Căng thẳng với Ấn Độ ở biên giới, thực chất lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực?

Minh Khôi |

Giờ đây, người Ấn Độ sẽ nói rằng chúng ta không thể tin người Trung Quốc, Tanvi Madan, giám đốc dự án Ấn Độ tại viện Brookings có trụ sở ở Washington, nhận định.

Trung Quốc hành động có chủ ý?

Chi tiết về vụ đụng độ được cho là tồi tệ nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong hơn 40 năm qua đã dần được truyền thông Ấn Độ hé lộ. Theo đó, quân đội Trung Quốc đã chặn dòng chảy trên tuyến đường các binh sĩ Ấn Độ đi tuần dọc biên giới chung giữa 2 nước ở dãy Himalaya. Sau khi phát hiện lính Ấn Độ đang đến gần, phía Trung Quốc đã mở dòng chảy khiến nhiều người bị cuốn đi rồi lao vào tấn công.

Những người lính giữa 2 bên đã chiến đấu bằng tay trong nhiều giờ đồng hồ, trong đó nhiều người đã tử vong khi rơi xuống vực. Khi trận chiến kết thúc, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương và nhiều người bị bắt giữ. Phía Trung Quốc cũng ghi nhận thương vong nhưng không công bố con số cụ thể.

Trận chiến cũng phá vỡ thoả thuận song phương được duy trì gần nửa thế kỉ, khi trước đó, đã không có binh sĩ nào thiệt mạng trong các vụ đụng độ dọc biên giới Trung - Ấn trong suốt 45 năm qua.

Theo đó, cuộc chiến giữa 2 nước bắt đầu khơi mào từ năm 1962 và lặp lại vào 5 năm sau. Tuy nhiên, cả hai bên đều cố gắng tránh đưa căng thẳng vượt quá kiểm soát.

Nhưng rồi bước ngoặt xảy ra vào thứ hai tuần trước, qua đó buộc cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đứng trước những quyết định khó khăn, nhất là khi không nhà lãnh đạo nào mong muốn thể hiện hình ảnh yếu đuối trước những vấn đề như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Vào thứ Bảy tuần trước, trong khi Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ đã "cố ý khiêu khích" và tiếp tục hoạt động xây dựng ở các khu vực tranh chấp, bất chấp việc hoạt động này vẫn nằm trong khu vực mà Ấn Độ đang kiểm soát.

Cuộc chiến xảy ra sau khi Trung Quốc không ngừng bổ sung lực lượng và tăng cường các hoạt động tuần tra dọc biên giới mà nước này đang kiểm soát - khu vực biên giới không chính thức, nơi luôn tiềm tàng những rủi ro về leo thang căng thẳng.

"Những gì đã diễn ra dường như cho thấy đây là hành động có chủ ý từ Trung Quốc nhằm mục đích thay đổi hiện trạng giữa 2 bên", Andrew Small, chuyên gia cao cấp tại quỹ Marshall (Đức), nói.

Small tỏ ra thận trọng khi mọi thông tin về vụ việc đều không được cung cấp cụ thể, mà hầu hết là đến từ phía Ấn Độ, cùng với các hình ảnh chụp từ vệ tinh. Tuy nhiên, rõ ràng là việc Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây.

"Quân đội Trung Quốc đang không ngừng củng cố các vị trí chiếm đóng, không chỉ đơn giản là việc tuần tra dọc các khu vực đang kiểm soát, mà còn xây dựng các cơ sở hạ tầng".

Trung Quốc đã đánh giá thấp nguy cơ

Trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, đây rõ ràng không phải là thời điểm thích hợp để nước này dính vào những căng thẳng với quốc gia láng giềng. Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế; mối quan hệ với Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi Mỹ - Trung nối lại quan hệ ngoại giao và thời điểm những năm 70, chưa kể tình hình căng thẳng hiện nay ở Hồng Kông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Úc, sau khi nước này yêu cầu phải điều tra nguồn gốc về Covid-19, hay căng thẳng với Canada về vụ bà Mạnh Vãn Châu có thể bị dẫn độ sang Mỹ.

Một số chuyên gia cho rằng vụ việc xảy ra ở biên giới Ấn Độ là phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc trước các sức ép trong nước nhằm không muốn thể hiện sự yếu đuối về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

"Tôi nghĩ rằng đó là cách ông Tập phản ứng trước những áp lực đang phải đối mặt", Taylor Fravel, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại MIT, nhận định.

"Trước vấn đề về Covid-19 và những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc từ cộng đồng quốc tế, cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, mối quan hệ Trung - Mỹ ngày một xấu đi, Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với vấn đề chủ quyền như một cách cho thấy nước này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sức ép".

Một số khác lại nhìn nhận đây là bước đi kế tiếp của một chính phủ khi trong suốt một thập kỉ qua thay vì tập trung ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định toàn cầu đã chuyển hướng sang việc theo đuổi đường lối chủ nghĩa dân tộc cứng rắn.

Khi phải lựa chọn giữa việc leo thang căng thẳng hoặc nhún nhường, không một quốc gia nào muốn đối đầu với Trung Quốc. Trong một tuyên bố đưa ra vào thứ sáu tuần trước, ông Modi cũng ám chỉ việc sẵn sàng chấp thuận những ảnh hưởng về chính trị để tránh việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Theo đó, ông Modi cho rằng quân đội Trung Quốc đã không xâm nhập biên giới Ấn Độ, bất chấp tuyên bố này đã đi ngược với phát biểu trước đó của Bộ trưởng Ngoại giao nước này.

"Có lẽ về phía Trung Quốc, họ sẽ nghĩ tại sao không tận dụng cơ hội này để làm tới?" June Dreyer, giáo sư về khoa học chính trị tại trường Đại học Miami (Mỹ) nói. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn gấp 5 lần Ấn Độ, trong khi chi tiêu quốc phòng cũng lớn hơn gần 100 tỷ USD.

Trong khi các cuộc biểu tình tại Ấn Độ và việc kêu gọi tẩy chay hàng hoá Trung Quốc sẽ khó mang lại những tác động lớn về mặt kinh tế, vẫn còn những nguy cơ về quân sự - điều mà Bắc Kinh có vẻ đã đánh giá thấp về tác động từ vụ việc.

Những tổn thất về sinh mạng, cũng như việc chấm dứt một thoả thuận không chính thức nhằm giảm thương vong, nhiều khả năng sẽ khiến Ấn Độ thay đổi quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, cả trong dư luận xã hội lẫn trong chính trường. Điều này có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ lâu dài về kinh tế và đối ngoại.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã mất đi một thế hệ nữa những người Ấn Độ có thể nhìn nhận Trung Quốc như một cơ hội. Giờ đây, họ sẽ nói rằng chúng ta không thể tin người Trung Quốc", Tanvi Madan, giám độc dự án Ấn Độ tại viện Brookings có trụ sở ở Washington, nói.

"Sự việc lần này sẽ đặt dấu chấm hết cho ý tưởng rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế sẽ làm giảm nhiệt những căng thẳng về mặt chính trị", Madan kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại