Thủy quân lục chiến Mỹ xây boongke bằng công nghệ in 3D chỉ trong 36 giờ

Anh Minh |

Được trang bị máy in 3D, cần cẩu, nguồn cung cấp điện, nước và một bể chứa xi măng khổng lồ, một đội lính thủy đánh bộ Mỹ đã xây dựng, chỉ trong 36 giờ, một boongke bảo vệ đủ lớn để giấu một bệ phóng tên lửa HIMARS.

Điều đó nghe có vẻ không phải là vấn đề lớn. Nhưng khi Thủy quân lục chiến Mỹ đang được tổ chức lại cho một chiến dịch tấn công đảo trong thế kỷ 21, lực lượng này có thể cần một phương pháp mới để nhanh chóng xây dựng các công trình có thể che giấu lực lượng của mình khỏi vệ tinh, máy bay do thám và máy bay không người lái của Trung Quốc.

Năm ngoái, công ty Icon 3D có trụ sở tại Austin, bang Texas, Mỹ đã huấn luyện tám lính thủy đánh bộ tại Trại Pendleton sử dụng chiếc máy in 3D giống như giàn giáo của công ty. Sau đó, công ty đã vận chuyển một trong những máy in của mình đến căn cứ California để trình diễn. Vào cuối tháng 7, Icon 3D cuối cùng đã phát hành một video về cuộc trình diễn.

Trong video, các nhân viên của Icon 3D và Thủy quân lục chiến Mỹ đã thiết lập chiếc máy in có thể xoay, nặng hơn 1,7 tấn trên một mảnh đất trống. Các nhà điều hành lập trình máy in để tạo ra bốn phần của cái gọi là "cấu trúc giấu xe cộ”có chiều dài 7,7m, rộng 4m và cao 4,5m — đủ lớn để che giấu Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) có bánh xe, bệ phóng tên lửa chính của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Máy in bắt đầu hoạt động, phun ra một hỗn hợp giống xi măng được gọi là “lavacrete”, kết hợp bazan và keo epoxy để tạo ra một vật liệu bền, nhẹ và chống ăn mòn, đóng rắn nhanh chóng như dung nham.

Trong 36 giờ, Thủy quân lục chiến có một boongke, bệ phóng HIMARS được giấu vừa khít bên trong.

Không khó để tưởng tượng thủy quân lục chiến Mỹ có thể sử dụng máy in 3D trong thời chiến như thế nào. Lầu Năm Góc đang phát triển một chiến lược để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh nước này.

Nhưng chiến lược đó phụ thuộc vào việc các tiểu đoàn Lính thủy đánh bộ và lục quân Mỹ vừa có năng lực ẩn giấu, vừa có thể triển khai rộng, nhanh chóng từ đảo này sang đảo kia, tất cả đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Trong thời gian ngắn ngủi ở mỗi tiền đồn, Thủy quân lục chiến Mỹ, theo Forbes, sẽ điều máy bay không người lái để phát hiện tàu chiến Trung Quốc - sau đó nhanh bắn một vài tên lửa chống hạm về hướng của họ. Sau khi bắn, người Mỹ cần phải ẩn nấp để tránh các cuộc phản công có thể xảy ra.

Thủy quân lục chiến Mỹ có thể vận chuyển nguyên liệu thô và các máy trộn bê tông kiểu cũ trên một con tàu đổ bộ và xây dựng boongke theo cách truyền thống. Tuy nhiên, một máy in 3D cùng thiết bị hỗ trợ và vữa chuẩn bị sẵn của nó có thể dễ vận chuyển hơn và vận hành nhanh hơn.

Tất nhiên, các boong-ke “tức thời” được in 3D không phải là thuốc chữa bách bệnh. Chúng có thể giúp che giấu các khí tài tiền đồn khỏi sự giám sát từ trên cao, nhưng chúng không thể làm gì để ngăn lực lượng Trung Quốc nghe lén các chương trình phát thanh của một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và định vị vị trí của nó.

Không phải vô cớ mà Brian Kerg, một chuyên gia về liên lạc hàng hải của thủy quâ lục chiến Mỹ, gọi quản lý tín hiệu vô tuyến là “lỗ hổng nghiêm trọng” của lực lượng này.

Và nếu quân đội Trung Quốc phát hiện ra một tiền đồn, một boongke giống như đá bazan sẽ không làm được gì nhiều để bảo vệ phương tiện bên trong khỏi hàng loạt tên lửa đạn đạo. Một tên lửa DF-26 của Trung Quốc có thể chứa một đầu đạn nặng tới 1,8 tấn không quan tâm đến việc bạn xây boongke theo cách truyền thống hay dựng nó với công nghệ in 3D.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại