Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt

Trần Đình Ba |

Dấy một cơn rồng vươn hùm thét / Nổi gió oai thổi hết loài gian / Lạ thay đôi sức hồng nhan / Sáu mươi thành lẻ đặt yên bằng tờ...

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.

Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt - Ảnh 2.

Lịch sử nước Nam ta từ dạo vua Hùng lập quốc đã trải qua hàng nghìn năm văn hiến. Một trong những truyền thống tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, ấy là tinh thần đoàn kết, yêu nước. Ngay từ dạo mới ban đầu có đất nước, dân ta đánh Tần, đánh Triệu Đà, rồi khi nước rơi vào Bắc thuộc, những Trưng Vương, Triệu Thị Trinh hay Lý Bí, Triệu Quang Phục… nối nhau mà dấy lên đánh giặc. Trong số ấy, nay nói về Hai Bà Trưng là hợp nhẽ. Bởi ngày 6 tháng 3 âm lịch hàng năm, nơi đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, là ngày giỗ của hai nữ anh hùng.

Được ghi nhận trước nhất trong những hào kiệt nổi dậy chống nền đô hộ phương Bắc, chị em Hai Bà Trưng đã làm nên một cuộc lật đổ chấn động chính quyền đô hộ Trung Hoa ở đất Việt dạo ấy, và nhân dân ta thì mãi nhắc nhớ với lòng tự hào.

Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt - Ảnh 3.

Ghi chép trong sử nước ta về thời Bắc thuộc dài hơn nghìn năm so với các triều đại khác, kể ra vắn tắt lắm. Điều đó có thể lý giải ở sự mất mát sử liệu, ở thời gian xa cách… Nhưng dầu sao mặc lòng, tên tuổi Hai Bà Trưng vẫn được dành cho những dòng trân trọng.

Dạo đầu thế kỷ I, nước ta nội thuộc nhà Đông Hán. Cai trị nước Việt lúc ấy, là thái thú Tô Định, được biết đến là kẻ tham tàn, ức hiếp dân lành. Nơi đất Mê Linh, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị như Việt sử lược cho hay, vốn dòng dõi Vua Hùng. Trong đó, Trưng Trắc được biết đến là "tánh rất hùng dũng". Giận vì Tô Định giết Thi Sách chồng mình, Trưng Trắc cùng em nổi dậy đánh kẻ thù. Việc ấy, được Thiên Nam ngữ lục cho hay:

Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này

Thù nhà, nợ nước, cơ nghiệp tổ tông được xem là những nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Thế là tháng 2 năm Canh Tý (40) đất bằng dậy sóng, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: "Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lỵ. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân Bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc man, lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh". Việc ấy thật là:

Mới rày bảo vị ra ơn rộng,
Đã đội hoa quan xuống phúc lành.

Dựng lại quốc thống, đem lại nền độc lập giữa đêm trường Bắc thuộc, khởi nghĩa Hai Bà Trưng khởi đầu cho truyền thống nối dài về sau "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Bởi thế, trong Thiên Nam minh giám có lời ca ngợi:

Dấy một cơn rồng vươn hùm thét,
Nổi gió oai thổi hết loài gian.
Lạ thay đôi sức hồng nhan,
Sáu mươi thành lẻ đặt yên bằng tờ.

Khắp vùng đất tương ứng với Bắc Bộ hiện nay, anh hùng hào kiệt tụ về mê Linh dưới trướng Hai Bà, cùng nhau diệt quốc thù. Điểm độc đáo ở đây, tướng lĩnh trong cuộc nổi dậy dẫu nam nhi không thiếu nhưng tên tuổi các nữ anh hùng để lại rất nhiều. Họ là Thiều Hoa, Lê Chân, Xuân Nương…

Giải thích về sự hiện diện của đông đảo nữ tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng, có ý kiến cho rằng đây không đơn thuần chỉ là cuộc khởi nghĩa chống đô hộ phương Bắc, mà còn là cuộc nổi dậy lần cuối của chế độ thị tộc mẫu hệ đã suy tàn từ thời Văn Lang - Âu Lạc khi mà trong lĩnh vực kinh tế, săn bắn, hái lượm với vai trò lớn của phụ nữ đã dần bị thay thế bởi kinh tế nông nghiệp lúa nước với sự xuất hiện của đồ sắt, cũng là sự chiếm lĩnh rõ rệt của chế độ thị tộc phụ hệ ở đất ta thời bấy giờ.

Luận điểm này được thấy rõ trong Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp khi đưa ra ý kiến: "Như ngọn lửa, trước khi tắt hẳn còn bùng lên một lần chót, những lực lượng đang tàn của thị tộc mẫu hệ Việt Nam vùng dậy để kết tinh trong hai người đàn bà, hai lực lượng còn sót của chế độ mẫu hệ đã nghiêng lay đến tận nền tảng".

Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt - Ảnh 4.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng ghi nhận sự tham gia đông đảo của nữ giới. Tranh sưu tầm.

Thực tế cho thấy rằng, giới quần thoa chính là lực lượng đầu tiên nổi dậy chống đô hộ phương Bắc trong đêm trường Bắc thuộc. Mặc dù về sau, khởi nghĩa Hà Bà Trưng bị đàn áp, nhưng sự kiện năm Canh Tý (40) đã tạo nên một động lực yêu nước vững chắc để về sau những Triệu Thị Trinh, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng… nối tiếp nhau tạo nên những cuộc lật đổ long trời lở đất đánh vào sự đô hộ của ngoại tộc mà đòi độc lập dân tộc.

Truyền thống yêu nước, khởi nghĩa Hai Bà Trưng góp phần to lớn đặt nền xây móng đấy, như trong nghiên cứu Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại, GS Nguyễn Văn Trung đã lý giải cho sự quật cường của người Việt: "Chẳng bao giờ họ thất bại hẳn nếu vẫn còn lòng yêu nước, chí bất khuất... Chỗ mạnh của họ là ở đó, ở truyền thống yêu nước và có chính nghĩa"… "cái truyền thống vẫn làm cho người Việt Nam không bao giờ chịu nô lệ hẳn và mỗi lần bị xâm lăng là một lần vùng lên từ Trưng Vương, Trần Hưng Đạo đến Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu".

Nhớ về khởi nghĩa năm Canh Tý ấy, vua Lê Thánh Tông trong bài thơ "Trưng Vương" đã ngợi khen:

Trợ dân dẹp loạn trả thù mình,
Chị nhủ cùng em cất nghĩa binh.
Tô Định bay hồn vang một trận,
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.

Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt - Ảnh 5.

Sẽ không ngoa nếu đưa ra một ước lượng rằng, chỉ riêng về văn thơ hay sử xưa và nay ca ngợi công đức của Hai Bà Trưng, có thể tập hợp thành một tác phẩm dày dặn. Với riêng người viết bài này, đã tiếp cận rất nhiều tài liệu liên quan vinh danh khởi nghĩa Hai Bà cùng với những giá trị tinh thần từ khởi nghĩa Hai Bà để lại cho hậu thế.

Hãy xem trong Thiên Nam ngữ lục, Thiên Nam minh giám, Việt sử diễn âm hay Đại Nam quốc sử diễn ca, rồi Việt sử diễn nghĩa, Sử Nam bốn chữ… cho đến những bài thơ vịnh về Hai Bà Trưng từ cổ chí kim của Lê Thánh Tông, Hoàng Cao Khải, Ngô Tất Tố… thì có thể thấy, những dẫn chứng đưa ra cho sự vinh danh của hậu thế với Hai Bà sẽ được bày ra dưới đây mới chỉ là phần nhỏ. Ấy là chưa nói đến những đánh giá, nhận định về Hai Bà trong quốc sử lâu nay. Danh tiếng hai bà, ý nghĩa của cuộc nổi dậy, như lời thơ vua Lê Thánh Tông còn truyền:

Còn nước, còn non, còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.

Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt - Ảnh 6.

Đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng. Tranh sưu tầm.

Trong Vịnh Nam sử, Hoàng Cao Khải có bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật viết về hai bà với tên "Trưng Vương":

Tượng đá trời nam giại tuyết sương,
Nghìn năm công đức nhớ Trưng Vương.
Tham tàn trách bởi quan gây biến.
Oanh liệt khen cho gái dị thường!

Liều với non sông hai má phấn,
Giành nhau nòi giống một da vàng.
Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy,

Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

Vẫn trong sách này, Hoàng Cao Khải ghi nhận khởi nghĩa Hai Bà Trưng: "Tuy rằng, về sau, thế lực không địch nổi thì cũng đành lấy hai má phấn mà liều với non sông, nhưng cũng để làm gương cho những kẻ đồng loại; ấy không nên lấy thế mạnh mà hiếp thế hèn vậy". Dẫu người xưa đã khuất bóng, nhưng hãy xem, cột đồng Mã Viện dọa dẫm dân Nam thì đã bị dân ta góp đá ném mà chẳng còn tăm tích, riêng danh tiếng Hai Bà Trưng, như tiếng chuông ngân xuyên thời gian mà vang mãi ngàn sau: "Mà đến bây giờ thời cột ấy hoặc bị sóng bồi, không còn tìm thấy đâu nữa mà hai họ Trưng thì danh tiết chói sáng cùng với mặt trăng hồ Tây muôn kiếp vẫn còn. Ấy mới biết rằng cái sự danh tiết ấy là một cái chứng cớ làm gương soi cho người ta vậy".

Dương Quảng Hàm khi làm Quốc văn trích diễm, đã nhớ đến bài thơ "Vịnh Hai Bà Trưng" đầy lòng tự hào dân tộc của Dương Bá Trạc mà đưa vào. Thơ ấy đoạn kết ghi nhận thành quả của chị em hai bà:

Một trận đuổi Tô Định,
Quân Tàu đuôi chạy cong.

Lĩnh Nam bảy mươi quận,
Mặc sức ta vẫy vùng.

Mê Linh dựng nghiệp đế,
Độc lập nêu cờ hồng.
Bốn năm nước tự chủ,
Nhi nữ cũng anh hùng.

Hai chị em dòng dõi Vua Hùng, làm nên cuộc lật đổ trời long đất lở trong sử Việt - Ảnh 7.

Lễ rước Hai Bà Trưng trước 1975. Ảnh tư liệu.

Cùng là phận liễu yếu đào tơ, trong tạp chí Văn, số 123, ra ngày 1-3-1971 có cho hay nữ sĩ Ngân Giang dạo những năm đầu 1940 đã thấu cảm mà làm thơ vịnh Hai Bà, trong đó có bốn câu cuối đáng chú ý:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá
Chênh chếch trăng tà bóng lẻ soi!

Còn riêng trong Quốc sử nước Việt, Lê Văn Hưu ca tụng trước nhất công đức của Hai Bà Trưng, nêu cao tinh thần quật cường của nữ giới làm tấm gương soi chung: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?".

Trong khi ấy tại Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần nhà Lê Ngô Sĩ Liên có ghi: "Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa". 

Lời ấy, là nói đến ý nghĩa cuộc nổi dậy và gương sáng chị em hai bà, dẫu qua thời gian, vẫn được hậu thế nhớ mãi và noi theo cái "khí khai anh hùng" thuở xưa. 

* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Trần Đình Ba tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại