Hội nghị thượng đỉnh EU: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Thu Hoài |

Với quy mô nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép chưa từng có do đại dịch Covid-19.

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Liên minh châu Âu kể từ tháng 2 vừa qua đã phải kéo dài sang ngày thứ 3 do không thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro. Với quy mô nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, Liên minh châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép chưa từng có do đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch hôm 18/7 là ngày họp cuối cùng của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, cho tới tận 23h đêm 18/7 theo giờ Brussels (tức 3h sáng nay theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu vẫn chia rẽ sâu sắc về kế hoạch phục hồi trị giá hàng trăm tỷ euro và buộc phải kéo dài hội nghị sang ngày thứ 3. Phát biểu với báo giới sau ngày làm việc thứ hai của hội nghị, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thừa nhận, mọi chuyện phức tạp hơn dự đoán.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, nước hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu thì hi vọng, các nước thành viên có thể vượt qua những khác biệt: “Chúng ta đang ở trong một tình huống hoàn toàn khác so với hồi tháng 2. Các nước phải thực sự sẵn sàng thỏa hiệp để Hội nghị có thể đi tới một kết quả tốt đẹp cho châu Âu, cho mọi người dân châu Âu và tìm ra câu trả lời thích hợp cho những khó khăn kinh tế mà chúng ta đang phải đối mặt. Đây là những cuộc đàm phán thực sự khó khăn”.

Thách thức lớn nhất hiện nay là phải thuyết phục được những nước thành viên “cứng rắn nhất”, mà dẫn đầu là Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Những nước này vốn chủ trương tiết kiệm chi tiêu và cho rằng, giá trị các khoản trợ cấp là quá cao, đồng thời yêu cầu đảo ngược lại lô-gic của kế hoạch, thậm chí là chỉ dưới hình thức các khoản vay.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất kế hoạch mới, theo đó giữ nguyên khoản ngân sách phục hồi ở mức 750 tỷ euro, nhưng khoản hỗ trợ sẽ giảm từ 500 tỷ euro xuống 450 tỷ euro, trong các khoản cho vay sẽ tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro.

Kế hoạch mới của ông Charles Michel còn bao gồm công cụ “phanh khẩn cấp”, trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác và có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa 27 nước. Đề xuất được xem là nhằm đáp ứng mong muốn của Hà Lan nhằm đảm bảo việc sử dụng hợp lý các khoản tiền và chính xác hơn là trao cho tất cả các nước quyền phủ quyết. Tuy nhiên, một cơ chế như vậy lại không nhận được sự đồng tình của Tây Ban Nha và Italy, những nước được xem là hưởng lợi chính từ các kế hoạch hỗ trợ. Trong khi đó những quốc gia miền Nam như Hy Lạp lại lo ngại sẽ phải trở lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng hà khắc như năm 2010 để có thể nhận được các khoản vay hay hỗ trợ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh: “Đây là một hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử đối vối tất cả các quốc gia châu Âu, bởi cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt là chưa từng có. Chúng ta có nghĩa vụ phải đi tới một thỏa thuận có thể giúp cho các nền kinh tế của chúng ta trở nên kiên cường hơn, mà tại đó sự gắn kết xã hội và lãnh thổ nằm trong số những mục tiêu chính”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, vốn được xem là “nhà hòa giải” của Hội nghị hi vọng, các nhà lãnh đạo sẽ nhượng bộ lẫn nhau để có thể đi tới một sự phân bổ hợp lý giữa các khoản hỗ trợ và khoản vay, cũng như những điều kiện giải ngân để đưa Liên minh châu Âu vượt sóng dữ, trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại