"Nhiều người bị thổi bay": So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý

Hồng Anh |

Vụ nổ ngày 4/8 là một đòn giáng mạnh vào Beirut nói riêng và Lebanon nói chung, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19.

"Tôi thấy nhiều người bị thổi bay"

Vào thời khắc xảy ra vụ nổ kinh hoàng rung chuyển thủ đô Beirut của Lebanon vào chiều ngày hôm qua (4/8 - theo giờ địa phương) gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của, thì Ahmed Yassine đang lái xe về nhà sau giờ làm việc.

Khi vụ nổ lớn diễn ra, Yassine cho biết anh đã tận mắt nhìn thấy một đám khói khổng lồ bao trùm tất cả.

"Ô tô của tôi nảy lên, và tôi thấy nhiều người bị thổi bay", Yassine chia sẻ với đài CTV (Canada). "Các cửa hiệu, căn hộ, nhà cửa [xung quanh] đều bị phá hủy. Mọi người la hét, chạy tán loạn".

Những đoạn video được chia sẻ trên các trang mạng xã hội đã ghi lại khoảnh khắc kinh hoàng khi vụ nổ thứ hai diễn ra - chỉ vài phút sau vụ đầu tiên. Sóng xung kích của hai vụ nổ này đã thổi bay cửa kính của các tòa nhà trong vòng bán kinh vài km.

Con số thương vong chính thức vẫn chưa được xác định, nhưng giới chức địa phương đã ước tính có hơn 70 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương do vụ nổ. Vài giờ sau đó, các xe cứu thương vẫn còn tiếp tục đưa các nạn nhân đến bệnh viện.

Những người dân tại Cyprus, hòn đảo cách thủ đô Beirut hơn 200km, cũng có thể nghe và cảm nhận sóng xung kích của vụ nổ kinh hoàng này.

Yassine cho biết anh chỉ ở cách vụ nổ khoảng 4km nhưng đã may mắn thoát nạn.

Mặc dù vậy, một điều anh không thể chạy thoát là cảnh tượng kinh hoàng mà anh đã tận mắt chứng kiến.

"Cửa kính, gạch đá, các tòa nhà nứt vỡ. Điều đó thực sự rất khủng khiếp", Yassine nói.

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Nada Hamza, một công dân Beirut khác, đã tận mắt chứng kiến vụ nổ ở khoảng cách gần hơn so với Yassine.

"Khi đó tôi đang ở con phố ngay phía sau cảng Beirut", Hamza ước lượng khoảng cách của mình so với vụ nổ là khoảng 1km.

Giống như Yassine, Hamza cũng đang ngồi trong ô tô khi nghe thấy tiếng nổ cảnh báo đầu tiên.

Ban đầu, Hamza nghĩ rằng cô vừa nghe thấy tiếng "bom" nổ. Cô đã hạ cửa kính xe và hỏi những người xung quanh tình hình, vì nghĩ rằng đó có thể là tiếng những người biểu tình "đụng độ với lực lượng của chính quyền".

Sau đó âm thanh đã thay đổi. Hamza nói rằng cô thấy có tiếng giống như máy bay - và những người xung quanh cô lo ngại rằng đó có thể là một cuộc không kích của Israel, bởi gần đây giữa Lebanon và Israel đang leo thang căng thẳng.

"Và sau đó chúng tôi nhìn thấy khói, thấy lửa bốc lên. Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ", Hamza nói.

Ban đầu Hamza đã "bỏ của chạy lấy người" vì không chắc liệu đó có phải là một cuộc tấn công hay không.

"Tôi đã bỏ lại ô tô của mình ở giữa đường, sau đó chạy đi trốn trong một tòa nhà. Tôi đã rất hoảng loạn và sợ hãi", cô nói. "Đường phố gần như bị phá hủy".

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 4.

Ảnh: AP

Yassine cho biết cảnh tượng hỗn loạn sau vụ nổ ngày hôm qua đã gợi nhớ cho anh về bộ phim truyền hình Chernobyl - nói về thảm họa hạt nhân năm 1986 tại Ukraine.

Thực tế, liên tưởng của Yassine không phải là vô lý, bởi theo các báo cáo ban đầu thì vụ nổ thứ hai - vụ nổ lớn hơn - là vụ nổ hóa học.

Theo Yassine, vụ nổ đầu tiên xảy ra vào khoảng 6:05 chiều ngày 4/8 (giờ địa phương) xảy ra tại một nhà kho pháo hoa ở cảng Beirut. 3 phút sau, vụ nổ thứ hai - có thể do vụ nổ thứ nhất "châm ngòi" - đã rung chuyển cả thành phố.

Người đứng đầu Tổng cục An ninh Lebanon, ông Abbas Ibrahim, cho biết nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng ngày hôm qua có thể là do các vật liệu gây cháy nổ bị tịch thu từ một con tàu từ trước đó và đã được lưu giữ tại cảng này trong một thời gian.

Kênh truyền hình địa phương LBC cho biết vật liệu cháy nổ nói trên là natri nitrat.

Ảnh: Triangle News/Daily Mail

"Chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng"

Chia sẻ với CTV, Yassine cho biết mặc dù Beirut đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng vụ nổ lần này "rất khác".

"Chúng tôi đã đối mặt với chiến tranh... chúng tôi đã sống sót sau nhiều vụ nổ. Nhưng lần này hoàn toàn không giống những lần đó. Đây là một vụ nổ hoàn toàn khác biệt", Yassine nói.

Vài giờ sau khi vụ nổ diễn ra, con số thương vong chính thức vẫn tiếp tục tăng lên và được cho là sẽ còn tiếp tục tăng khi có thêm nhiều nạn nhân được phát hiện.

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 7.

Ảnh: Reuters

Vụ nổ ngày 4/8 là một đòn giáng mạnh vào Beirut nói riêng và Lebanon nói chung, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19.

"Các bệnh viện của chúng tôi không đủ sức tiếp nhận nhiều người đến vậy", Hamza nói. "Do COVID-19, các cơ sở y tế ở Lebanon không đủ trang thiết bị".

Mặc dù vậy, cô cho biết những người sống sót và đồng bào Lebanon đang nỗ lực giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn: "Chúng tôi cố gắng giúp đỡ và đón nhận những người mất nhà cửa do vụ nổ. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức, nhưng chúng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra".

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 8.

Ảnh: EPA

Yassine nói rằng anh hy vọng công lý sẽ được thực thi và sẽ có người phải chịu trách nhiệm về thảm họa ngày hôm qua: "Số natri nitrat đã được cất ở cảng Beirut hơn 1 năm trời, nhưng chẳng có ai cảnh báo về điều đó. Giới chức không hủy số hàng này, mà thay vào đó họ lại cất chúng đi và không cảnh báo mọi người. Ngày hôm nay nó đã phát nổ..."

"Phải có ai đó chịu trách nhiệm về điều này, đặc biệt là những người đã cho phép lưu trữ số vật liệu cháy nổ ở nơi gần khu vực đông người như vậy. Đó cũng là nơi có nhiều người nghèo sinh sống", Yassine nói.

Theo Yassine, vụ nổ đã phá hủy nhiều tài nguyên dự trữ ở cảng hoặc ở khu vực gần cảng mà thành phố Beirut rất cần trong "cuộc khủng hoảng kinh tế này", ví dụ như lúa mì.

Không có cảng Beirut, "chúng tôi phải sống sao đây?" - Yassine nói.

Một số hình ảnh khác cho thấy sức công phá kinh hoàng của vụ nổ ngày 4/8 tại thủ đô Beirut:

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 9.

Ảnh: EPA

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 10.

Ảnh: EPA

Nhiều người bị thổi bay: So sánh vụ nổ ở Beirut với thảm họa Chernobyl, nhân chứng phẫn nộ đòi công lý - Ảnh 11.

Ảnh: EPA

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại