Vũ khí trọng yếu giúp TQ chèo lái 1.4 tỉ dân vượt dịch COVID-19 "quyền năng" đến mức nào?

Lâm Vy |

"Kinh tế số bắt đầu đóng một vai trò chưa từng có tiền lệ trong cuộc chiến chống COVID-19" - Chuyên gia Jin Jianmin nhận định.

Chương trình coupon điện tử khổng lồ

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang phân phối mã giảm giá (coupon) điện tử miễn phí trên các nền tảng thanh toán trực tuyến bằng di động như Alipay và WeChat Pay để kích kích tiêu dùng trong nước.

Động thái này nhằm giúp khắc phục phần nào những tổn hại mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, "chi tiêu tiêu dùng" đã đóng góp tới 57,8% trong mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2019.

Ngày 29/3, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang tuyên bố sẽ phát hành các mã coupon điện tử với tổng giá trị lên tới 200 triệu tệ (tương đương 28.2 triệu USD), trong đó 150 triệu tệ có thể được "redeem" (đổi coupon/voucher để thanh toán) qua WeChat Pay - ứng dụng do tập đoàn Tencent Holdings vận hành.

Trước đó, vào ngày 26/3, Liên Hiệp Công đoàn Hồ Nam tuyên bố các nhân viên và thành viên của Liên Hiệp tại tỉnh này sẽ nhận được các voucher giảm giá để sử dụng tại 340.000 cơ sở kinh doanh ở Hồ Nam, cũng thông qua WeChat Pay.

Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, có kế hoạch phân phối coupon tiêu dùng với tổng giá trị 1.68 tỷ tệ để hỗ trợ hơn 6 triệu cơ sở kinh doanh hoạt động ngoại tuyến (offline) trong nhiều lĩnh vực tại địa phương, từ bán lẻ cho tới phục vụ ăn uống, để kích thích tiêu dùng.

Trong ngày 27/3, thành phố Chiết Giang đã bắt đầu phân phối đợt coupon đầu tiên, gồm 2 triệu coupon (mỗi coupon có giá trị 50 tệ) có thể quy đổi khi thanh toán cho các mặt hàng (online hoặc offline) thông qua Alipay. Ứng dụng Alipay hiện được vận hành bởi Ant Financial - một chi nhánh của tập đoàn Alibaba.

Vũ khí trọng yếu giúp TQ chèo lái 1.4 tỉ dân vượt dịch COVID-19 quyền năng đến mức nào? - Ảnh 1.

Trung Quốc phát hành coupon điện tử trên các nền tảng thanh toán trực tuyến. Ảnh minh họa. Nguồn: The Star

Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô đã phân phối các coupon tiêu dùng với tổng giá trị 318 triệu tệ để sử dụng trong các dịch vụ như ăn uống, thể thao, du lịch, cũng như tạo phúc lợi cho các cộng đồng thu nhập thấp.

Từ ngày 15/3 - 22/3, công dân tại tỉnh Nam Kinh có thể sử dụng các coupon này (giảm giá từ 50-100 tệ) trên ứng dụng dịch vụ địa phương "My Nanjing" và quy đổi thông qua Alipay.

Tại Quảng Tây, coupon sẽ được phân phối từ ngày 26/3 cho tới 26/5 năm nay theo hạn mức từng ngày cho các cư dân địa phương và khách du lịch tới thăm tỉnh. Các coupon này sẽ được quy đổi qua Alipay để thanh toán cho các hoạt động ăn uống, mua sắm, thuê phòng khách sạn.

SCMP cho hay, những biện pháp trên được thực hiện theo chỉ đạo của 23 ban ngành chính phủ trung ương Trung Quốc trong tháng 3 để gia tăng mức chi tiêu tiêu dùng, từ đó giúp hạn chế tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đã kêu gọi các quan chức đi tiên phong trong nỗ lực kích thích tiêu dùng tại địa phương. Trong những tuần gần gây, các quan chức đứng đầu chính quyền tại thành phố Nam Kinh, Sơn Đông, Hồ Nam, Quảng Đông, Hải Nam đã tham gia các hoạt động công cộng như mua sắm và ăn uống tại nhà hàng.

Các nhà phân tích tài chính nhận định, biện pháp kích thích ngắn hạn dành cho các công ty và cá nhân có thể mang lại hiệu quả tạm thời cho nền kinh tế.

Sự lên ngôi của kinh tế số giữa COVID-19

Kinh tế số (digital economy) là một nền kinh tế dựa trên các cộng nghệ số để tạo cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử.

Tờ China Daily cho hay, trong đại dịch COVID-19, các công ty dựa trên nền tảng internet đã cho thấy mức độ hiệu quả và linh hoạt cao, khi những phương thức hoạt động truyền thống bị quá tải.

Với sự hỗ trợ từ các công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud computing), các công ty này đã trở thành hệ thống hỗ trợ hiệu quả nhất đối với chính phủ và xã hội Trung Quốc.

Vũ khí trọng yếu giúp TQ chèo lái 1.4 tỉ dân vượt dịch COVID-19 quyền năng đến mức nào? - Ảnh 2.

Xử lý ảnh: Bạch Quả

Trả lời phỏng vấn của Xinhua, ông Jin Jianmin - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo, Nhật Bản nhận định, chính phủ Trung Quốc và các công ty công nghệ thông tin đã phối hợp chặt chẽ với nhau để chống đại dịch COVID-19 và chuyển đổi các công nghệ kỹ thuật số với tốc độ nhanh hơn.

Theo ông Jianmin, từ năm 2019, kinh tế số đã bắt đầu đóng vai trò là động lực mới trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

"Trong cuộc chiến chống COVID-19, kinh tế số bắt đầu đóng một vai trò chưa từng có tiền lệ trong việc phổ biến thông tin nhanh chóng và chính xác, duy trì cuộc sống hàng ngày của người dân, các hoạt động kinh tế-xã hội, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như phục hồi các hoạt động kinh tế và công nghiệp" - ông Jin nói.

Ngoài những đóng góp công nghệ trong việc giúp chẩn đoán từ xa, giám sát đám đông, đảm bảo an ninh y tế, những công ty dựa trên nền tảng internet như tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ JD, công ty chuyển phát nhanh Shunfeng Express và nhiều ứng dụng thực phẩm tươi sạch đã cho thấy khả năng khắc phục tác động của bệnh dịch đối với hoạt động kinh tế.

Họ đã duy trì các hoạt động hiệu quả và cho phép người dùng ứng dụng trên khắp Trung Quốc có thể mua thực phẩm tươi sống, cùng nhu yếu phẩm hàng ngày mà không gặp phải bất cứ gián đoạn lớn nào trong giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chính phủ các nước đang khuyến khích người dân giảm các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt để hạn chế những tiếp xúc vật lý làm lây dan dịch bệnh thì hình thức mua hàng online, thanh toán qua các ứng dụng điện tử được đánh giá là đúng thời điểm.

Theo ông Lu Chuanying, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Quản trị Không gian Mạng toàn cầu - Viện nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, dịch SARS giai đoạn 2002-2003 đã thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử tại Trung Quốc và dẫn tới sự khởi đầu của một loạt các biểu tượng mua sắm online như JD.

"Có nhiều lý do để tin rằng COVID-19 sẽ trở thành một bước ngoặt quan trọng của kinh tế số Trung Quốc, trong đó sẽ có các nhu cầu mới, bất ngờ đối với các công nghệ mới nổi" - ông Lu nêu quan điểm.

Vũ khí trọng yếu giúp TQ chèo lái 1.4 tỉ dân vượt dịch COVID-19 quyền năng đến mức nào? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại