Tranh cãi Nga đã chuyển "vũ khí tối thượng" S-400 đến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ "đừng hòng" vượt lằn ranh đỏ?

Mạnh Kiên |

Cuộc xung đột Libya có thể thay đổi theo cách không ai ngờ tới khi hệ thống phòng không Nga được chuyển đến. Đây là "mồi nhử" hay lời cảnh báo gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ?

Tranh cãi Nga đã chuyển vũ khí tối thượng S-400 đến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đừng hòng vượt lằn ranh đỏ? - Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là hệ thống phòng không S-300 hoặc S-400 của Nga ở Libya.

Các nhà phân tích quốc phòng đang xác nhận thông tin Nga có thể đã triển khai hệ thống phòng không tiên tiến tới Libya. Một số hình ảnh đăng tải gần đây cho thấy có một hệ thống radar lớn và các ống tên lửa thẳng đứng được đặt gần Ra's Lanuf, phía Đông quốc gia Bắc Phi.

Đây có thể là hệ thống phòng không S-300 nổi tiếng, hoặc thậm chí là hệ thống tên lửa S-400 đình đám. Nếu việc triển khai là đúng sự thật, điều này nó có thể giúp tăng quy mô sức mạnh cho Nga và đồng minh địa phương, đạt ưu thế trước các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Nga triển khai S-400 đến Libya?

Theo Forbes, những hình ảnh nói trên được đăng tải trên tài khoản Twitter chuyên theo dõi cuộc xung đột ở Libya có tên KRS Intl. Chúng chỉ mới được chụp trong vài ngày qua.

Các nhà phân tích nhận định rằng, radar trong ảnh trông giống như mẫu 96L6E của Nga. Đây là radar thu nhận mục tiêu liên kết với hệ thống tên lửa đất đối không S-300 nổi tiếng. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng với hệ thống S-400.

Bên cạnh radar dường như là một hệ thống TEL (hệ thống vận chuyển, triển khai, phóng đạn), cùng các ống tên lửa đang ở vị trí thẳng đứng, sẵn sàng phóng.

Theo nhận định của giới quan sát, sự xuất hiện của các hệ thống phòng không ở Libya sẽ báo hiệu cho sự ưu tiên ngày càng nghiêm túc hơn của Nga.

Mặc dù nhiều lần bác bỏ sự liên quan ở Libya cũng như thể hiện thái độ trung lập đối với cuộc xung đột ở quốc gia này, Moscow vẫn bị Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có sự ủng hộ ngầm đối với lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.

Cũng giống như ở Syria, Nga đang phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm, bao gồm cả lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay không người lái TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những thành công đáng kể trước hệ thống phòng không của Nga thời gian gần đây. Nhưng trong thời gian tới, S-300 hoặc S-400 sẽ là rào chắn khó vượt qua.

"Người Nga đã lặng lẽ ra hiệu rằng Sirte và Jufra là ranh giới đỏ, mặc dù họ không tuyên bố công khai giống như các quốc gia khác", Aaron Stein, chuyên gia tại viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ bình luận về thông tin Nga triển khai vũ khí đến Libya.

Chuyên gia Stein không nghĩ rằng động thái triển khai hệ thống phòng không là điều bất ngờ, bởi Nga đã triển khai các hệ thống tiên tiến tương tự, bao gồm cả S-400, để bảo vệ tài sản của mình ở Syria.

"Họ dường như đã áp dụng một trang trong cuốn sách chiến lược Syria, đó là gửi một phi đội hỗn hợp và tăng cường các khí tài phòng không ở nước này. Nếu điều đó là sự thật, S-300 sẽ tham chiến cùng hệ thống tầm ngắn Pantsir S-1. Cả hai sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải nghĩ lại về quyết định vượt qua ranh giới đỏ".

Trớ trêu thay, hệ thống S-400 lại chính là thứ mà Nga vừa bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ đã gây tranh cãi đến mức khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ từ chối cung cấp máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning-II.

Phòng không Nga đến Libya bằng cách nào?

Tranh cãi Nga đã chuyển vũ khí tối thượng S-400 đến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đừng hòng vượt lằn ranh đỏ? - Ảnh 2.

Máy bay An-124 thường được sử dụng để vận chuyển S-300 hoặc S-400.

Câu hỏi đặt ra hiện tại là nếu những hình ảnh trên là sự thật thì Nga đã chuyển hệ thống phòng không đến Libya bằng cách nào?

Có lẽ không phải là ngẫu nhiên khi một chiếc máy bay chở hàng hạng nặng An-124 đã bay từ Nga đến căn cứ không quân Al Khadim ở Al Marj vào ngày 3/8.

Rob Lee, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng Nga tại đại học King London, tin rằng An-124 có thể là một đầu mối quan trọng. Máy bay An-124 là máy bay duy nhất của Nga có thể mang tất cả các linh kiện cho S-300 và S-400. Trong mọi nhiệm vụ vận chuyển gần đây, ví dụ đưa S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ và S-300 đến Syria, đều có sự tham gia của An-124.

Các hệ thống tên lửa mới đến có thể thay đổi ván cờ trên mặt đất, đặc biệt nếu chúng được vận hành bởi các chuyên gia Nga. Chuyên gia Stein cho rằng Nga đang lợi dụng sự mập mờ trong việc bên nào sẽ vận hành hệ thống.

"Người Nga thích chơi trò đó để bạn không bao giờ biết ai đang vận hành các hệ thống hệ thống phòng không ở Libya. Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy ngần ngại trong việc tấn công một hệ thống phòng không vì biết rằng điều đó có thể gây tổn hại cho người Nga".

Bên cạnh những nhận định trên, giới phân tích cũng đưa ra giả thuyết những bức ảnh đó chỉ là một mồi nhử. Nga có thể sử dụng mô hình ngụy trang để gây nhầm lẫn cho tình báo quân sự . Nhưng ngay cả khi chúng là giả, không loại trừ khả năng có một hệ thống thực sự đang đặt bí mật ở đâu đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại