Có thừa tiềm lực và phe cánh, vì sao Hòa Thân không dám tạo phản dù biết vua Gia Khánh không bỏ qua cho mình?

Trần Quỳnh |

Trên thực tế, có không ít lý do sâu xa khiến Hòa Thân chấp nhận bó tay chịu chết chứ không dám làm phản chống lại nhà Thanh.

Hòa Thân (1750 – 1799), tự Trí Trai, là một trong số những quyền thần khét tiếng của nhà Thanh dưới thời kỳ Càn Long Hoàng đế tại vị.

Xét trên phương diện kiếm tiền nói riêng, Hòa Thân được xem là thiên tài trong số các thiên tài thời đó. Cũng bởi vậy mà đối với một vị vua có nhiều sở thích tốn kém như Càn Long mà nói, ông thực chất chính là một ví tiền không cạn để bòn rút.

Đây cũng là lý do mà vị Hoàng đế ấy vừa sủng ái lại vừa "mắt nhắm mắt mở" cho qua nhiều chuyện liên quan tới tham quan họ Hòa này.

Có thừa tiềm lực và phe cánh, vì sao Hòa Thân không dám tạo phản dù biết vua Gia Khánh không bỏ qua cho mình? - Ảnh 1.

Chân dung Hòa Thân trong lịch sử (bên phải) và hình tượng trên phim ảnh.

Dưới thời kỳ Càn Long còn chấp chính, Hòa Thân đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như quân cơ đại thần, Thượng thư bộ Hộ, bộ Lại, bộ Hình, Tổng quản phủ Nội vụ, thậm chí còn từng kiêm chức Thống lĩnh bộ Binh.

Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), nếu như không phải vì tổ chế của Thanh triều, Càn Long rất có thể cũng đã phong vương cho Hòa Thân.

Thế nhưng mặc dù không có được chức tước này thì luận về quyền lợi trong triều, Hòa Thân có thể xem là dưới một người, trên vạn người.

Dù vậy thì ngay sau khi Càn Long băng hà, tham quan khét tiếng một thời ấy lại nhanh chóng ngã ngựa dưới thời vua Gia Khánh.

Nói về sự rớt đài đột ngột của Hòa Thân, không ít người tỏ ra băn khoăn khi đặt ra câu hỏi: Vừa sở hữu khối tài sản khổng lồ, lại vừa có tiếng nói và phe cánh trong triều, vì sao Hòa Thân không dám khởi binh tạo phản ngay cả khi biết chắc Gia Khánh sẽ không bỏ qua cho mình?

3 nguyên nhân khiến Hòa Thân cả đời không dám hai lòng với nhà Thanh

Bàn về lý do khiến Hòa Thân không dám đảo chính, chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc) đưa ra 3 nguyên nhân chủ yếu sau đây.

Thứ nhất, Hòa Thân chưa bao giờ có ý tưởng làm Hoàng đế mà chỉ muốn an phận làm một quyền thần để vơ vét tiền bạc.

Đây rất có thể là một trong những nguyên nhân khiến Càn Long đế năm xưa từng nhiều lần dung túng cho tham quan này.

Có thừa tiềm lực và phe cánh, vì sao Hòa Thân không dám tạo phản dù biết vua Gia Khánh không bỏ qua cho mình? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Bởi Hòa Thân lúc sinh thời dù từng mua quan bán chức hay tham ô, nhưng lại chưa bao giờ dám tơ tưởng đến hoàng quyền của gia tộc Ái Tân Giác La.

Hơn nữa để có thể lấy lòng nhà vua, tham quan họ Hòa ấy cũng hết mức trung thành và sẵn sàng rút hầu bao để thỏa mãn nhiều sở thích phung phí của Hoàng đế, hoàng tộc.

Thứ hai, điều kiện lịch sử căn bản không cho Hòa Thân có cơ hội lên ngôi.

Tính từ thời điểm Mãn Thanh nhập quan cho tới khi Càn Long tại vị, vương triều nhà Thanh đã trải qua hơn 100 năm thống trị Trung Hoa.

Cũng bởi vậy mà cơ nghiệp của Mãn tộc khi ấy có thể coi là tương đối vững chắc, đặc biệt là dưới giai đoạn cực thịnh "Khang – Càn thịnh thế" dưới thời Khang Hi và Càn Long.

Do đó, bách tính thời bấy giờ vốn đang có một cuộc sống ổn định, chưa nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn hay bất mãn với triều đình.

Vì vậy một khi Hòa Thân khởi binh chống lại hoàng tộc Ái Tân Giác La, thường dân trăm họ sẽ không có lý do gì để đi theo ông tạo phản.

Thứ ba, Hòa Thân không có đủ uy danh nếu so với hoàng tộc.

Trong nội bộ Bát kỳ khi ấy, Hòa Thân cũng chỉ có thể xem là một người có xuất thân bình thường, uy vọng tất nhiên không thể so sánh với hoàng tộc Ái Tân Giác La.

Hơn nữa Càn Long Hoàng đế lúc sinh thời thực chất luôn vững vàng khống chế nội bộ triều chính.

Mặc dù bề ngoài ông sủng ái Hòa Thân, có thể chỉ dùng một câu nói để đưa viên quan này phất lên như diều gặp gió.

Thế nhưng một khi phát giác ra Hòa Thân có bất kỳ âm mưu đáng ngờ nào thì Càn Long hay người kế nhiệm là Gia Khánh đế đều có thể dùng một câu nói để khiến gia tộc của viên quan này rơi vào cảnh đầu rơi máu chảy.

Đây cũng là những lý do khiến Hòa Thân năm xưa dù có ăn gan hùm mật gấu cũng không dám âm mưu tạo phản.

Không thể tạo phản nhưng giỏi nịnh bợ, vì sao Hòa Thân không lấy lòng Gia Khánh để thoát chết?

Có thừa tiềm lực và phe cánh, vì sao Hòa Thân không dám tạo phản dù biết vua Gia Khánh không bỏ qua cho mình? - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Tới năm 1799 sau khi Càn Long đế qua đời, Hòa Thân nhanh chóng bị Gia Khánh hạch tội, bỏ tù và tịch biên tài sản. Kết cục là tham quan khét tiếng nhà Thanh ấy đã tự vẫn trong ngục và qua đời ở tuổi 49.

Tuy nhiên cũng có người không khỏi thắc mắc: Nếu đã không thể không thể tạo phản, vậy một người khôn khéo như Hòa Thân tại sao không sớm nịnh bợ Gia Khánh để tiếp tục trở thành một quyền thần tiếp theo dưới thời vị vua này?

Trên thực tế, những nguyên nhân khiến Hòa Thân không còn "có cửa" dưới thời Gia Khánh bắt nguồn từ các lý do sau:

Thứ nhất, Càn Long thực chất chỉ coi Hòa Thân là một kẻ kiếm tiền thay cha con mình. Hơn nữa vết xe đổ của quyền thần Ngao Bái chuyên quyền khi Khang Hi còn nhỏ vẫn còn đó, vì vậy vị vua này chắc chắn sẽ không để Hòa Thân có cơ hội trở thành một Ngao Bái tiếp theo.

Thứ hai, tham quan họ Hòa nhìn bề ngoài tuy có vẻ là đại thần dưới một người trên vạn người. Thế nhưng thực tế Hòa Thân không có binh quyền hay quân đội của riêng mình. Bởi vào thời bấy giờ, binh lực trú đóng các nơi đều chỉ nghe theo mệnh lệnh của hoàng tộc Ái Tân Giác La.

Thứ ba, khi Càn Long còn tại vị, Gia Khánh đối với sủng thần họ Hòa của nhà vua ngoài mặt có thể xem là rất mực cung thuận. Vì vậy Hòa Thân đã chủ quan cho rằng ông là người hiền lành, dễ bị thao túng nên mới không lấy lòng hay nịnh bợ như đối với Càn Long.

Cũng bởi vậy mà vào thời điểm Thái Thượng Hoàng Càn Long qua đời, giấc mộng của Hòa Thân cũng tan biến.

Và kết quả là đại tham quan khét tiếng trong lịch sử Thanh triều ấy chẳng mấy chốc đã bị Gia Khánh tiễn đi Tây Thiên…

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại