"Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh!"

Long Phạm |

Thái Thanh sở hữu giọng hát quý hiếm, kỹ thuật bậc thầy và những kỳ tích ít ai đạt được cho đến tận ngày nay.

Thái Thanh được biết đến là bậc đại danh ca của Việt Nam. Bà được xem là định nghĩa trác tuyệt nhất cho chữ "danh ca", với sự tụ hội đầy đủ những phẩm chất cao quý nhất từ giọng hát, tài năng tới cống hiến, tầm ảnh hưởng và cả nhân cách, cốt cách tâm hồn.

Trong suốt sự nghiệp trải dài hơn 70 năm của mình, Thái Thanh đã để lại cả một gia tài âm nhạc đồ sộ, với hàng trăm ca khúc thuộc muôn vàn thể loại, nhạc sỹ khác nhau.

Dường như không một ca sĩ nào có biên độ âm nhạc trải dài và rộng như Thái Thanh, khi có thể hát đủ loại nhạc từ nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc dân ca, nhạc bán cổ điển tới nhạc tình ca, nhạc xã hội, nhạc tôn giáo… Bà hát dòng nhạc nào cũng thành công rực rỡ và tạo được dấu ấn riêng một cách sâu sắc.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 1.

Giai thoại về giọng hát quý hiếm, đáng kinh ngạc, khiến người Mỹ phải xin thanh quản về nghiên cứu

Thái Thanh để lại nhiều dấu ấn trong âm nhạc. Một trong những dấu ấn lớn nhất của bà là giọng hát. Nói cách khác, nhắc đến Thái Thanh, điều khiến người ta nhớ đến đầu tiên chính là giọng hát của bà.

Thái Thanh sở hữu một giọng hát quý hiếm bậc nhất, như một thứ ngọc báu độc đắc của đất phương Nam. Giọng hát này có âm vực và âm sắc lạ lùng, không giống bất cứ ca sĩ nào, chỉ cần nghe thoảng qua từ xa vọng về cũng biết đó là Thái Thanh.

Cách đây hơn hai chục năm, có một giai thoại kể rằng, người Mỹ vì quá ngạc nhiên trước giọng hát Thái Thanh mà cất công tìm đến gia đình bà để xin lại thanh quản của bà sau khi qua đời về nghiên cứu. Họ cảm thấy khó tin khi ở Việt Nam lại có một giọng hát cao vút, nhiều đặc tính kỳ lạ đến thế.

Tất nhiên, đây chỉ là giai thoại được truyền tụng trong khán giả nghe nhạc, nhưng qua đó để thấy rằng, giọng hát Thái Thanh quý hiếm và khiến người ta phải kinh ngạc đến nhường nào.

Thái Thanh hát Ly rượu mừng

Một giảng viên thanh nhạc tại trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từng nhận định: "Giọng ca của Thái Thanh được coi như một chất giọng kì lạ, giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao.

Quãng giọng bên dưới thì dày dặn, bên trên thì cao, vang, sáng chói, lại có biệt tài luyến láy tự nhiên một cách bẩm sinh mà sau này, dù nhiều người cố gắng học hỏi nhưng cũng không thể bắt chước cho hay giống như bà".

Thái Thanh bẩm sinh sở hữu chất giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh). Loại giọng này khá phổ biến tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung (không hiếm như một số loại giọng nữ khác).

Tuy nhiên, âm sắc, âm vực và những đặc tính riêng có trong giọng hát Thái Thanh lại là độc nhất vô nhị. Nói cách khác, loại giọng của Thái Thanh phổ biến tới mức ai cũng có, nhưng màu giọng thì hiếm thấy.

Cái hiếm thấy lớn nhất trong giọng hát Thái Thanh là âm vực rất rộng (ở giọng thật, không tính giả thanh) mà hầu như ít ca sĩ nào tại Việt Nam đạt được.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 4.

Thái Thanh được cho là một nữ cao vì tiếng hát sáng mảnh và lên cao vun vút. Nhưng cũng có không ít nhận định bà là nữ trung (mezzo soprano) vì âm vực trải dài tới những quãng rất thấp.

Nhạc sĩ Phạm Duy chính là một trong những nhà chuyên môn đầu tiên đánh giá Thái Thanh là nữ trung, sau khi nghe bà hát ca khúc Đường xưa lối cũ (bản thu trước 1975).

Ở ca khúc này, Thái Thanh dùng chest voice xuống tận F#3 (một note trầm thuộc cữ âm của nữ trung) rất sâu và tối, nhả chữ dưới A3 đầy chắc chắn. Rất ít light lirico soprano nào ở Việt Nam làm được điều này.

Tại ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Thái Thanh còn supported (hỗ trợ) vững chãi khi hát ở B3, Bb3, với vị trí âm thanh đẹp, cột hơi vững.

Thông thường, Thái Thanh dùng mixed voice (giọng pha) và mezza voce (hát nửa giọng) để hát nên quãng trung của bà khá sáng, mảnh, khiến ai cũng nghĩ bà phần chest voice của bà không phát triển.

Thái Thanh hát Đường xưa lối cũ

Nhưng trên thực tế, chest voice (giọng ngực) của Thái Thanh phát triển rất tốt ở quãng trung, không hề thua kém bất cứ nữ trung nào.

Trong ca khúc Đường xưa lối cũ, Thái Thanh nhả âm đóng /i/ ở E4, F#4 rồi đổ xuống tận B3 rất dày, chắc, khỏe, thuần chest voice, lại nảy và không hề thiếu nội lực. Hay, ở Áo anh sứt chỉ đường tà, bà hát ở quãng thấp E4 khá dày, chắc.

Dù hát tốt quãng trung và trầm như vậy, nhưng đó chỉ là cuộc dạo chơi đôi lần ghé qua của Thái Thanh mà thôi. Trước sau Thái Thanh vẫn là một nữ cao đầy uy nghi, diễm lệ.

Cấu tạo thanh quản đặc biệt cho phép Thái Thanh kiểm soát tốt và phát triển mạnh mẽ ở quãng cao, mà không chịu bất cứ giới hạn nào, giống như So Hyang tại Hàn Quốc.

Tessitura (quãng hát thoải mái) của Thái Thanh nằm ở cữ âm rất cao, trải trên quãng 5 (từ C5 tới Eb5), cao hơn bất cứ nữ ca sĩ nào tại Việt Nam và tương đương với Diva Hàn Quốc So Hyang.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 6.

Trong tất cả các ca khúc Thái Thanh từng thể hiện, việc lên C5, D5 quá dễ dàng với bà.

Chẳng hạn, trong ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Thái Thanh nhả chữ trên C#5 thoải mái như nhả chữ ở C#4 vì âm cữ bẩm sinh của bà rất cao. Nếu C#5 với ca sĩ khác là một sự đánh vật thì Thái Thanh chỉ cần thở ra cũng chạm được tới.

Ở một bản trường ca, Thái Thanh lên hẳn F5 nhưng lại nhẹ và mảnh, sáng tới mức nghe chỉ như C5, không một chút gồng gánh hay phải dùng nhiều lực như ca sĩ khác.

Bà là nữ ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam (được ghi nhận qua các bản thu) dùng mixed voice để hold belt tận F5, F#5 và thậm chí là cả G5 (những note thuộc âm vực rất cao).

Người ta ước tính, với âm sắc và sự mở quãng, supported liên tục như vậy, nếu có tổng phổ thích hợp, việc Thái Thanh belt tới A5, Bb5, B5 là điều nằm trong tầm tay.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 7.

Mãi đến những năm gần đây, giới ca sĩ trẻ được du nhập phương pháp thanh nhạc hiện đại của phương Tây mới biết cách sử dụng mixed voice để lên cao, trong khi đó, Thái Thanh đã làm được từ hàng chục năm trước.

Thậm chí, khi đã gần 60 tuổi, Thái Thanh vẫn đủ sức để hold belt một tràng dài F#5, chạm tới G5 trong lúc hát live ca khúc Người đi qua đời tôi. Đây là kỷ lục mà chưa nữ ca sĩ Việt Nam nào đạt tới (ở cùng độ tuổi).

Ngay cả ở nước ngoài, việc một ca sĩ gần 60 tuổi hold belt F#5 cũng không hề nhiều. Thường chỉ có giới ca sĩ Gospel da màu với cơ địa, kỹ thuật đặc biệt mới làm được.

Sở hữu những điều phi thường như vậy, giọng hát Thái Thanh được ví như một thứ kỳ quan độc đáo, khiến ai cũng muốn được chiêm ngưỡng. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói: "Được nghe tiếng hát Thái Thanh thì sướng bỏ một đời".

Về sự hiếm có trong giọng hát Thái Thanh, Phạm Duy nhận định thêm: "Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm".

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 8.

Nhà văn Phạm Xuân Đài thì phải thốt lên: "Rất nhiều lần tôi đã tự hỏi tại sao Thái Thanh lại có một giọng hát như thế? Cái gì trong giọng hát Thái Thanh đã tác động vào làm cho mình cảm động, rung động như thế khi hát về quê hương đất nước, Tình hoài hương, Tình ca, Bà mẹ Gio Linh chẳng hạn".

Dưới con mắt của một người thiền tịnh, nhà sư Thích Nhất Hạnh lại nói: "Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia".

Kỹ thuật điêu luyện của bậc Diva duy nhất trong nền tân nhạc, được Khánh Ly ca tụng

Danh ca Khánh Ly trong một lần trả lời phỏng vấn từng khẳng định: "Tôi hiểu thế nào là Diva nhưng tại sao tôi lại nghĩ đến làm gì cái điều sẽ chẳng bao giờ liên quan đến tôi?

Kể ra, trên thế giới, Diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh. Chấm hết".

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 9.

Dù danh xưng Diva không thích hợp với cốt cách, tâm hồn của Thái Thanh, nhưng qua cách gọi của Khánh Ly, người ta thấy rõ được tài năng và sự khổ luyện kỹ thuật của Thái Thanh đã đạt tới đỉnh cao hiếm thấy.

Cho đến tận ngày nay, giới ca sĩ trẻ được tiếp cận thanh nhạc Tây phương mới biết về mixed voice (hát pha) thì cách đây hàng chục năm Thái Thanh đã sử dụng thành thạo loại kỹ thuật này, kèm theo lối hát twang.

Nhờ đó, Thái Thanh kiểm soát quãng cao rất tốt. Trong ca khúc Ly rượu mừng, Thái Thanh uốn lượn legato liên tục trên F5, F#5 từ một tràng âm /a/ mở tới nhả chữ rõ mồn một từng âm tiết. Bà hát rất cao những vẫn hoải mái, hưng phấn, chạy vibrato nhanh vun vút, lướt nhanh glissando đầy linh hoạt.

F#5 được Thái Thanh mixed sáng rực, rõ ràng, vị trí âm thanh đẹp, lồng lộng và đầy hào khí, vui tươi, thắp sáng bừng không gian mùa xuân tươi mới. Đến tận bây giờ, vẫn chưa có giọng nữ nào hát lại được đoạn phiêu F#5 này của Thái Thanh.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 10.

Trong ca khúc Tiếng sông Hương, Thái Thanh dùng legato (hát liền giọng) để phiêu trên E5 đầy mềm mại, ngọt ngào như tiếng ru. Các E5, F5, F#5 liên tục được Thái Thanh chêm xen vào trường ca Hòn vọng phu, Tình ca…, tạo nên màu sắc riêng biệt và vẫn lột tả rõ cảm xúc ca khúc.

Để lên cao dễ dàng như vậy, Thái Thanh chọn lối mixed head dominant, cân bằng vị trí âm thanh vùng đỉnh trán. Nhờ đó, bà hát cao mà rất nhẹ, bay, thoải mái, điển hình như cú lướt legato D5 bay bổng trong Ly rượu mừng, hay D5 sáng rực, vang rộng lồng lộng như mây trời trong Áo anh sứt chỉ đường tà.

Khả năng kiểm soát âm lượng và chuyển giọng của Thái Thanh thuộc hàng thượng thừa trong giới ca sĩ trước 1975. Người ta thường nói, hát nhỏ khó hơn nhiều so với hát to. Điều này được kiểm chứng qua Thái Thanh.

Thái Thanh có thể xuống trầm rồi mixed cao liền mạch, rất tự nhiên, không gồng gánh, mixed ngay trong nhả chữ nên nghe rất tự nhiên.

Thông thường, các ca sĩ khác khi lên tới Eb5 phải dùng rất nhiều lực nên tạo ra âm lượng khá lớn. Nhưng trong ca khúc Áo anh sứt chỉ đường tà, Thái Thanh dù nhả chữ Eb5 liên tục, âm sắc sáng chói nhưng lại bình thản như đang dùng rất ít lực.

Ở Việt Nam, tôi nghĩ, chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là Diva, đó là cô Thái Thanh! - Ảnh 11.

Ở ca khúc Tình ca, Thái Thanh khiến người nghe phải thán phục khi đẩy chest voice (giọng ngực) fortissimo (to dần) A4 rất lực rồi đổ diminuendo (hát nhỏ dần) xuống pianissimo (nhỏ li ti) C5 nhẹ bẫng bằng mezz voce (nửa giọng). Người ta lên cao thì âm lượng to hơn còn Thái Thanh lại hát nhỏ đi, quả là một bậc thầy.

Kỹ năng kiểm soát âm lượng của Thái Thanh lên đến đỉnh cao trong trường ca Hòn vọng phu, khi bà thực hiện subito piano (nhỏ đột ngột) trên tận F5 rồi phiêu mezza voce nhẹ, bay như tiếng gió thoảng trên trời xanh lồng lộng, bao phủ khắp không gian.

Thái Thanh ít khi sử dụng head voice nên quãng head của bà không quá cao như các ca sĩ ngày nay, nhưng vẫn thể hiện sự điêu luyện về kỹ thuật.

Trong ca khúc Dòng sông xanh, Thái Thanh sử dụng twang để chuyển head voice E5 rất mướt, chuyển liên tục ở đuôi âm tiết đóng rất Soulful, nhảy quãng lên F5 nhanh thoăn thoắt, linh hoạt.

Thậm chí, bà còn sử dụng nhiều kỹ thuật khó trên head voice như đổ diminuendo trên F5, kéo dài vibrato rồi vuốt xuống pianissimo, staccato nhẹ và đổ rung li ti ở F#5.

Không chỉ hát cao, Thái Thanh còn dùng head voice để xuống quãng trung G#4, E4 (quãng rất thấp để dùng head voice với nữ cao) rồi rung rất đẹp.

Cũng ở head voice, Thái Thanh kết hợp tài tình giữa thanh nhạc cổ điển phương Tây và kỹ thuật hát dân ca truyền thống của dân tộc để thực hiện trillo đổ hột trên A4 (trong Ngày xưa Hoàng Thị), vừa rung láy vừa ngâm lại trong xoang.

Cách hát này cực kỳ khó và cho đến giờ, vẫn chưa ca sĩ nào làm được khi hát lại Ngày xưa Hoàng Thị.

Về ngân rung, Thái Thanh thường rung rất nhanh và đều tăm tắm, với nhiều sắc thái khác nhau, lúc cao lúc thấp, lúc to lúc nhỏ, lúc phóng ra, lúc thu lại. Phải có một nền tảng kỹ thuật cực kỳ vững chắc, về vị trí âm thanh, thanh quản và hơi thở mới làm được điều này.

Điều đáng nói là, toàn bộ kỹ thuật điêu luyện Thái Thanh có được phần lớn nhờ vào việc tự học, chứ không qua trường lớp nào. Nhưng nhiều ca sĩ ngày nay dù ngồi mòn ghế trên nhạc viện cũng khó lòng theo kịp bà.

Qua đó, ta thấy một Thái Thanh thông minh, tài năng vượt trội và tràn đầy tâm huyết với âm nhạc, giống như nhà văn Phạm Xuân Đài từng nói:

"Khi mà tôi nghe tiếng hát của Thái Thanh, từ hồi còn trẻ, rồi qua thời gian lớn lên, rồi lúc mình chín chắn hơn…kết luận riêng của tôi, tiếng hát của Thái Thanh là một tiếng hát thông minh. Thái Thanh là một người rất thông minh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại