Chống trộm giỏi như tham quan Hòa Thân: Kẻ cắp dù lẻn vào được cũng phải tay trắng ra về

Trần Quỳnh |

Chính những tuyệt chiêu chống trộm thượng thừa này đã khiến Hòa Thân có thể bảo vệ được số tài sản kếch xù của mình một cách chu toàn trước nạn đạo tặc thời bấy giờ.

Hòa Thân (1750 – 1799), tên chữ Trí Trai, là một viên quan đại thần từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Hoàng đế Càn Long thuộc triều nhà Thanh của lịch sử Trung Hoa.

Sinh thời, viên quan họ Hòa này vốn nổi danh với những mánh lới tham ô và hốt bạc từ thiên hạ đã đạt tới trình độ thượng thừa.

Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, Hòa Thân có thể xem là một trong những đại tham quan khét tiếng hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc.

Mặc dù là nhân vật sở hữu cả khối gia tài kếch xù vào thời bấy giờ, thế nhưng có giai thoại từng truyền lại rằng, kẻ trộm đột nhập vào nhà Hòa Thân dù có cao tay tới đâu thì cũng phải tay trắng ra về.

Vậy liệu rằng đâu là lý do mà ngay cả khi đã sa vào "chĩnh vàng" này, những kẻ hành nghề đi đêm ấy vẫn phải chấp nhận trở về tay không?

Nguyên nhân là bởi, Hòa Thân chẳng những có thiên phú kiếm tiền mà ngay tới kỹ thuật chống trộm cũng đã đạt tới cảnh giới mà ít ai có thể tưởng tượng được.

Biện pháp chống trộm thông minh nhất của Hòa Thân: Vừa đề phòng đạo tặc lại vừa khiến tiền đẻ ra tiền

Chống trộm giỏi như tham quan Hòa Thân: Kẻ cắp dù lẻn vào được cũng phải tay trắng ra về - Ảnh 1.

Chân dung Hòa Thân. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Bàn về độ giàu có của Hòa Thân, người thời bấy giờ vẫn thường truyền tai nhau câu nói: "Thứ gì Càn Long có, Hòa Thân cũng có, thứ gì Hòa Thân có, Càn Long chưa chắc đã có!".

Sở hữu trong tay cả núi vàng núi bạc, một người có đầu óc tài chính nhạy bén như tham quan họ Hòa này đã nhanh chóng nghĩ ra một diệu kế để đề phòng trộm cắp, đồng thời cũng khiến tiền đẻ ra tiền. Đó chính là quy đổi một phần không nhỏ tiền bạc ra bất động sản.

Theo Qulishi, các phủ đệ thời cổ đại thường chia ra làm phòng chính và hai dãy đông tây. Trong khi đó, hoa viên của Hòa Thân thời xưa chỉ tính riêng dãy phòng chính đã có tới 730 gian, dãy phía đông có 360 gian, dãy phía tây có 350 gian, đó là chưa kể tới hàng trăm gian phòng phụ khác.

Về đất đai, Hòa Thân còn được biết tới là một đại địa chủ chính hiệu với ruộng đồng lên tới xấp xỉ 8000 mẫu, cửa hàng vàng bạc có 10 tiệm, số lượng tiệm cầm đồ cũng xấp xỉ con số này.

Dùng tiền bạc quy đổi ra đất đai và bất động sản có thể xem là một cách quản lý tài chính hết sức thông minh vào thời bấy giờ.

Bởi lẽ kẻ trộm dù có lấy được giấy tờ đất đai hay nhà cửa thì cũng không có ích gì, hơn nữa dẫu có dám mang đi cầm cố hay mua bán cũng dễ dàng bị quan phủ bắt lại.

Và muôn vàn những mánh lới giấu của khác khiến kẻ trộm phải ngậm ngùi tay trắng ra về

Chống trộm giỏi như tham quan Hòa Thân: Kẻ cắp dù lẻn vào được cũng phải tay trắng ra về - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Mặc dù là viên quan lắm tài nhiều tật khét tiếng lúc bấy giờ, nhưng những người nghe tới danh Hòa Thân đều không thể phủ nhận một sự thật: Đó là tham quan này thực sự rất có thiên phú làm giàu.

Bên cạnh số lượng bất động sản hùng hậu, Hòa Thân còn rất chủ động đầu tư vào những mối làm ăn khác.

Nhờ có chức tước và quyền lực làm chỗ dựa, ông chẳng ngại ngần rót tiền vào những ngành nghề như cầm đồ, kim hoàn, tiệm thuốc, đồ cổ, mua bán lương thực…

Lúc bấy giờ, chỉ cần là những ngón nghề có thể kiếm ra tiền, Hòa Thân đều không ngại đầu tư. Thậm chí viên quan này còn sở hữu trong tay không ít mối làm ăn với các thương gia nước ngoài và một số mỏ khai thác khác.

Những mánh lới hái ra tiền ấy cùng với hàng loạt chiêu thức tham ô, hối lộ cao tay đã khiến Hòa Thân thu về cả đống tiền bạc và không ít ngọc ngà, châu báu.

Số tài sản này đương nhiên không thể quy đổi hết ra đất đai, nhà cửa. Như vậy đối với vàng bạc, châu báu cất giữ trong nhà, Hòa Thân làm thế nào để bảo vệ?

Trên thực tế, điều này vốn không thể làm khó một đại tham quan vốn sở hữu đầu óc cực kỳ linh hoạt.

Chống trộm giỏi như tham quan Hòa Thân: Kẻ cắp dù lẻn vào được cũng phải tay trắng ra về - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Để bảo vệ chu toàn cho khối gia sản kếch xù của mình, Hòa Thân đã nghĩ ra không ít những biện pháp đỉnh cao tới nỗi, dù cho ăn trộm có sa vào được "chĩnh vàng" nhà ông thì cũng phải ngậm ngùi tay trắng ra về.

Một trong những chiêu chống trộm mà tham quan này áp dụng chính là đem các đĩnh bạc trắng thông thường đi nung chảy, sau đó luyện thành những đĩnh bạc lớn hoặc thậm chí là đúc thành hình của những quả bí đao.

Chiêu thức này khiến cho việc mang vác các đĩnh bạc nói trên trở nên nặng nề, hơn nữa dù đem ra ngoài cũng khó mà tiêu được.

Chưa dừng lại ở đó, tương truyền rằng Hòa Thân năm xưa còn áp dụng một biện pháp kín đáo hơn: Đó là khoét rỗng cột nhà rồi cất giấu vàng bạc vào trong đó. 

Tuy nhiên tính thực hư của phương pháp giấu của này cho tới nay vẫn gây tranh cãi.

Không chỉ vậy, đối với những bảo vật hiếm có khó tìm, Hòa Thân còn nghĩ ra những cách chống trộm hết sức độc đáo.

Tương truyền rằng năm xưa một trong hai bảo vật trấn trạch của viên quan này chính là một con tỳ hưu bằng ngọc phỉ thúy. Bấy giờ, Hòa Thân đã đem vật ấy cất giấu trong hòn giả sơn trước phủ đệ. 

Chỉ tới khi gia sản bị tịch biên, hòn giả sơn bị phá, người ta mới phát hiện ra con tỳ hưu bằng ngọc với kích cỡ và độ quý giá còn vượt mặt tỳ hưu của nhà vua.

Đó là chưa kể tới việc một người từng nắm trong tay cả tiền bạc lẫn quyền lực như Hòa Thân hoàn toàn có thể thuê cơ số các cao thủ làm thị vệ cho mình.

Vì vậy, kẻ trộm muốn đột nhập được vào phủ đệ của ông đã khó, mà muốn đem tiền bạc ra khỏi đây càng là việc khó hơn lên trời.

Chống trộm giỏi như tham quan Hòa Thân: Kẻ cắp dù lẻn vào được cũng phải tay trắng ra về - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Tuy nhiên cuối cùng, Hòa Thân tuy có thể bảo vệ số tài sản kếch xù của mình khỏi muôn vàn tên trộm cao siêu trong thiên hạ, thế nhưng lại không thể bảo toàn chúng trước quyền uy của thiên tử.

Sau khi Càn Long qua đời không lâu, Gia Khánh đã hạch tội và ra thánh chỉ tịch biên toàn bộ tài sản của tham quan này.

Tới khi toàn bộ gia sản của Hòa Thân được kê khai, người trong thiên hạ mới càng thêm ngỡ ngàng khi phát hiện một sự thật: Tổng số tài sản bị tịch thu có giá trị lên tới 1,1 tỷ lượng bạc trắng, lớn hơn số tiền thu vào trong vòng 15 năm của quốc khố nhà Thanh.

Cứ như vậy, gia tài mà Hòa Thân cả đời tìm trăm phương ngàn kế giữ gìn, gom góp đã lọt vào tay Gia Khánh. Dân gian sau này có câu "Hòa Thân té ngã, Gia Khánh ăn no" cũng là vì thế.

*Theo quan điểm của Qulishi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại