ACV: “Vẫn cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways trong thời gian chưa thanh toán nợ”

Hương Nguyễn |

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết việc gửi văn bản về việc "Bamboo Airways vi phạm hợp đồng" là để Bộ GTVT và Cục Hàng không dân dụng nắm thông tin tình hình doanh nghiệp.

Liên quan đến việc ACV gửi văn bản tới Bộ Giao thông và Cục Hàng không về việc Bamboo Airways vi phạm hợp đồng khi chậm thanh toán tiền dịch vụ 205 tỷ đồng, lãnh đạo ACV cho hay: Bamboo Airways đã liên hệ với ACV và đang đưa ra kế hoạch thanh toán phù hợp.

"Phía ACV vẫn sẽ duy trì cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways trong thời gian hãng này chưa thanh toán tiền dịch vụ đang nợ. Chúng tôi có văn bản trên gửi đến cơ quan chức năng là Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam để nắm thông tin tình hình của doanh nghiệp", vị này cho biết.

Một đại diện Bamboo Airways nói, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến không chỉ Bamboo Airways mà tất cả các hãng hàng không đều trong tình trạng "tê liệt" và mong muốn được được "giải cứu".

"Trong bối cảnh này, chúng tôi đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích nghi phù hợp với điều kiện mới, đồng thời cũng đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện tại", phía Bamboo Airways nói.

Trước đó, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản tới Bộ GTVT và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam về việc Công ty Cổ phần hãng hàng không Tre Việt vi phạm hợp đồng.

Theo ACV, Bamboo Airways đã không đúng thời hạn thanh toán và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán thực hiện hợp đồng theo quy định đã ký kết.

Cụ thể theo văn bản của ACV, từ tháng 5/2019 đến nay, phía Bamboo Airways thường xuyên thanh toán chậm trung bình là 42 ngày so với thời hạn quy định.

ACV: “Vẫn cung cấp dịch vụ cho Bamboo Airways trong thời gian chưa thanh toán nợ” - Ảnh 1.

Tính đến ngày 18/3/2020, tổng số tiền công nợ Bamboo Airways còn phải thanh toán là hơn 205 tỷ đồng. Trong số đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178 tỷ đồng, bao gồm hơn 107 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV.

Số tiền còn lại là hơn 71 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways.

Ngoài ra, Bamboo Airways còn nợ hơn 25 tỉ đồng chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.

Mới đây, ACV vừa quyết định giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không tính từ 1/3 đến hết tháng 8. Cụ thể, ACV giảm giá 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất.

Đối với dịch vụ thuê văn phòng đại diện, các hãng hàng không dừng bay sẽ được miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30%. Tuy nhiên hành động này nhận được các đánh giá khá khác biệt.

PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính - nhận xét trên báo Kinh tế Đô thị: Với danh mục những loại phí được giảm giá mà ACV đưa ra, có thể thấy đơn vị này không thật sự có thiện chí muốn chia sẻ khó khăn với các hãng bay.

"Thiệt hại của các hãng hàng không vì Covid-19 là rất lớn trong khi cách "chia sẻ" của ACV chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng thật sự và là vô nghĩa... Thực chất là ACV không muốn giảm nguồn thu của mình" - PGS. TS Ngô Trí Long phân tích.

Cũng trên báo Kinh tế Đô thị, ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng Bộ GTGT - giải thích: Bản thân ACV là doanh nghiệp cổ phần của Nhà nước. Hàng năm, ACV đều phải báo cáo lợi nhuận qua HĐQT và báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp để điều chỉnh.

"Lâu nay mọi người cứ hiểu nhầm rằng cái tiền đó (tiền lãi) là ACV thu về cho họ, nhưng thực tế ACV thu về cho Nhà nước. Bây giờ cả thế giới đều thu phí như thế cả", ông Việt Dũng đưa ra quan điểm về chủ trương hỗ trợ các hãng bay mà ACV đưa ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại