Vụ Giang 36 vây nhốt xe chở công an: Vợ nguyên giám đốc Công an Đồng Nai lọt sổ "cáo trạng"?

M.K |

Tình tiết Nguyễn Tấn Lương gọi điện cho bà Nguyễn Thị Hồng, vợ nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai không được đưa vào cáo trạng.

Ngày 18/5, TAND TP Biên Hoà (Đồng Nai) đã đưa vụ án Giang "36" vây nhốt xe chở công an, ra xét xử. Bị cáo Ngô Đình Giang (34 tuổi, còn gọi là Giang "36") bị phạt 4 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng. Cùng tội danh trên, các bị cáo Nguyễn Tấn Lương (37 tuổi) lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Duy Kỷ (31 tuổi), 3 năm 6 tháng tù; Mai Văn Căn (30 tuổi) và Nguyễn Văn Sơn (30 tuổi), mỗi người nhận 2 năm 6 tháng tù.

Vụ Giang 36 vây nhốt xe chở công an: Vợ nguyên giám đốc Công an Đồng Nai lọt sổ cáo trạng? - Ảnh 1.

Giang 36 tại hiện trường vụ việc vây nhốt xe chở công an.

Tuy nhiên, theo tờ Kiến thức, dư luận vẫn băn khoăn về việc vợ một cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có liên quan đến vụ án trên tuy nhiên, cáo trạng đã "bỏ lọt" một chi tiết đắt giá đã được đề cập trong kết luận điều tra.

Cụ thể, hồi tháng 10/2019, cơ quan điều tra Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã triệu tập bà Nguyễn Thị Hồng, vợ đại tá Huỳnh Tiến Mạnh - cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (đã bị Bộ Công an cách chức vì có nhiều sai phạm).

Tờ Tiền Phong đưa tin, công an xác định vào thời điểm xảy ra vụ nhóm giang hồ do Giang 36 cầm đầu (được Nguyễn Tấn Lương điều đến) chặn xe chở một số cán bộ công an, đã có nhiều cuộc gọi qua lại từ số điện thoại của bà Hồng và số điện thoại của Nguyễn Tấn Lương. Cơ quan điều tra triệu tập bà Hồng nhằm xác định nội dung này, ngoài ra, cũng làm rõ mối quan hệ xã hội giữa bà Hồng và Nguyễn Tấn Lương.

Cũng theo tờ Tiền Phòng, trước ngày xảy ra vụ việc ẩu đả tại nhà hàng Lâm Viên (ngày 12/6/2019), Nguyễn Tấn Lương xuất hiện trong sinh nhật bà Hồng trong vai trò là "người em thân thiết".

Tuy nhiên, tình tiết Nguyễn Tấn Lương gọi điện cho bà Nguyễn Thị Hồng, vợ nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai không được đưa vào cáo trạng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời trên tờ Kiến thức về việc này cho hay, tình tiết khi sự việc xảy ra, Nguyễn Tấn Lương gọi điện cho vợ nguyên Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai là một tình tiết quan trọng.

"Qua lời khai của đối tượng, cơ quan điều tra sẽ phải rà soát điện thoại để xác định các cuộc gọi và nội dung các tin nhắn nếu có giữa đối tượng Lương và người phụ nữ này. Nếu hai bên có liên hệ, phải làm rõ nội dung liên hệ là gì, có hành vi giúp sức, xúi giục đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội hay không?"

– luật sư Cường nêu ý kiến.

Về chi tiết này, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Giảng viên thỉnh giảng Học Viện Tư pháp - Bộ Tư pháp) trả lời trên tờ Thanh Niên, cho biết, trường hợp kết luận điều tra mô tả diễn biến sự việc có liên quan đến bà Nguyễn Thị Hồng nhưng chưa xác định người này có hành vi vi phạm pháp luật thì cáo trạng không trích dẫn, mô tả chi tiết vụ việc liên quan đến bà Hồng là không vi phạm tố tụng.

“Thường thì cáo trạng phải nêu tóm tắt nội dung vụ án và xác định hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong vụ việc này, kết luận điều tra cũng chưa xác định hành vi của bà Hồng là vi phạm pháp luật nên cáo trạng không nhắc lại chi tiết có liên quan đến người này không có gì vi phạm tố tụng”.

LS Quân nhận định.

Kiểm sát viên Trần Xuân Thìn (Viện KSND TP.Biên Hòa), người đại diện giữ quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm xét xử Nguyễn Tấn Lương cùng đồng phạm trao đổi trên tờ Thanh niên cho hay, chi tiết Lương gọi điện thoại cho bà Hồng và mở loa lên cho Cảnh sát 113 chủ yếu là… "khoe mẽ".

Theo kiểm sát viên Trần Xuân Thìn, lời khai của những người được Lương gọi điện thoại thể hiện họ không có can thiệp, hỗ trợ, giúp sức cho Nguyễn Tấn Lương về hành vi phạm tội. Cho nên những người này không có liên quan đến hành vi phạm tội của Lương và không cần đưa vào cáo trạng. Cáo trạng chỉ cần tập trung vào hành vi phạm tội, tình tiết để định tội.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại