Tên lửa S-300 vượt biển thẳng tiến đến Tehran, phòng không Iran hành động khẩn cấp

Trà Khánh |

Trong bối cảnh các cơ sở quân sự và năng lượng chiến lược liên tiếp bị tấn công, Iran nhiều khả năng sẽ sử dụng vũ khí phòng không mạnh nhất của họ để đánh trả kẻ thù.

Tờ Avia.Pro dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Iran đã triển khai thêm các hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU2 đến bảo vệ các cơ sở quân sự và năng lượng quan trọng xung quanh Tehran, sau khi căn cứ Parchin và cơ sở hạt nhân Natanz nằm gần thủ đô của Iran bị các thế lực bí ẩn tập kích.

Còn theo tờ Al-Jareeda dẫn một nguồn tin cao cấp đề nghị giấu tên cho hay, Israel chính là "thủ phạm" đứng đằng sau hai vụ nổ bất thường tại căn cứ quân sự Parchin hôm 26/6 và cơ sở hạt nhân Natanz hôm 2/7.

Tên lửa S-300 vượt biển thẳng tiến đến Tehran, phòng không Iran hành động khẩn cấp - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-300PMU2 của Iran trong một cuộc tập trận gần đây. Ảnh: Press.IR

Bản thân Iran cũng nhận thức rõ điều gì đang diễn ra và ai đang tấn công họ, do đó việc đưa các hệ thống S-300PMU2 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất là cần thiết.

Cũng theo nguồn tin của Avia.Pro, ngoài việc triển khai thêm các hệ thống phòng không đến bảo vệ thủ đô, Iran còn đặt mua thêm một số lượng lớn đạn tên lửa giành cho S-300PMU2 từ Nga.

Avia.Pro còn cho đăng tải một đoạn video ghi lại hình ảnh một đoàn xe tải chở theo các ống bảo quản chứa đạn tên lửa đất đối không thuộc về các bệ phóng di động 5P85, một trong những thành phần chiến đấu của S-300PMU2.

Các nguồn tin của Avia.Pro cho biết, số đạn tên lửa trên được Nga chuyển đến Iran bằng đường biển thông qua Biển Caspian, chỉ vài ngày sau khi cơ sở hạt nhân Natanz bị tấn công.

Tuy nhiên, nguồn tin của Avia.Pro lại không nói rõ lộ trình của đoàn xe chở tên lửa trên hay thông tin chi tiết về việc Iran mua thêm đạn tên lửa S-300 từ Nga.

Theo như phân tích của Avia.Pro, các hệ thống phòng không như S-300PMU2 (vũ khí phòng thủ) không nằm trong lệnh cấm vũ khí mà Liên hợp quốc đang áp đặt đối với Iran (hết hạn vào tháng 10 tới). Vì vậy việc Iran gấp rút mua thêm đạn tên lửa cho S-300PMU2 để đối phó với các cuộc tấn công hiện tại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện cả Nga và Iran đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin mà Avia.Pro đăng tải.

Iran hiện là một trong số các quốc gia sở hữu hệ thống phòng không tầm xa S-300, Nga bắt đầu chuyển giao các hệ thống S-300PMU2 đầu tiên cho Tehran vào năm 2016.

Tính tới thời điểm hiện tại S-300PMU2 vẫn là hệ thống phòng không tốt nhất của Iran, do đó nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở hạt nhân quan trọng như Natanz chắc chắn sẽ do các hệ thống S-300PMU2 đảm nhận.

S-300PMU2 Favorit là một trong những phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng không tầm xa S-300 được trang bị 4 loại tên lửa đất đối không gồm: 48N6E2, 48N6E, 5V55R, 5V55K có khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly từ 3-195km.

S-300PMU2 có khả năng đánh chặn mọi mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau ở độ cao thấp nhất 10m đến cao nhất 27.000m, đang di chuyển với vận tốc lên đến 10.000km/h.

Hệ thống phòng không này không những có khả năng bắn hạ được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn bắn được tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung, tên lửa hành trình và cả các mục tiêu bay tàng hình.

Iran nhận thêm tên lửa S-300 từ Nga sau khi cơ sở hạt nhân Natanz bị đánh bom.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại