Khi "lộc trời ban" phản tác dụng: Bài học từ lịch sử cho thấy ý tưởng "hộ chiếu miễn dịch" không khả thi

Xuân Hoài |

Ý tưởng cấp "hộ chiếu miễn dịch" cho những người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 có khả thi hay không? Một đề xuất tương tự từng được áp dụng hồi thế kỷ 19, kết quả ra sao?

Theo báo Đức spiegel.de, khi dịch sốt vàng da bùng phát hồi thế kỷ 19 ở New Orleans, Mỹ, đề xuất áp dụng hình thức chứng nhận miễn dịch đã được thực hiện; tuy nhiên kết quả lại không mấy tốt đẹp.

Cuộc khủng hoảng virus toàn cầu đã khiến nhiều người nghĩ ra những ý tưởng khác thường. Ở Đức, Italy và Anh, người ta đang thảo luận về ý tưởng cấp một dạng "hộ chiếu miễn dịch" cho những người đã có kháng thể với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 để họ được quyền tự do đi lại.

Những kiến nghị tương tự ở Mỹ hiện cũng đang được xem xét nghiêm túc. Bởi vì đối với một nền kinh tế đang lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, thì việc những người từng nhiễm COVID-19 đã bình phục được trở lại làm việc rõ ràng sẽ có lợi?

Trong quá khứ đã từng diễn ra những tình huống tương tự. Trong thế kỷ 19, dịch sốt vàng da đã hoành hành ở miền Nam nước Mỹ. Khí hậu nóng, ẩm là điều kiện lý tưởng để cho một loại muỗi truyền bệnh virus sốt vàng da sinh sôi nảy nở. Đây là một căn bệnh nguy hiểm chết người: Vào thời điểm đó, khoảng một nửa số người bị lây nhiễm không qua khỏi.

Người bệnh có các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, đau người và buồn nôn; cuối cùng các nạn nhân bất hạnh nôn ra máu đen và vật vã đau đớn đến chết. Tuy nhiên, những người may mắn khỏi bệnh thì cho đến cuối đời sẽ không bao giờ bị lại căn bệnh này, tức là họ đã có miễn dịch hoàn toàn. Do những người nhập cư dễ bị nhiễm bệnh nhất, nên bệnh sốt vàng da còn có tên là "căn bệnh ngoại lai". Những người đã nhiễm và khỏi bệnh được coi là đã miễn dịch.

Khi lộc trời ban phản tác dụng: Bài học từ lịch sử cho thấy ý tưởng hộ chiếu miễn dịch không khả thi - Ảnh 1.

Dịch bệnh ở New Orleans: một người phụ nữ bị chết vì sốt vàng da (ảnh năm 1878). Ảnh: DEA/Getty Images

Những làn sóng sốt vàng da hàng loạt

New Orleans là thủ phủ đang trên đà phát triển nhanh chóng của tiểu bang Louisiana còn khá non trẻ. Đây cũng là nơi từng nhiều lần hứng chịu các làn sóng sốt vàng da nặng nề. Thành phố ven sông Mississippi là trung tâm cực kỳ sôi động của các bang miền Nam nhờ có hải cảng và là điểm đến của rất nhiều dân nhập cư từ châu Âu. Đồng thời, New Orleans còn là địa điểm trung chuyển về buôn bán nô lệ phục vụ phát triển các đồn điền ở các bang phía Nam của Mỹ.

Trong vòng 60 năm, thành phố này đã hứng chịu tới 22 làn sóng sốt vàng da. Đã có tổng cộng trên 200.000 người bị chết vì dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế và xã hội của vùng này. Riêng làn sóng năm 1853 là nặng nề nhất và đã làm cho khoảng 12.000 người thiệt mạng, tức 10% cư dân thành phố hồi đó. Do người bệnh trước khi chết thường bị hôn mê, cho nên có không ít trường hợp do những người xung quanh quá lo sợ, vội vàng nên có những người đã bị chôn sống.

Không có gì lạ khi chỉ ít lâu sau những người được coi là đã miễn dịch trở nên có giá trên thị trường lao động, và trong đời sống xã hội họ cũng có nhiều cơ hội hơn một cách rõ rệt. Những người thoát chết sau khi nhiễm bệnh sốt vàng da được coi là những công dân được “rửa tội” lần thứ hai – họ coi đây là một bằng chứng được Chúa Trời ban phước lành.

Bà Kathryn Olivarius, nhà nghiên cứu lịch sử thuộc đại học Stanford ở California mới đây đã phân tích trong một bài viết được đăng tải trên báo The New York Times về những hệ luỵ của "chứng nhận miễn dịch".

Vào thời điểm đó, ở New Orleans có sự phân biệt rất rõ ràng giữa những người da trắng, là công dân tự do, và da đen, phần đông là nô lệ. Sau khi dịch bệnh tấn công, giữa hai bên còn có thêm một sự phân biệt vô hình, đó là ranh giới giữa những người đã miễn dịch với bệnh và những người có nguy cơ bị sốt vàng da.

Khi lộc trời ban phản tác dụng: Bài học từ lịch sử cho thấy ý tưởng hộ chiếu miễn dịch không khả thi - Ảnh 3.

Thi thể người chết vì bệnh vàng da được đưa ra nghĩa trang bằng xe ngựa. Ảnh: DEA/Getty Images

Ngay trong xã hội của người da trắng, những hệ lụy đã rất nghiêm trọng. "Tôi đã nộp đơn khắp nơi, trong tuyệt vọng, để xin được một chân kế toán", Gustav Dresel - một người Đức nhập cư trong những năm 1830 cho biết; "thế nhưng việc tuyển một người đàn ông còn trẻ nhưng chưa miễn dịch thì quả là một sự đầu tư liều lĩnh."

Bảo hiểm nhân thọ từ chối thẳng thừng đơn đăng ký của những người chưa miễn dịch hoặc đòi trả phí bảo hiểm cao hơn. Miễn dịch với sốt vàng da cũng quyết định cả khu vực người đó sinh sống và mức lương là bao nhiêu, liệu người đó có được vay tín dụng không và có thể kết hôn với ai.

Nhiều người nhập cư mới đến muốn có việc làm ngay thậm chí đã tìm cách cố tình lây nhiễm bệnh, ví dụ bằng cách cùng chung sống trong căn phòng chật hội hoặc chấp nhận ngủ trên giường có người vừa chết vì bệnh sốt vàng da. Đó là cách làm tuyệt vọng để nâng giá trị của họ trên thị trường lao động – nhưng thường dẫn đến hậu quả chết người.

Căn bệnh nguy hiểm này còn được sử dụng làm công cụ trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong thời đại phân biệt chủng tộc: những kẻ ủng hộ chế độ nô lệ khẳng định một cách ngu xuẩn rằng, người da đen vốn dĩ có khả năng kháng bệnh sốt vàng da cao - do đó việc những người này phụng sự cho người da trắng cũng là ý của Chúa trời.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác: người nô lệ có nguy cơ thiệt mạng vì sốt vàng da rất cao vì khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của họ rất thấp. Nếu có ai đó miễn dịch với bệnh sốt vàng da, thì cũng giống như người da trắng, giá trị trên thị trường lao động cao hơn rõ rệt.

Miễn dịch cộng đồng

"Căn bệnh sốt vàng da khiến khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn hơn", Nhà sử học Kathryn Olivarius viết. Với tầng lớp giàu có ở New Orleans thì khi tỷ lệ tử vong không giảm thì họ càng có lợi, vì khi đó các công nhân, nô lệ làm việc cho họ luôn chịu một áp lực lớn để tồn tại, do đó họ lại càng dễ bề sai khiến. Mặc dù có nguy cơ dịch bệnh nhưng các chuyến tầu đưa dân nhập cư mới vẫn đổ về đây liên tục.

Chính vì thứ logic kỳ quái này nên chính quyền địa phương đã không chi thêm ngân sách cho các biện pháp vệ sinh và phòng dịch. Họ cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết bệnh sốt vàng da là có thêm người bị bệnh – cho đến khi trong cộng đồng chỉ còn những người đã miễn dịch.

Đối đại dịch COVID-19, tư tưởng trên đã không còn phổ biến nữa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo về ý tưởng "hộ chiếu miễn dịch" là không có giá trị, bởi kết quả xét nghiệm virus corona chưa chắc đã đáng tin cậy và chưa có gì bảo đảm những người từng bị nhiễm COVID-19 sẽ miễn dịch lâu dài với căn bệnh này.

Thế nhưng, hiện nay khoảng cách giữa hai nhóm người lao động đã ngày càng lớn hơn: nếu như một nhóm vẫn có thể làm việc tại nhà, thì nhóm còn lại là những người lao động thời vụ, ngắn hạn buộc phải tạm nghỉ việc hoặc thậm chí là mất việc. Dịch sốt vàng da ở New Orleans đã cho thấy việc tư bản hóa khả năng miễn dịch của con người đã có những tác động tệ hại đến mức nào.

Khi lộc trời ban phản tác dụng: Bài học từ lịch sử cho thấy ý tưởng hộ chiếu miễn dịch không khả thi - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại