Giá dầu giảm, Nga phải cắt nguồn chi “khủng” cho quân đội

Thiện Nhân |

Nga cân nhắc giảm ngân sách cho quốc phòng trong giai đoạn 2021-2023 vì tác động tiêu cực của COVID-19 cũng như việc giá dầu lao dốc.

Reuters ngày 21/7 dẫn tài liệu được Bộ Tài chính Nga công bố cho biết Moscow đang tính toán khả năng cắt giảm ngân sách cho lĩnh vực quân sự giai đoạn 2021-2023 khoảng 5% do nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của giá dầu giảm và dịch COVID-19.

Khoảng 10% ngân sách cho hoạt động của hệ thống tòa án, cơ quan quản lý nợ liên bang và tiền lương cho viên chức cũng có thể bị cắt giảm do nguồn thu ngân sách giảm.

Nga có nền khoa học quân sự hàng đầu thế giới, song không còn nằm trong nhóm các quốc gia chi nhiều nhất cho lĩnh vực này. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga năm ngoái chi khoảng 65,1 tỷ USD cho quân sự, tương đương 3,9% GDP, đứng thứ tư thế giới.

Năm 2018, tổng chi quốc phòng của Nga chỉ đạt 48 tỷ USD, đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Arab Saudi, Anh, Pháp và Nhật Bản. Trong đó, khoảng 24 tỷ USD được sử dụng cho việc mua sắm vũ khí mới.

Những năm đầu nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin chi khá mạnh tay cho quân sự, song giảm dần vài năm gần đây và dự kiến tiếp tục giảm trong nửa thập kỉ tới, dù nước này đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội giai đoạn 2018-2027.

Trong một thông điệp phát đi cuối năm ngoái, ông Putin nói rằng "việc giảm chi tiền cho quốc phòng không có nghĩa là chúng ta từ bỏ, mà bởi thực tế chúng ta đã vượt qua đỉnh cao trong các sáng kiến đảm bảo an ninh và đổi mới thiết bị kỹ thuật quân sự".

Các chuyên gia quân sự đánh giá khả năng tấn công và phòng thủ của Nga vẫn được duy trì trong ít nhất hai thập kỷ nữa. Moscow sở hữu những công nghệ quân sự mà không nước nào có, trong đó có vũ khí đánh chặn và các mẫu tên lửa tấn công siêu vượt âm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại