Ước thiệt hại 4.455 tỷ, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị làm rõ trách nhiệm DN cung cấp dịch vụ

Huyền Anh |

Ước tính, thiệt hại của Bamboo Airways lên đến 4.455 tỷ đồng do Covid-19. Vì vậy, hãng hàng không này nhất trí với đề xuất miễn/giảm giá dịch vụ cho các hãng hàng không của Cục Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính khả thi của chính sách hỗ trợ.

Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của ông Trịnh Văn Quyết mới đây đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam của về đánh giá cụ thể việc áp dụng các chính sách hỗ trợ ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ước thiệt hại 4.455 tỷ, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị làm rõ trách nhiệm DN cung cấp dịch vụ - Ảnh 1.

Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết thiệt hại lên đến 4.455 tỷ đồng vì Covid-19 (ảnh Internet)

Bamboo Airways thiệt hại lên đến 4.455 tỷ đồng

Đề cập tại văn bản này, đại diện hãng hàng không này cho biết, dự kiến đến hết tháng 5/2020, hoạt động khai thác của Bamboo Airways đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Theo ước tính, thiệt hại của Bamboo Airways lên đến 4.455 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thiệt hại ước tính đối với hoạt động kinh doanh thuê chuyến dự kiến ở mức 701 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways và các đối tác phải hủy toàn bộ các hợp đồng thuê chuyến bay từ Đài Loan, Ma Cao, Nhật Bản thiệt hại với giá trị lên đến 384 tỷ đồng. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẽ phải dừng ký các hợp đồng thuê chuyển bay sang Trung Quốc dự kiến với tổng giá trị 317 tỷ đồng mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực.

Đối với các đường bay thường lệ quốc tế, nhằm ngăn chặn sự lan rộng dịch Covid-19, Việt Nam và các nước đã có các chính sách hạn chế xuất nhập cảnh dẫn đến các đường bay thường lệ quốc tệ của Bamboo Airways phải tạm dừng (đường bay đi Hàn Quốc, Đài Loan) hoặc lùi thời gian khai thác (Châu Âu, Đông Bắc Âu…) khiến cho doanh thu của doanh nghiệp thiệt hại ở mức 556 tỷ đồng.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết dự kiến sản lượng và doanh số bị ảnh hưởng 50%. Theo Bamboo Airways có 2 nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này. Một mặt do tiến độ mở rộng một số đường bay quốc tế bị ảnh hưởng, mặt khác do các hãng đưa tải vào nội địa làm tăng thêm khả năng cạnh tranh về cung ứng tải. Do đó, dự kiến doanh thu không thực hiện được của Bamboo Airways ở mức 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, để duy trì các chuyến bay trong mùa dịch, Bamboo Airways đã và đang phải chịu các thiệt hại liên quan đến chi phí phòng chống dịch Covid-19 (khử trùng máy bay, mua sắm trang thiệt bị bảo hộ, hỗ trợ khách hàng…) chi phí tài chính đối với các hợp đồng thuê tàu bay đã ký nhưng phải lùi thời điểm nhận tàu. Các chi phí thuế, chi phí dừng đỗ các tàu bay tạm dừng khai thác. Các chi phí duy trì đảm bảo độ sẵn sàng khai thác. Các khoản thiệt hại này dự kiến ở mức 550 tỷ đồng.

Yêu cầu được thỏa thuận giá với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành Hàng không 

Trước sự khó khăn của Bamboo Airways nói riêng và các hãng hàng không nói chung, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Chính phủ sớm cho phép các đơn vị ngành hàng không được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không).

Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất miễn/giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong giai đoạn này.

Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh...

Ước thiệt hại 4.455 tỷ, Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị làm rõ trách nhiệm DN cung cấp dịch vụ - Ảnh 2.

Các hãng hàng không kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ

Liên quan đến những đề xuất này, Bamboo Airways cho biết, nhất trí với những đề xuất nêu trên của Cục Hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, hãng hàng không của ông Trịnh Văn Quyết cũng đề xuất bổ sung yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành Hàng không thỏa thuận lại với các hãng hàng không mức giá áp dụng trong khung giá mới đảm bảo không cao hơn 50% giá đang áp dụng hiện hành.

Lý giải cho đề xuất này, Bamboo Airways cho biết, việc nới khung giá xuống mức tối thiểu là 0 đồng chưa đảm bảo việc các hãng hàng không sẽ được hỗ trợ giảm giá, bởi trên thực tế còn phụ thuộc vào doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có đồng ý điều chỉnh mức giá áp dụng trong khung giá mới hay không?

Do đó, Bamboo Airways cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính khả thi của chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, mức giảm giá tối thiểu 50% là mức phù hợp với mức giảm giá cất hạ cánh, điều hành bay dự kiến sẽ áp dụng và cũng đủ cân đối hài hòa lợi ích của hãng hàng không và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ nên kéo dài đến hết tháng 12/2020, thay vì hết tháng 9/2020.

"Do tác động của dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng đến các hàng hãng không là rất lớn và kéo dài. Khả năng hồi phục nhu cầu đi lại nội đựa bằng đường hàng không dự kiến sẽ rất chậm và việc nối lại các đường bay quốc tế trong năm 2020 là rất thấp do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp", Bamboo Airways lý giải cho đề xuất kéo dài thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ.

Về phía Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hãng hàng không này cũng nhấn mạnh hàng không là một trong số ít các ngành có ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, trong khi đây là khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng của nhiều ngành kinh tế, là một trong những điều kiện để hoạt động giao thương, đầu tư quay trở lại sau dịch. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho các hãng hàng không cũng như ngành hàng không có thể duy trì và hồi phục là vô cùng cần thiết.

Hãng Hàng không Quốc gia đề xuất, cho phép các hãng hàng không được hoãn nộp thuế giá trị gia tăng và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác đến hêt tháng 12/2020; Áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay; dịch vụ điều hành bayđi/đến và phí đỗ tàu bay giai đoạn từ 1/3 đến hết ngày 31/12/2020. Đồng thời, miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong giai đoạn này.

Được biết, trong thời gian vừa qua, doanh thu vận tải hàng không sụt giảm do Covid-19 nhưng các hãng hàng không vẫn phải "gánh" nhiều khoản phí, trong đó có những khoản phí "đắt đỏ" là một trong những nguyên nhân khiến cho các hãng hàng không kiệt quệ nguồn lực.

Theo ước tính sơ bộ của chuyên gia trong ngành, các khoản phí của các hãng hàng không lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chẳng hạn, phí phục vụ tại nhà ga năm 2019 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí cất hạ cánh không dưới 2.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, hay phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm...

Trong tháng 3 vừa qua, đơn vị cung cấp hạ tầng cho ngành hàng không và nắm quyền khai thác 21/22 sân bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm các cảng hàng không lớn nhất cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định giảm 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: Dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc miễn, giảm giá này vẫn mang tính hình thức bởi lợi ích mà các hãng hàng không nhận được không đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại