Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này

Long Phạm |

Nếu xem tân nhạc Việt Nam như một đế chế thì vị trí của Khánh Ly là đại tể tướng "dưới một người mà trên vạn người".

Khánh Ly và Thái Thanh, vị trí đứng dưới một người trên vạn người trong nền tân nhạc Việt Nam

Âm nhạc hải ngoại hay nền tân nhạc Việt Nam được đặt nền móng và kiến tạo bởi các danh ca huyền thoại. Họ là những người đã tô vẽ muôn màu sắc rực rỡ để dựng xây nên ánh hào quang chói sáng cho nền tân nhạc Việt Nam bằng chính giọng hát của mình.

Trong định nghĩa, danh ca được hiểu là những ca sĩ có tài năng, giọng hát và cống hiến to lớn với nền âm nhạc, gây dựng ảnh hưởng lên nhiều thế hệ ca sĩ sau này.

Danh ca chủ yếu hát thiên về cảm xúc, tự sự, hát sao cho đẹp và hay, đúng với dòng nhạc họ theo đuổi nhất, nhưng điều đó không có nghĩa họ nghèo nàn về kỹ thuật. Hình ảnh của họ gắn liền với nghệ thuật, văn hóa và tri thức.

Giống như Diva, danh ca có những tiêu chuẩn của riêng nó. Điều kiện để một ca sĩ được gọi là danh ca gồm 4 yếu tố: giọng hát, danh tiếng, tài năng và tầm ảnh hưởng.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 1.

Danh ca chỉ khác với Diva ở chỗ, họ không quá chú trọng tới việc thể hiện, phô diễn kỹ thuật hoa mỹ hay giọng hát nội lực, áp đảo người khác.

Tại Việt Nam, danh ca chủ yếu xuất hiện vào thời kỳ hưng thịnh của tân nhạc trong các thập niên 50, 60, 70, 80, 90. Tên tuổi họ gắn liền với nhạc trữ tình, qua các sáng tác của những nhạc sĩ bậc thầy như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Ngô Thụy Miên…

Trải qua một vài biến động của lịch sử và âm nhạc, nền nhạc hải ngoại được hình thành và quy tụ hầu hết danh ca về một mối. Bởi vậy, trong tiềm thức công chúng ngày nay, danh ca hay danh ca hải ngoại cũng là một, không có sự phân biệt.

Trong các danh ca Việt Nam, Thái Thanh là người đầu tiên được gọi tên (giống như Maria Callas là ca sĩ đầu tiên được gọi là Diva), với sự hội tụ mọi tiêu chuẩn, điều kiện ở mức chuẩn mực nhất, khiến ai cũng có thể nhìn vào để soi chiếu. Bà được xem là Nữ hoàng của nền tân nhạc.

Đứng ngay sau Thái Thanh chính là Khánh Ly, người được coi như tượng đài thứ hai trong nhạc Việt giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, có cống hiến to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng ít ai chạm tới.

Nếu xem tân nhạc Việt Nam như một đế chế thì vị trí của Khánh Ly là đại tể tướng "dưới một người mà trên vạn người".

Nói cách khác, nếu Thái Thanh có công kiến tạo tân nhạc Việt Nam và gây dựng sức mạnh, ảnh hưởng của giới nữ ca vào âm nhạc (sau một thời gian dài được thống trị bởi các giọng ca nam) thì Khánh Ly chính là người tiếp nối, phát triển nó đến một nấc thang rực rỡ, huy hoàng.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 3.

Điều đáng nể ở Khánh Ly là hát được nhạc của rất nhiều nhạc sĩ danh tiếng (số nhạc sĩ đó gần như ôm trọn nền nhạc xưa giai đoạn cuối thế kỷ XX) và tạo dấu ấn, tiếng vang riêng, không lẫn với bất cứ ca sĩ nào.

Khánh Ly hát rất nhiều, sở hữu cả một kho tàng hàng trăm bài hát, nhiều tới mức một khán giả thông thường khó lòng nghe hết được những ca khúc bà từng thể hiện.

Nội dung trong âm nhạc Khánh Ly thể hiện cũng vô cùng rộng lớn, bao gồm nhiều chủ đề về tình yêu đôi lứa, đất nước, chiến tranh, hòa bình, triết lý, triết học, nhân sinh, nhân loại. Rất ít ca sĩ có thể hát nhiều ca khúc mang nội dung nhân loại một cách nhất quán, xuyên suốt như Khánh Ly.

Nói các khác, tầm vóc Khánh Ly là tầm vóc của người hát lên nỗi lòng thế hệ, đất nước, dân tộc và thậm chí vươn tới nhân loại trong cả một thời kỳ biến động, đau thương, chứ không đơn giản chỉ là một ca sĩ.

Tất nhiên, việc so sánh giữa Khánh Ly và Thái Thanh là không thỏa đáng và bản thân Khánh Ly cũng luôn khiêm nhường tự nhận mình chỉ là một ca sĩ bé nhỏ đứng cạnh "cô Thái Thanh" (cách gọi kính cẩn Khánh Ly dành cho Thái Thanh), chịu ảnh hưởng từ Thái Thanh. Bà nói:

"Thời mới đi hát, tôi nghe nhiều và cũng học chủ yếu từ những ca sĩ đi trước như ông Ngọc Bảo, bà Thái Thanh. Ngày đó, tôi đi khắp phố phường đều thấy người ta bật Thái Thanh lên nghe".

Nhưng nếu mạo muội được nhìn nhận công tâm, có thể thấy, Khánh Ly và Thái Thanh là hai người phụ nữ quan trọng của tân nhạc Việt Nam, ở vị trí một chín một mười.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 5.

Thái Thanh giống như Aretha Frankin, là một giọng hát trác tuyệt, với kỹ thuật điêu luyện ít ai sánh kịp.

Bà đi tiên phong trong việc pha trộn tuyệt vời giữa nhạc cũ cung cổ truyền Việt Nam với nhạc thất cung ngoại nhập, giữa lối hát truyền thống dân tộc với lối hát cổ điển Tây phương, đưa dân ca vào tân nhạc trong một lối hát kết hợp Đông Tây uyển chuyển.

Điều đó khiến âm nhạc Thái Thanh thể hiện trở nên đầy uyên bác, thần tiên, kiến tạo cả một trường phái riêng, kén người nghe.

Ngược lại, Khánh Ly lại mang hơi hướm Joan Baez, là một giọng hát bình dân nhưng đặc biệt, âm sắc lạ, độc nhất vô nhị. Bà chọn cho mình lối hát ít kỹ thuật, giản dị, phóng khoáng, có độ phủi, độ trải và độ đời. Đó là tiếng hát của phiêu du, lang bạt, giang hồ, tự do.

Nhờ đó, âm nhạc Khánh Ly thể hiện tiếp cận được đại chúng đông đảo, thấu trọn và mê hoặc nhiều tầng lớp người, từ lao động nghèo, bình dân tới dân trí thức, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, xứng đáng với danh xưng Nữ hoàng chân đất – một danh xưng đậm tính hiện sinh.

Nói cách khác, nếu Thái Thanh có công bảo tồn, phát triển âm nhạc cổ truyền dân tộc, tình ca quê hương và hiện đại hóa qua việc kết hợp với tân nhạc thì Khánh Ly lại dẫn đầu âm nhạc phản chiến, hiện sinh, triết học. Cả hai đều đứng ở vị trí kinh điển, là mắt xích quan trọng trong tiến trình âm nhạc Việt Nam và in đậm lịch sử.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 7.

Điểm chung lớn nhất giữa Khánh Ly và Thái Thanh là nội dung ca hát rộng lớn, bao trọn mọi tâm tư, nỗi niềm, cơ cảnh của người dân Việt Nam trong một thời đại phong ba bão táp. Một nữ cao (Thái Thanh – soprano) và một nữ trung trầm (Khánh Ly – mezzo alto), họ đã tạo nên thế song hành đầy uy lực của giới nữ ca.

Bởi vậy, nhắc đến danh ca hải ngoại hay danh ca Việt Nam, không thể không nói tới Khánh Ly, một hiện tượng độc đáo, một huyền thoại, một kho tàng đồ sộ chứa đựng muôn vàn dữ kiện văn hóa, lịch sử và âm nhạc suốt thời kỳ biến động 50 năm qua.

Sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của Khánh Ly rộng lớn tới mức, đã biết bao thế hệ, lớp người Việt Nam qua đi nhưng không ai là không biết đến bà.

Từ những người tóc đã bạc trắng như vôi sắp về làm cát bụi hay tuổi trẻ mới lớn lên, ai ai cũng biết và từng nghe Khánh Ly ở đâu đó, qua nhiều ca khúc bất hủ như Cát bụi, Diễm xưa, Một cõi đi về...

Tiếng hát Khánh Ly (qua nhạc Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ khác) len lỏi vào mọi ngõ ngách, từ những xóm trọ nghèo, mái hiên dột, quán cà phê vỉa hè tới nhà hàng 5 sao, sự kiện sang trọng. Tiếng hát ấy, có người thích người không, kẻ khen kẻ chê, nhưng không ai lại không biết.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 9.

Cứ vậy, chẳng biết từ bao giờ, cái tên Khánh Ly đã trở thành một phần văn hóa, đời sống của người Việt Nam, dù chẳng cần đến một sự ca tụng, ghi danh nào.

Ngay cả trong giới âm nhạc, văn nghệ sĩ, Khánh Ly cũng đứng ở một vị trí khác biệt, được trọng vọng, kính nể, bất chấp những tranh cãi, lùm xùm.

Nhìn nhận lại mối quan hệ giữa Khánh Ly và nhạc Trịnh: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"

Suốt nhiều năm qua, tên tuổi Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh như hình với bóng. Trên thực tế, Khánh Ly nhờ nhạc Trịnh mà nổi tiếng. Ngược lại, nhạc Trịnh nhờ Khánh Ly mà được nhiều người biết tới.  

Vì lẽ đó nên nhiều người nghĩ rằng, Khánh Ly chỉ hát nhạc Trịnh và tên tuổi của bà chỉ gắn với nhạc Trịnh. Có người còn nhận định, nếu không có nhạc Trịnh sẽ không có Khánh Ly, nhưng điều đó là sai lầm.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 10.

Trên thực tế, Khánh Ly cũng giống như Thái Thanh, sở hữu một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, trải dài qua nhiều loại nhạc, với hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ danh tiếng như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn, Từ Linh…

Và điều hiển nhiên ai cũng thấy, là Khánh Ly hát nhạc nào cũng hay, thành công với bài hát của nhiều nhạc sĩ, được khán giả yêu thích tìm nghe, chứ không riêng gì nhạc Trịnh.

Chẳng hạn, Khánh Ly chính là người đầu tiên hát Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên và tạo tiếng vang cho nó (vào năm 1971). Bà cũng thành công với nhiều bài hát của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, hay được đích thân nhạc sĩ Phạm Duy thốt lên:

"Những bài hát đó (tâm ca của Phạm Duy) nghe rất hay vì phù hợp với giọng ca Khánh Ly. Có bài tôi hát chung với Khánh Ly mà bản thân tôi nghe đi nghe lại hoài không chán lỗ tai!".

Ai cũng biết, nhạc sĩ Phạm Duy vốn rất tinh tế, uyên bác nên đòi hỏi rất cao ở người ca sĩ hát nhạc của mình. Hơn nữa, gắn liền với nhạc Phạm Duy lại là cái bóng quá lớn của Thái Thanh – một giọng hát trác tuyệt ít ca sĩ nào sánh kịp.

Vì vậy, để được Phạm Duy tấm tắc khen ngợi như vậy quả là một kỳ tích. Điều này chứng tỏ rằng, tự thân Khánh Ly đã là một tượng đài riêng biệt chứ không phải cây tầm gửi bám vào nhạc Trịnh, phải nhờ nhạc Trịnh mới sống được như nhiều lời đồn đoán.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 11.

Bản thân Khánh Ly cũng từng lên tiếng: "Nếu nói rằng chỉ hát nhạc Trịnh thì hóa ra là tôi phụ lòng những nhạc sĩ khác. Vì trước khi gặp ông Trịnh Công Sơn thì tôi đã hát nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao rồi".

Ngoài nhạc Trịnh, Khánh Ly còn thành công vang dội và được đánh giá cao khi hát nhạc Tango. Bà được xếp vào một trong số 26 người hát nhạc Tango hay nhất thế giới (theo ông Donald Cohen, nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, nguyên chủ tịch Hội Âm Nhạc Hoa Kỳ).

"Điệu nhạc Tango vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, theo chân của những người Pháp khi họ đô hộ xứ sở này. Nó được phổ biến rộng rãi và yêu thích cho tới nay, kể cả trong nước lẫn cộng đồng tị nạn ở nước ngoài.

Tôi nhận thấy Khánh Ly yêu nhạc Tango một cách đặc biệt, chương trình của cô không bao giờ thiếu những bản Tango. Cô là ca sĩ duy nhất thâu năm album toàn nhạc Tango (ngoại quốc và Việt Nam), album nào cũng được thính giả khắp nơi đón nhận" – Donald Cohen viết.

Qua đó, đủ để thấy, Khánh Ly là một tài năng âm nhạc riêng biệt, với cá tính, bản sắc âm nhạc riêng có. Nếu không có nhạc Trịnh, Khánh Ly vẫn sẽ nổi tiếng. Chỉ có điều, sự nổi tiếng đó sẽ đến muộn hơn và không chắc đạt đến đỉnh cao như hiện tại. Ngược lại, nếu không có Khánh Ly, nhạc Trịnh cũng chưa chắc vang danh đến vậy.

Danh ca Khánh Ly: Dưới 1 người trên vạn người, khiến nhạc sĩ Phạm Duy phải thốt ra câu này - Ảnh 12.

Mối quan hệ giữa nhạc Trịnh và Khánh Ly có thể gọi là "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", tức là mối quan hệ cộng hưởng, tâm giao, cần có nhau để cùng làm nên hai huyền thoại. Thiếu một trong hai, huyền thoại sẽ không xuất hiện.

Bởi thế mới có chuyện, người Nhật khi muốn nghe nhạc Trịnh đã phải sang tận Mỹ để tìm bằng được Khánh Ly (lúc đó mới qua Mỹ, chưa đi hát nhiều để gây dựng lại được tên tuổi). Bà kể lại:

"Năm 1979, người Nhật bỗng nhiên đi tìm tôi để mời tôi biểu diễn. Tôi chẳng hiểu họ tìm kiểu gì mà cũng tìm ra tôi rồi mời tôi sang Nhật để hát trong một buổi đại hội dân ca Á châu, gồm Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan…".

Người Nhật chỉ muốn nghe nhạc Trịnh qua duy nhất giọng hát Khánh Ly, chứ không phải một ca sĩ nào khác.

Tóm lại, cần nhìn nhận rõ ràng rằng, tên tuổi Khánh Ly tồn tại không tách rời nhưng không phụ thuộc vào nhạc Trịnh. Bản thân Khánh Ly là một tài năng riêng, độc lập và sự nghiệp của bà không chỉ xoay quanh duy nhất nhạc Trịnh. Đó là sự nghiệp gắn liền với nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XX.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại