Con đường từ phong toả đến mở cửa trở lại của tất cả các quốc gia: Đánh đổi sự phát triển kinh tế là điều không thể tránh khỏi!

Lục Lam |

Nền kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng Covid-19, khi các chính phủ dần dần nới lỏng lệnh hạn chế. Đó là giai đoạn đòi hỏi các nước phải đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và rủi ro bùng phát đợt lây nhiễm thứ 2.

Một số quốc gia, như Trung Quốc và Hàn Quốc, đã mở cửa trở lại nền kinh tế, khi đã kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Những quốc gia khác, bao gồm cả Italy và Mỹ, cũng đang chuẩn bị đưa ra bước đi tương tự, ngay cả khi họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chế ngự dịch bệnh.

Rõ ràng rằng, lệnh hạn chế kéo dài càng lâu thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế càng lớn. Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy rằng việc mở cửa trở lại sẽ không diễn ra chỉ trong 1 đêm, khi số liệu của tháng 3 cho thấy sản lượng đang dần hồi phục nhưng người tiêu dùng vẫn rất cảnh giác.

Trong khi đó, Singapore chính là một câu chuyện mang tính cảnh báo cho những quốc gia đang mở cửa trở lại, khi chứng kiến đợt bùng phát thứ 2 và buộc phải đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt hơn, nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng lớn hơn so với dự đoán.

Những nước đầu tiên dỡ bỏ lệnh phong toả

Tại Trung Quốc, việc ổ dịch Vũ Hán được dỡ bỏ lệnh phong toả là một cột mốc quan trọng. Ngừng áp dụng lệnh hạn chế nghiêm ngặt trên toàn quốc cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã ghi nhận đà tăng trưởng sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ ở quý I.

Ngay cả hiện tại, các công ty, người lao động ở thành phố trung tâm vẫn phải thực hiện kiểm tra thân nhiệt hàng ngày và khử trùng nơi làm việc. Các trung tâm mua sắm đã mở cửa nhưng khách hàng vẫn thờ ơ và nhiều người vẫn nghi ngại về quy mô thực sự của đại dịch. Do Trung Quốc mở cửa sớm hơn dự đoán, Bloomberg Economics đã nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay của nước này từ 1,4% lên 2%, vẫn thấp hơn nhiều so với 6,1% của năm trước.

Con đường từ phong toả đến mở cửa trở lại của tất cả các quốc gia: Đánh đổi sự phát triển kinh tế là điều không thể tránh khỏi! - Ảnh 1.

Hàn Quốc đã ngăn chặn dịch bệnh mà không phong toả hoàn toàn, bởi quốc gia này đã nỗ lực xét nghiệm và truy tìm những đối tượng liên quan đến ca bệnh cực kỳ sát sao. Cách tiếp cận đó đã làm giảm sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế nước này, dù nhu cầu ở nước ngoài đã đi xuống. Bloomberg Economics dự đoán kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 0,1% so với năm ngoái và hồi phục với mức tăng 3,1% trong năm 2021.

Lên kế hoạch nới lỏng các quy định hạn chế

Theo Bloomberg Economics, Đức đưa ra các biện pháp hạn chế muộn hơn so với những nước khác nhưng lại kết thúc sớm hơn, giúp nền kinh tế hồi phục nhanh hơn các quốc gia châu Âu. Dẫu vậy, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của Đức sẽ giảm hơn 5% trong năm 2020.

Hiện tại, Italy cũng đang cân nhắc về cách thức nới lỏng lệnh hạn chế được áp dụng từ hồi đầu tháng 3 - yếu tố khiến nền kinh tế lớn thứ 3 eurozone rơi vào trạng thái trì trệ. Theo dự kiến, một số doanh nghiệp bắt đầu được phép mở cửa vào ngày 4/5. Bloomberg Economics dự đoán nền kinh tế Italy sẽ giảm 8,9% trong quý đầu tiên và 18,2% ở quý II, trong khi tăng trưởng GDP hàng năm có thể giảm 13,2% trong năm 2020.

Một minh hoạ rõ ràng về sự đánh đổi sức khoẻ với tăng trưởng kinh tế: Theo nghiên cứu gần đây của 1 số nhà kinh tế học của Italy, vùng Bologna gần Milan – trung tâm kinh tế của nước này, nếu dần mở cửa có thể khiến số ca tử vong tăng thêm 5.000 trường hợp/năm. Do đó, việc mở cửa hoàn toàn, có nghĩa là khi GDP không sụt giảm, sẽ khiến nước này chứng kiến 40.000 người chết. Tiếp tục áp dụng lệnh phong toả hoàn toàn sẽ làm giảm đáng kể số người chết, nhưng có thể khiến GDP giảm 26% trong năm tới.

Tại Mỹ, việc phong toả đã khiến nền kinh tế nước này chứng kiến sự sụt giảm kỷ lục, theo đó Tổng thống Donald Trump phải nhanh chóng đưa ra hướng dẫn cho các bang để mở cửa nền kinh tế. Một số bang đã nởi lỏng lệnh hạn chế, nhưng vẫn chưa đủ để nối lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất. Bloomberg Economics dự đoán GDP thực của Mỹ sẽ tăng -5% trong quý I và giảm 37% trong quý II. Đà tăng trưởng 12% ở nửa cuối năm vẫn khiến chứng kiến mức tăng trưởng âm trong cả năm nay.

Việc áp dụng lệnh hạn chế nghiêm ngặt tại Anh đã khiến ¼ các doanh nghiệp ngừng hoạt động và chính phủ đang phải hỗ trợ 4 triệu việc làm, giúp những người này không bị sa thải. Doanh số bán lẻ của Anh đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia, nếu lệnh phong toả kéo dài đến giữa tháng 5, thì sản lượng kinh tế nước này có thể giảm khoảng 5% trong quý I và 15% ở quý II.

Chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 2

Ban đầu, Singapore có những biện pháp hạn chế ít nghiêm ngặt hơn nhưng đang chứng kiến làn sóng thứ 2 của dịch bệnh. Điều này đã khiến Singapore phải gia hạn lệnh phong toả đến ngày 1/6, yêu cầu người lao động nhập cư cách ly trong các khu ký túc xá. Do đó, chính phủ nước này đang chuẩn bị tinh thần cho sự sụt giảm sâu sắc hơn trong tăng trưởng kinh tế ở năm nay, so với dự báo trước đó là mức giảm 4%.

Nhật Bản đang cân nhắc về việc mở rộng quy mô áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia, khi chứng kiến số ca tăng mạnh với những lo ngại rằng việc nới lỏng có thể khiến dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trước cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo Bloomberg Economics, việc áp dụng lệnh hạn chế tương đối nghiêm ngặt sẽ giúp GDP nước này giảm nhẹ hơn so với những nền kinh tế phát triển khác. Tuy nhiên, có thể sản lượng sẽ giảm 4% trong năm 2020, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất.

Những nước đầu tiên chiến thắng dịch bệnh

Hiện đã có những quốc gia đã đạt được thành công bước đầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh, như Việt Nam, New Zealand và Australia. Các nước này đều đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế khi không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nhiều ngày, hoặc số ca chỉ tăng chậm. Tuy nhiên, Bloomberg Economics dự đoán kinh tế Australia có thể chứng kiến đà sụt giảm 3 quý liên tiếp, và giảm 9% so với quý IV/2019.

Trong số các nền kinh tế phát triển, Thuỵ Điển là quốc gia là quốc gia duy nhất không phong toả. Các trường học, phòng gym, quán cafe, quán bar và cửa hàng vẫn được mở cửa. Dẫu vậy, việc này cũng không thể đảo ngược kịch bản suy thoái, khi chính phủ nước này dự đoán GDP năm 2020 sẽ giảm từ 4,2% xuống 10%.

Hậu quả đối với nền kinh tế

Trước đó, Bloomberg ước tính rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ mất 6 nghìn tỷ USD do dịch bệnh. Tuy nhiên, đó là kịch bản lạc quan và nó phụ thuộc vào các nền kinh tế sẽ hồi phục với tốc độ như thế nào. Hiện tại, vẫn còn phải đánh giá thêm về việc liệu mở cửa lại sẽ làm giảm bớt sự ảnh hưởng hay thậm chí còn làm trầm trọng thêm sự suy thoái đối với nền kinh tế toàn cầu.

Theo nhóm chuyên gia của JPMorgan do Bruce Kasman làm trưởng nhóm, những chiến lược ngăn chặn virus ít nghiêm ngặt hơn có thể giúp thúc đẩy đà hồi phục, bằng cách xây dựng miễn dịch cộng đồng nhanh hơn, trong khi có thể hạn chế những thiệt hại về kinh tế so với các quốc gia phong toả trong thời gian dài. Tuy nhiên, thực hiện việc này có thể khiến tỷ lệ tử vong tăng đáng kể và gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ, dẫn đến thiệt hại về kinh tế lớn hơn.

Tham khảo Bloomberg

Con đường từ phong toả đến mở cửa trở lại của tất cả các quốc gia: Đánh đổi sự phát triển kinh tế là điều không thể tránh khỏi! - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại