống nhất phản ứng trước cáo buộc nhằm vào Moscow.

Trước áp lực của nước ngoài về vụ việc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Không có bằng chứng dẫn đến một vụ án hình sự. Tất nhiên, chúng tôi không thích khi các quốc gia khác ra lệnh cho chúng tôi những thủ tục pháp lý chúng tôi cần có tại thời điểm nào và trên cơ sở nào để bắt đầu chúng. Chúng tôi không thể gọi những cuộc kiểm tra và truy vấn này là một vụ án hình sự trên cơ sở phân tích của một phòng thí nghiệm của Đức… Về mặt pháp lý, điều đó là không thể”.

Chính phủ Nga đang phải đối mặt với sự trừng phạt của phương Tây nếu không đưa ra lời giải thích rõ ràng cho điều mà Đức gọi là “bằng chứng khó chối cãi” về sự can dự của Nga trong vụ việc. Theo nhận định của tờ Die Zeit của Đức, vì vụ việc này, quan hệ Đức - Nga đang “trượt dài” tới điểm thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Phía Đức không loại trừ khả năng từ bỏ đường ống dẫn khí đốt qua biển Baltic mặc dù đây là một trong những quyết định chính sách đối ngoại tốn kém nhất đối với Đức nếu từ bỏ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Theo các chuyên gia, Đức phải rất khéo léo trong xử trí vụ việc lần này bởi lẽ việc duy trì lợi ích trong hợp tác với Nga mà không làm tổn hại đến hình ảnh đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) rõ ràng là bài toán hoóc búa đang đặt ra cho Berline vào thời điểm hiện tại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại