Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc thời đại Hùng Vương: Vì sao tận cuối thế kỷ 15 mới đưa vào chính sử?

Lê Tiên Long |

"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba". Mỗi con dân đất Việt đều tự hào khi cả nước có chung một ngày giỗ Tổ, thờ một vị tổ chung, điều mà hầu như không nước nào có được.

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc - Ảnh 2.

Một số nước cũng có truyền thuyết về một vị tổ chung, như Nhật Bản, vốn tự khẳng định cả nước là một dân tộc đơn nhất, đều là con cháu nữ thần Thái Dương, hoặc Trung Quốc, mà chủ yếu là người Hán, thì viết vào sử sách rằng họ là con cháu của Phục Hy và Nữ Oa. Nhiều quốc gia khác như ở vùng Lưỡng Hà, Ấn Độ cổ, có truyền thuyết về một vị thần là tổ tiên của dân tộc.

Tuy nhiên trên thế giới, không nước nào có chung một ngày giỗ Tổ và tổ chức lễ giỗ Tổ như người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc - Ảnh 3.

Chúng ta đều biết, thời kỳ Hùng vương thuộc về huyền sử, nên trong bộ sử đầu tiên của nước ta, Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu làm thời Trần, chỉ chép từ vua Triệu Vũ Đế đến hết triều Lý, là những thời đại để lại bằng chứng rõ rệt. Đến thời Lê Nhân Tông, Phan Phu Tiên chép thêm từ thời Trần Thái Tông đến khi quân Minh rút về nước, Lê Thái Tổ lên ngôi. Như vậy, từ thời Lý về trước, ít nhất trên phương diện triều đình, chưa xác định tính chính thức của thời đại Hùng vương.

Cuốn sử Đại Việt sử lược ra đời sau Đại Việt sử ký, hiện chưa rõ tác giả, được viết cuối thời Trần, có nhắc đến nhà nước Văn Lang, nhưng rất sơ sài, không viết gì về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân cả.

Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, khi soạn bài Đại cáo bình Ngô, cũng đã viết về lịch sử nước ta là: "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương". Như vậy, quan điểm của Nguyễn Trãi và triều đình vua Lê Thái Tổ khi ấy đều xác định nhà Triệu là nhà nước khởi đầu lịch sử nước ta.

Phải đến đời vua Lê Thánh Tông, khi được giao soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên mới bổ sung thêm vào thời đại họ Hồng Bàng và các vua Hùng, trở thành thời đại đầu tiên trong lịch sử thay vì nhà Triệu như trong Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu.

Trong quá trình biên soạn, bên cạnh các bộ chính sử trước đó và sử sách Trung Quốc, Ngô Sĩ Liên cũng đã thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác, bao gồm dã sử, các bản truyện chí có thể là Việt điện u linh tập hay Lĩnh Nam chích quái được biên chép từ thời Trần cùng với những lời truyền tụng. Tuy là truyền thuyết và truyện dân gian nhưng chúng vẫn được Ngô Sĩ Liên xem là nguồn sử liệu đáng tin cậy. Truyện Kinh Dương vương, Lạc Long Quân và Hùng vương được Ngô Sĩ Liên đưa từ Lĩnh Nam chích quái vào quốc sử lần đầu tiên.

Đứng ra ngoài lịch sử, thì các truyền thuyết về thời đại Vua Hùng đã có từ nghìn đời. Những truyền thuyết này cũng đi cùng với quá trình lịch sử của dân tộc, như chuyện trăm trứng gắn với quá trình di cư và từ miền núi tiến về đồng bằng, duyên hải của tổ tiên người Việt. Truyền thuyết Thánh Gióng gắn với dấu mốc của thời kỳ đồ sắt, với chuyện rèn giáp sắt, ngựa sắt.

Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh gắn với quá trình trị thủy của ông cha ta. Còn truyền thuyết bánh chưng – bánh dày, quả dưa hấu... cho biết về lối sống và phong tục của tổ tiên ta thời trước.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc - Ảnh 4.

Trong bài biểu dâng sách lên nhà vua, Ngô Sĩ Liên chỉ ghi vắn tắt là "Thêm vào Hồng Bàng, Thục vương ngoại kỷ" chứ không giải thích rõ lý do. Nhiều nhà nghiên cứu sau này cho rằng, Ngô Sĩ Liên muốn nước ta có một lịch sử lâu dài, để sánh ngang cùng lịch sử Trung Quốc, khi họ tự hào có lịch sử trên 5.000 năm, nhưng trong đó đề cập cả các thời kỳ Tam Hoàng, Ngũ Đế mang tính huyền thoại.

Vì sao thời xưa tổ tiên chúng ta thờ tổ chung là Vua Hùng, chứ không phải đức Lạc Long Quân hay tổ đầu tiên là Lộc Tục? Có lẽ nguyên nhân là các sử quan, triều đình xưa muốn xác định mốc bắt đầu hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử, dù là sơ khai nhất.

Trong phần "Phàm lệ" của Đại Việt sử ký toàn thư viết về mốc lịch sử "Kinh Dương Vương là vua bắt đầu được phong của nước Đại Việt, cùng với Đế Nghi đồng thời, cho nên chép năm đầu ngang với năm đầu của Đế Nghi". Tuy nhiên các tác giả cũng nói rõ "Từ Hùng Vương trở về trước, không có niên biểu, thứ tự các đời vua truyền nhau không thể biết được, có thuyết nói là 18 đời, sợ chưa chắc đã đúng".

Cả tập truyện Lĩnh Nam chích quái cũng như phần đầu tiên của bộ Đại Việt sử ký toàn thư đều bắt đầu bằng truyện về họ Hồng Bàng, khởi đầu từ chuyện Kinh Dương Vương cho đến khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia năm mười người con theo mẹ về núi, năm mười người con theo cha về ở miền Nam và phong người con trưởng làm Hùng Vương, đóng đô ở Châu Phong.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc - Ảnh 5.

Minh họa Lạc Long Quân - Âu Cơ của Tạ Huy Long trong sách Lĩnh Nam Chích Quái.

Toàn thư viết, Hùng Vương đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia cả nước làm 15 bộ, đặt văn tướng gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan coi việc gọi là bồ chính, đời cha truyền cho con gọi là phụ đạo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ này của các Vua Hùng, cũng như cách gọi các chức danh đều tương tự như chế độ lang đạo của người Mường kéo dài mãi về sau.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc - Ảnh 6.

Từ truyền thuyết về Lạc Long Quân – Âu Cơ với câu chuyện bọc trăm trứng mà chúng ta có từ "đồng bào" (cùng chung một bọc), để ghi nhớ rằng tất cả người Việt chúng ta đều là con cháu của các Vua Hùng, của Lạc Long Quân và Âu Cơ. "Chim có tổ, người có tông", người Việt không chỉ nhớ về ông bà, tổ tiên dòng họ của mình mà còn ghi nhớ về cội nguồn của đất nước, của dân tộc.

Từ đồng bào nhắc nhở con dân nước Việt luôn yêu thương nhau, sát cánh bên nhau, đặc biệt trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Tiếp nối truyền thống đó, hàng loạt những câu ca dao, tục ngữ ra đời, để sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người Việt luôn vững bền qua năm tháng, như "lá lành đùm lá rách", "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"…

Tâm niệm "đồng bào" giúp người Việt chúng ta giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc qua biến thiên của lịch sử, kể cả qua cả hàng nghìn năm bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, người Việt cũng không bị đồng hóa.

Bằng sự đoàn kết, đồng lòng, với ý chí quyết tâm của những người gắn kết với nhau bởi cùng một nguồn cội, mà người Việt đã không chịu khuất phục trước rất nhiều quân xâm lược mạnh bạo, để giữ vững độc lập, chủ quyền và gìn giữ đất đai cùng văn hóa cha ông cho thế hệ chúng ta.

Do đó, trong lịch sử, khi triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu vững mạnh, đặc biệt lúc Nho giáo được coi trọng như thời Hậu Lê, thì việc xác định thời đại Hùng Vương, tục thờ cúng Vua Hùng cũng được coi trọng. Đó là lý do sử thời Lê bắt đầu viết về Kỷ Họ Hồng Bàng, và cuốn Ngọc phả Hùng Vương chép lại từ thời Hồng Đức (thời Lê Thánh Tông) đã kể rằng từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần vẫn cùng hương khói trong ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi tương truyền có mộ Hùng Vương thứ sáu và nằm ở khu vực triều đình, kinh đô nước Văn Lang thời xưa. Từ đời Lê Thánh Tông về sau, sách sử vẫn nhắc đến nghi lễ tưởng nhớ Vua Hùng, do nhân dân địa phương thực hiện.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghĩa đồng bào và bản sắc dân tộc - Ảnh 7.

Một trong các mẫu tượng đài Hùng Vương.

Là vị tổ chung của cả đất nước, ngày giỗ Vua Hùng không chỉ là ngày hội của người Kinh, mà cũng là ngày lễ chung của các dân tộc trong cùng mái nhà Việt Nam, chính thức là ngày quốc lễ được nhà nước công nhận.

Mỗi người dân mang dòng máu Việt, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đến ngày giỗ Tổ, lại một lòng hướng về cội nguồn, để cùng ghi nhớ và tự hào về lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc. Hy vọng rằng, niềm tự hào đó sẽ mãi luôn được gìn giữ và tiếp nối, giúp người Việt chung tay vượt qua khó khăn và cùng góp phần dựng xây đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn.

* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Lê Tiên Long tại đây.        

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại