Tờ Financial Times (trụ sở tại London) đăng tải bài viết nhận định, sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới do đại dịch COVID-19 đang bắt đầu gợi cảm giác như năm 2008 lặp lại. Giá cổ phiếu đã sụt giảm. Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái và nguy cơ thất nghiệp gia tăng.
Một lần nữa, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và những phía liên quan khác đang đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu Trung Quốc có thể hồi sinh nền kinh tế thế giới hay không?
Trung Quốc và thế giới đang ở vị trí rất khác so với 2008...
Trong số những nền kinh tế hàng đầu hiện nay thì Trung Quốc - nơi được cho là khởi nguồn đại dịch COVID-19- dường như đang tiến tới giai đoạn phục hồi đầu tiên.
Các chỉ số quan trọng như lượng bất động sản bán được, sản lượng than đá được sử dụng trong các nhà máy điện và mức tắc nghẽn giao thông đều đang tăng lên, cho thấy ít nhất có một sự phục hồi nhất định trong cầu kinh tế.
Song, thực tế không mấy dễ chịu là Trung Quốc - và cả thế giới - đang thấy mình đứng ở những vị trí rất khác so với khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra.
Bắc Kinh khi ấy đã đưa thế giới trở lại đà tăng trưởng bằng cách tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 590 tỷ USD, tương đương với 13% GDP của Trung Quốc trong năm 2008.
"Bazookas" là một thuật ngữ do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đưa ra vào năm 2008 và kể từ đó được áp dụng khi đề cập tới những chương trình hỗ trợ các lĩnh vực công trên quy mô lớn.
Mục đích của các chương trình này là nhằm cung cấp các nguồn tài chính có sẵn (được ví như hỏa lực mạnh mẽ) để kích thích phản ứng thị trường bổ sung.
Nguồn: Nghiên cứu của ngân hàng De Nederlandsche (Hà Lan)
Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản chỉ "bơm" một khoản tương đối khiêm tốn, lần lượt là 153 tỷ USD và 100 tỷ USD, vào thị trường nội địa (dù có quy mô lớn hơn Trung Quốc) của họ.
Những ai đang hy vọng điều tương tự năm ấy lặp lại có thể sẽ phải thất vọng, bởi một sự thật đơn giản: Trung Quốc đã chất đống quá nhiều khoản nợ trong 12 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tới mức nước này không có đủ khả năng trang trải cho một "bazookas" khác.
Bắc Kinh dường như cũng không trong tâm thế sẵn sàng như năm 2008 để có thể coi vấn đề của thế giới như là vấn đề của chính mình.
Theo tổ chức tư vấn Rhodium, tổng tài sản có của ngân hàng (bank assets) tại Trung Quốc đã tăng 4,5 lần kể từ năm 2008, lên mức 41.8 nghìn tỷ vào cuối năm 2009 - tương đương 1/2 GDP toàn cầu. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ - điều đó có nghĩa là phần lớn thập kỷ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc có được là do "vay mượn".
Bắc Kinh coi đó là ưu tiên chính sách để giảm mức tăng trưởng tín dụng. Vì thế, nếu bây giờ chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ra sắc lệnh kích thích kinh tế bằng tín dụng quy mô lớn thì sẽ chẳng khác nào phá vỡ nguyên tắc cơ bản trong cẩm nang kinh tế.
Những tuyên bố từ các quan chức khác cũng dường như cho thấy Trung Quốc không mấy mặn mà với phương án kích thích kinh tế quy mô lớn. Trong tháng Ba, truyền thông Trung Quốc dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết: "Những biến đổi trong tăng trưởng kinh tế không nghiêm trọng lắm, miễn là tình trạng việc làm ổn định trong năm nay".
... Nhưng số phận của Trung Quốc liên kết với số phận của thế giới
Tuy nhiên, theo Financial Times, Trung Quốc cần nhận ra rằng, số phận của họ có sự liên kết với số phận của thế giới.
"Bất kể mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở nên tồi tệ như thế nào, và bất kể họ đã phẫn nộ tới mức nào khi bị quy kết là khởi nguồn bùng phát đại dịch COVID-19 thì lợi ích cá nhân vẫn đòi hỏi Bắc Kinh phải chuẩn bị đón nhận một vai trò quan trọng trên con đường hồi sinh kinh tế thế giới" - Tờ báo Anh viết.
Có lẽ những cam kết "hợp tác" mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đã nhất trí trong cuộc đàm thoại gần đây là một dấu hiệu tích cực.
(Xử lý ảnh: Bạch Quả)
Nếu "bazookas" tín dụng là phương án không thể chấp nhận được thì vẫn còn có những phương án khác. Trung Quốc có thể ghi vào ngân sách một khoản thâm hụt tài khóa lớn hơn nhiều trong năm nay, cho phép họ mở rộng việc cắt giảm thuế xuyên khắp các ngành kinh tế.
Bắc Kinh cũng có thể đề nghị ngân hàng gia hạn các khoản nợ và không khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước sa thải người lao động. Bên cạnh đó, họ còn có thể đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường xây dựng nhà ở, lấy vốn thông qua việc yêu cầu chính quyền địa phương phát hành trái phiếu chính phủ.
Những biện pháp này chủ yếu nhằm hỗ trợ các cử tri nhưng chúng sẽ mang lại lợi ích hạn chế cho nhu cầu toàn cầu.
"Nếu muốn cho thấy vị thế lãnh đạo thực sự như đã từng thể hiện sau năm 2008, Trung Quốc nên tăng cường nhập khẩu và giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định so với đồng đô la Mỹ" - Financial Times viết.
Tờ báo Anh cho rằng, hệ quả của việc này - mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn (xảy ra khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn xuất khẩu) - sẽ là bằng chứng về sự đóng góp của Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế, và sẽ giúp Bắc Kinh khôi phục danh tiếng của họ sau những bước đi sai lầm ban đầu khi để virus lây lan quá mạnh ở Vũ Hán.