Canberra gọi, Bắc Kinh không nghe: Úc oằn mình dưới "đòn sấm sét", Trung Quốc nắn gân cả thế giới?

Phạm Thu Hương |

Không lâu sau lần đầu tiên giới chức Úc kêu gọi tiến hành điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã có động thái phản ứng.

Ban đầu, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-Cov-2) trong một chương trình trên sóng truyền hình vào hồi cuối tháng 4.

Vài ngày sau, trong một bài phỏng vấn với tờ The Australian Financial Review, Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Thành Cạnh Nghiệp, đáp trả bằng việc gợi ý đến việc người dân Trung Quốc có thể trả đũa bằng một cuộc tẩy chay.

"Có lẽ người Trung Quốc sẽ hỏi "tại sao chúng ta lại uống rượu của Úc, ăn thịt bò của Úc?"

Chưa đầy một tháng sau, chiến dịch trừng phạt Úc đã bắt đầu.

Ngày 12/5, Trung Quốc ngừng nhập thịt bò từ bốn lò mổ lớn của Úc. Năm ngày sau, Trung Quốc áp thuế hơn 80% đối với nhập khẩu lúa mạch Úc như một phần của cuộc điều tra chống bán phá giá.

Cho đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Chỉ riêng trong năm 2018, tổng giá trị thương mại giữa hai nước là hơn 214 tỷ USD. Khi Úc đối mặt với viễn cảnh suy thoái nghiêm trọng vì đại dịch Covid- 19, mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong các mối liên hệ song phương ở cấp bộ dần mờ nhạt và những lời bình luận chống Úc gia tăng trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng các vết nứt lớn đang xuất hiện trong quan hệ giữa hai nước.

Trên toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Úc được coi là một trường hợp "thử nghiệm". Liệu với việc chỉ trích Trung Quốc thì Úc có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh hay không? Và Úc có thể duy trì chính sách đối ngoại độc lập không?

Thật khó để chúng tôi có thể nhanh chóng tạo dựng lại niềm tin trong quan hệ giữa hai nước khi thiếu đi những cuộc thảo luận.

Richard McGregor - Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy (Úc)

Đóng băng ngoại giao

Trong nhiều thập kỷ, Úc đứng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, một bên mang lại sự giàu có về kinh tế với một bên đảm bảo mối quan hệ an ninh lâu dài.

Vào năm 2017, quan hệ Trung-Úc bắt đầu gay gắt khi Canberra đưa ra luật an ninh mới với mục đích ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài đối với nền chính trị nước này. Bắc Kinh tin rằng luật này đã nhắm thẳng vào họ và khiến Úc rơi vào tình trạng đóng băng ngoại giao.

Sau khi Ngoại trưởng Payne lần đầu kêu gọi điều tra về nguồn gốc Covid-19 vào ngày 19/4, Thủ tướng Úc Scott Morrison trở thành nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên bên ngoài Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc điều tra chính thức.

"Thế giới muốn có một đánh giá độc lập về nguyên do của tất cả những điều đang xảy ra là hoàn toàn thích đáng," ông Morrison phát biểu ngày 29/4.

Trong những tháng gần đây, chủ đề về nguồn gốc của SARS-Cov-2 ngày càng bị chính trị hóa khi Mỹ-Trung đều tìm cách tận dụng nó như biện pháp đánh lạc hướng quan tâm khỏi các vấn đề kinh tế trong nước.

Những kêu gọi điều tra đã làm căng thẳng Trung-Úc trở nên nóng bỏng. Đại sứ Thành Cạnh Nghiệp bị chính phủ Úc triệu tập và bị lên án là "đe dọa kinh tế", liên quan tới những bình luận của ông về thịt bò và rượu.

Vào ngày 28/4, khi phóng viên báo Úc nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng ông "chưa bao giờ nghe" những phát ngôn từ Trung Quốc nghiêm trọng như của Đại sứ Thành, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đáp: "Bây giờ bạn có muốn nghe không?", "Những bình luận tương tự có thể dễ dàng tìm thấy trên internet Trung Quốc."

Sau các quyết định về thịt bò và lúa mạch Úc, Bộ trưởng thương mại Simon Birmingham cho biết: "Chúng tôi đã rất rõ ràng, chúng tôi sẽ không thay đổi chính sách của mình dưới bất kỳ mối đe dọa kinh tế hay đề nghị nào."

Cả ông Simon và Bộ trưởng nông nghiệp David Littleproud xác nhận rằng các cuộc gọi tới những người đồng cấp phía Trung Quốc đều không được phản hồi.

Các chuyên gia cho biết quyết định của Bắc Kinh gần như chắc chắn là sự trả đũa. Ông Richard McGregor đánh giá, có khả năng Bắc Kinh muốn thông qua trường hợp của Úc để gửi thông điệp tới thế giới.

"Khi Trung Quốc muốn trừng phạt một quốc gia, họ làm điều đó công khai để quốc gia đó và người dân của họ biết rõ cái giá của việc qua mặt Trung Quốc," ông nói.

Canberra gọi, Bắc Kinh không nghe: Úc oằn mình dưới đòn sấm sét, Trung Quốc nắn gân cả thế giới? - Ảnh 2.

Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Thành Cạnh Nghiệp (Ảnh: AAP)

Nội bộ Úc bất đồng vì chuyện "hòa hay đánh" với Trung Quốc

Trong khi mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc ngày càng xấu đi, các cuộc tranh luận đang gia tăng ở Úc về việc có cần trì hoãn việc đối đầu với Trung Quốc hay không.

Vào cuối tháng 4, nghị sĩ Úc Andrew Hastie - người đứng đầu Liên ủy Tình báo và An Ninh - đăng một bản kiến ​​nghị trên website của ông, kêu gọi chính phủ "hành động vì chủ quyền của Úc".

"Đại dịch Covid- 19 đã cho thấy cái giá thực cho sự an toàn và thịnh vượng kinh tế của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc," Hastie nêu.

Nhưng cựu Ngoại trưởng Úc Bob Carr cho rằng Úc đang đánh cược mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh để nỗ lực củng cố mối quan hệ an ninh với Washington.

Ông nói rằng có một sự thúc đẩy từ bên trong để Úc hành động như "phó cảnh sát trưởng của Mỹ", với niềm tin sai lầm rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ bảo vệ đất nước khỏi những động thái hung hăng của Bắc Kinh.

Ông Carr nói thêm, "Có một quan điểm điên rồ ở Canberra rằng nếu Trung Quốc gây tổn hại đến chúng tôi, việc của chúng tôi là chịu đựng và thể hiện mình là đồng minh tự nguyện của Mỹ."

Trung Quốc cần thận trọng khi trả đũa Úc

Vẫn còn nhiều lĩnh vực thương mại với Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng, bao gồm nền thương mại quặng sắt trị giá hàng tỷ USD mà Bắc Kinh rất cần cho chương trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của họ.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy Úc có thể chịu nhiều tổn thất hơn thời gian tới. Dù trong phiên họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-19/5, Trung Quốc đã chấp nhận cuộc điều tra về Covid-19, quan hệ với Úc vẫn không được cải thiện.

Các nguồn tin của Bloomberg ngày 27/5 hé lộ, giới chức Trung Quốc đã lập ra danh sách mục tiêu tiềm năng trong tương lai để trả đũa - bao gồm hải sản, bột yến mạch và trái cây của Úc.

Ông Bob Carr kêu gọi chính sách ngoại giao tốt hơn giữa Úc và Trung Quốc để giúp tái thiết mối quan hệ bị rạn nứt, nhưng một cựu Ngoại trưởng khác của Úc cho rằng Canberra cần có lập trường về vấn đề này.

Cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia rằng việc ngưng nhập lúa mạch Úc dường như là "hình phạt" từ Bắc Kinh nhằm vào động thái thúc đẩy điều tra quốc tế về Covid-19 cửa Úc.

"Toàn bộ trải nghiệm của tôi với Trung Quốc là họ sẽ cố gắng gây sức ép với bạn hết mức có thể... Tôi thấy tiếc cho người nông dân sản xuất lúa mạch, nhưng ít nhất chúng ta đã không bị Trung Quốc bắt nạt và có cuộc điều tra mà chúng ta cần," ông Downer nói.

Ông McGregor nói rằng dù quyết định của Canberra ra sao thì Bắc Kinh cũng cần thận trọng trong mức độ gây sức ép với Úc, trong bối cảnh nhiều nước ở châu Âu và châu Á đang đánh giá về việc cần duy trì quan hệ với Trung Quốc đến mức nào.

"Nếu các quốc gia khác thấy Trung Quốc trừng phạt một nước chỉ vì họ đưa ra quan điểm cần thiết và cơ bản đối với việc điều tra Covid-19, thì điều này sẽ khiến nhiều người xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc", ông nói.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại