Nga để lộ hình ảnh Su-35 sắp cung cấp cho khách hàng đặc biệt: Ba "ông lớn" bất ngờ căng não

Vy Lam |

Hình ảnh bị rò rỉ hôm 22/7 về những chiếc Su-35 đang bay tại Nga đã thu hút nhiều sự chú ý.

Sở dĩ như vậy vì đây là các máy bay chiến đấu Su-35 mang màu sơn ngụy trang của Không quân Ai Cập. Dự kiến Cairo sẽ nhận được lô máy bay đầu tiên trước cuối năm nay.

Ai Cập là khách hàng nước ngoài thứ ba đặt mua Su-35 từ Nga, thỏa thuận này hứa hẹn sẽ mang lại cho họ mẫu chiến đấu cơ mạnh nhất tại châu Phi hoặc trong Thế giới Ả Rập. Trước đó, Trung Quốc đã đặt mua 24 chiếc Su-35 vào năm 2015 và Indonesia đặt hàng 11 chiếc vào năm 2017.

Theo tạp chí MW, việc Nga để lộ những hình ảnh đầu tiên về các máy bay Su-35 sắp chuyển giao cho Ai Cập dường như là một phép thử phản ứng của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia từ lâu đã đối địch với Ai Cập, và quan trọng nhất đó là thử phản ứng của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề theo đạo luật CAATSA đối với một số khách hàng vũ khí lớn của Nga và Ai Cập cũng nằm trong số đó. Hành động này được cho là nhằm "hất cẳng" Nga ra khỏi thị trường vũ khí toàn cầu và chiếm thị phần lớn hơn cho các nhà cung cấp phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã "cảnh cáo" Cairo hoặc chỉ tìm tới các nước phương Tây để hiện đại hóa phi đoàn máy bay chiến đấu, hoặc phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Ai Cập đã quyết tâm xúc tiến thương vụ Su-35 với Nga. MW cho rằng, một phần nguyên nhân là do các nước phương Tây liên tục cung cấp cho Ai Cập các loại vũ khí xuống cấp nghiêm trọng, ví dụ như các tiêm kích hạng nhẹ F-16 với hệ thống điện tử hàng không xuống cấp, và không được trang bị bất cứ tên lửa không-đối-không tầm xa hoặc các loại tên lửa tấn công mặt đất.

Bên cạnh đó, sa khi chính phủ Hồi giáo liên kết với phương Tây bị lật đổ tại Ai Cập vào năm 2013, Mỹ đã đình chỉ cung cấp phụ tùng cho quân đội Ai Cập, gây cản trở nghiêm trọng các nỗ lực chống lực lượng nổi dậy của họ vào thời điểm đó. Chính việc này đã dẫn đến hệ quả trực tiếp là Ai Cập chuyển hưởng, phụ thuộc hơn vào vũ khí Nga.

Việc Ai Cập từ chối cắt đứt quan hệ quốc phòng với Nga bất chấp áp lực từ phương Tây đã gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các khách hàng tiềm năng khác của Nga. Nếu Washington áp dụng một cách vô tội vạ các biện pháp trừng phạt thì những bên liên quan có thể sẽ không chút chần chừ mà mua máy bay Nga.

Bên cạnh đó, nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng thì điều đó không chỉ làm giảm triển vọng bán vũ khí của phương Tây cho Ai Cập trong tương lai, mà còn tạo cơ hội cho Nga và các quốc gia khác như Trung Quốc làm suy yếu tầm ảnh hưởng của phương Tây tại quốc gia châu Phi vốn có vị trí chiến lược này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại