Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục

Lê Tiên Long |

Trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, hiếm người được tôn vinh là "nhà bác học" như vị Bảng nhãn quê ở đất Diên Hà, trấn Sơn Nam - Lê Quý Đôn.

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 2.

Ngày 14 tháng Tư âm lịch hằng năm, người dân Duy Tiên quê mẹ và Hưng Hà quê cha của Bảng nhãn Lê Quý Đôn lại tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ nhà bác học nổi danh của đất nước.

Lê Quý Đôn qua đời tại quê mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) vào năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (1784), hưởng thọ 58 tuổi. Ông đã để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ, với rất nhiều thể loại, nội dung khác nhau, còn có giá trị cho đến mai sau.

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 3.

Lê Quý Đôn (1726-1784). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử VN

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 4.

Lê Quý Đôn nguyên tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh năm 1726 tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam; nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Lê Quý Đôn sinh ra trong một gia đình khoa bảng. Cha ông là Lê Phú Thứ, đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (Giáp Thìn, 1721), và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Còn mẹ ông là Trương Thị Ích, là con gái ông của Trương Minh Lượng, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), trải nhiều chức quan, được tước Hoằng Phái hầu.

Ngay từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Theo tác giả cuối triều Lê, Phan Huy Chú, trong cuốn "Nhân vật chí" của bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" thì từ lúc mới 12 tuổi, Lê Quý Đôn đã "học khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử".

Năm 14 tuổi, ông theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long và đã gây bất ngờ lớn với thầy và bạn khi đã học xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia.

Năm 1743, đời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 18 tuổi. Sau đó, ông cưới bà Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ. Bà là con gái thứ 7 của Tiến sĩ Lê Hữu Kiều, chú ruột danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 5.

Khu Di tích lịch sử Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tuy đỗ đầu khoa thi Hương, nhưng sau đó ông đi thi Hội mấy lần lại không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm (1743-1752). Sách "Đại Việt thông sử" (còn gọi là "Lê triều thông sử") được ông làm trong giai đoạn này.

Năm 27 tuổi (1752), ông lại dự thi Hội, và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 6.

Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều vua Lê – chúa Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Thị phó đô ngự sử (năm 1768).

Không chỉ là quan văn, Lê Quý Đôn còn nhiều lần được cử làm võ tướng cầm quân đi đánh dẹp. Như tháng 5 năm 1756, ông được biệt phái sang phủ chúa coi việc quân sự (chức Tri Binh phiên), sau đó được cử đi hiệp đồng các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa... rồi đem quân đi đánh quân của Hoàng Công Chất, có lúc ông được sung chức Tán lý quân vụ.

Năm 1757, ông được thăng làm Hàn lâm viện Thị giảng. Trong năm này, ông viết sách "Quần thư khảo biện", cuốn sách bình luận về sách vở các tác giả nổi tiếng, chứa đựng rất nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị.

Ngoài ra, ông được cử làm nhiệm vụ ngoại giao. Năm 1759, khi vua Lê Ý Tông mất, ông tham gia phái đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc) báo tang và nộp cống với chức Phó sứ, đã để lại thành tích được triều đình ca ngợi, khi phản đối các quan nhà Thanh gọi các sứ thần Đại Việt là "di quan, di mục" (quan lại mọi rợ), khiến từ đó, họ mới gọi sứ đoàn nước ta là "An Nam cống sứ".

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 7.

Sau đó, ông được thăng lên đến Công bộ hữu thị lang năm 1769, rồi Bồi tụng (tức Phó thủ tướng), năm 1773, Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775).

Năm 1774, chúa Trịnh Sâm đem quân đánh Thuận Hóa của chúa Nguyễn thì Lê Quý Đôn được tin tưởng giữ chức Lưu thủ kinh thành. Năm 1775, chiến dịch thành công, ông lại được cử vào làm Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)...

Lê Quý Đôn mất tháng Tư (âm lịch) năm 1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 8.

Chính nhờ quá trình đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều việc đời như vậy mà kiến thức Lê Quý Đôn trở nên vô cùng phong phú. 

Ông viết trong lời tựa sách "Kiến văn tiểu lục": "Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy của cha, lại được giao du nhiều với các bậc hiền sĩ đại phu. Thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt bắc sang sứ Trung Quốc, mặt tây bình định Trấn Ninh, mặt nam trấn thủ Thuận Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam). Đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách".

Nhờ học vấn uyên bác và khả năng tập hợp tư liệu khoa học, Lê Quý Đôn đã trở thành người "tập đại hành" đa phần tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 đều được bao quát vào trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn. 

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 9.

Tượng đài Lê Quý Đôn tại Trường PTTH Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến gồm "Quần thư khảo biện", "Vân đài loại ngữ" - một loại "bách khoa thư", trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...

Lê Quý Đôn cùng có một số sách bàn giảng về kinh, truyện, như "Dịch kinh phu thuyết", "Thư kinh diễn nghĩa", "Xuân thu lược luận"…

Bộ "Kiến văn tiểu lục" của ông là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Trong sách này, Lê Quý Đôn còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...

Còn sách "Phủ biên tạp lục", được Lê Quý Đôn viết trong thời gian làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Nội dung ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ thứ 18 trở về trước.

Về lịch sử, Lê Quý Đôn có bộ "Đại Việt thông sử", còn gọi "Lê triều thông sử", viết theo thể ký truyện, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Cung Hoàng, bao quát một thời gian hơn 100 năm của triều Lê, trong đó chứa đựng nhiều tài liệu mới mà các bộ sử khác không có, đặc biệt là về cuộc kháng chiến chống Minh.

Ông cũng cùng Nguyễn Hoàn‎, ‎Vũ Miên‎ hợp soạn bộ "Đại Việt sử ký tục biên". Sau chuyến đi sứ, Lê Quý Đôn cho ra đời cuốn "Bắc sứ thông lục", ghi chép các công văn, thư từ, núi sông, đường sá, chuyện trò, đối ứng trong khi đi sứ.

Về văn học, Lê Quý Đôn có công trình biên soạn lớn nhất là bộ "Toàn Việt thi lục" 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực (1509 - 1516). Sáng tác văn xuôi của ông có "Quế Đường văn tập" gồm 4 quyển, nhưng sách này đã mất. Về thơ, Lê Quý Đôn cũng để lại bộ "Quế Đường thi tập" với khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc.

Trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc, Lê Quý Đôn có dịp gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên, tiếp xúc với nhiều trí thức nổi tiếng của nhà Thanh, bàn luận với họ những vấn đề sử học, triết học... Học vấn sâu rộng của ông được các học giả Trung Quốc, Triều Tiên rất khâm phục.

Do đó, Phan Huy Chú đã phải dùng những lời trang trọng nhất để nhận xét về Bảng nhãn họ Lê: "Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời".

Vị bảng nhãn có tri thức đồ sộ đất Hà Nam, khiến học giả Trung Quốc, Triều Tiên nể phục - Ảnh 10.

Nhận xét tổng quát về thơ Lê Quý Đôn, nhà soạn sách họ Phan viết: "Ông là người học vấn rộng, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên..., không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia".

Sau này, Giáo sư Dương Quảng Hàm cũng đánh giá, chỉ qua những sáng tác còn lưu lại của Lê Quý Đôn "cũng là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu về lịch sử, địa dư và văn hóa của nước Việt".

* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Lê Tiên Long tại đây.        

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại