Ngày 25/3/2020, Canada đã ban hành Đạo luật phản ứng nhanh chống Covid-19 (COVID-19 Emergency Response Act-CERA) với khoản cứu trợ 55 tỷ USD cùng nhiều điều khoản hỗ trợ khác. Trong đó có một điều khoản khá đặc biệt, đó là các hãng dược sẽ được cấp phép sản xuất thuốc bất chấp bản quyền nếu xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng do Covid-19.
Trước đó, những hình ảnh xấu xí về các siêu thị hết giấy vệ sinh, người dân đổ xô đi tích trữ hàng tại Canada đã lan truyền trên mạng. Gần đây, mọi người bắt đầu lo lắng về việc thiếu hụt dược phẩm. Truyền thông nước này đưa tin hàng dài người dân đã xếp hàng trước các cửa hiệu để tích trữ thuốc chống hen suyễn Ventolin hay các dòng Acetaminophen. Rất nhiều dược sĩ Canada đã cảnh báo người dân không nên trữ hàng tạo ra khủng hoảng thiếu dược phẩm và cuối cùng sẽ phải kích hoạt đoạt luật CERA.
Theo đó, các doanh nghiệp dược phẩm sẽ được sản xuất thuốc bất chấp bản quyền. Ngược lại, những doanh nghiệp giữ bản quyền thuốc sẽ được chính phủ trả tiền đền bù.
Những hình ảnh xấu xí về việc hết giấy vệ sinh ngày dịch tại Canada
Với đạo luật CERA, chính phủ Canada có thể yêu cầu các công ty sản xuất thuốc bất chấp bản quyền ngay lập tức mà không cần phải thương thảo với những doanh nghiệp giữ bản quyền. Thậm chí, đạo luật này còn chẳng thèm ghi rõ số tiền mà chính phủ sẽ đền bù cho doanh nghiệp giữ bản quyền là bao nhiêu.
Khi dược phẩm khan hiếm chẳng khác giấy vệ sinh
Quay ngược dòng lịch sử vào năm 1969, Canada cũng từng lâm vào tình trạng khủng hoảng dược phẩm do giá thuốc quá cao. Nguyên nhân chính là nhiều giấy phép bản quyền đã khiến giá thuốc bị đẩy lên cao trong khi nhiều công ty sản xuất bất lực do không đàm phán được với bên nắm giữ bằng sáng chế. Hệ quả là cung không đủ cầu.
Trước tình hình đó, chính phủ Canada đã vào cuộc khi cấp phép cho các công ty nội địa sản xuất thuốc cùng loại nhưng mang thương hiệu của riêng mình.
Thông thường, những doanh nghiệp có bản quyền sẽ được độc quyền kinh doanh dược phẩm cho đến khi hết hạn. Sau đó chúng sẽ được các công ty khác sản xuất rộng rãi với giá rẻ hơn và được gọi là thuốc gốc (Generic Drug).
Tuy nhiên chính phủ Canada đã cho phép các doanh nghiệp dược phá vỡ thế độc quyền này khi thị trường dược phẩm mất cân bằng một cách bất hợp lý.
Báo cáo năm 1984 cho thấy sau khi chính phủ vào cuộc, tổng hóa đơn thuốc hàng năm của nước này đã giảm 211 triệu USD, đem lại lợi ích lớn cho người dân. Điều đáng ngạc nhiên là các hãng dược nắm bản quyền lại chỉ mất có 3,1% thị phần. Nguyên nhân chính là khi giá thuốc giảm chung, bệnh nhân vẫn ưa thích những thương hiệu có tiếng hơn là những nhãn hàng mới.
Trên thực tế, báo cáo năm 1984 cho thấy việc chính phủ Canada cân bằng thị trường dược phẩm đã thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành công nghiệp dược, thậm chí sánh ngang với Mỹ.
Dẫu vậy, việc can thiệp này của chính phủ lại gây tổn hại không ít thì nhiều đến những tập đoàn dược đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Nguy hiểm hơn, chúng sẽ tạo tiền đề cho một loạt các nước khác noi theo.
Bởi vậy vào năm 1987, Liên đoàn các hãng dược của Mỹ đã vận động hành lang để ép Canada đồng ý điều khoản chấm dứt việc cấp phép sản xuất bất chấp bản quyền trong Hiệp định thương mại tự do song phương Mỹ-Canada.
Đến khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết vào năm 1993 thì câu chuyện thuốc giá rẻ bất chấp bản quyền tại Canada đã hoàn toàn đi vào dĩ vãng.
Tất nhiên, chính phủ Canada chưa bao giờ quên lợi ích của người dân. Vào năm 2001, trước rủi ro dịch bệnh than (Anthrax) do những kẻ khủng bố phát tán qua đường bưu thư xuất hiện, Canada đã sẵn sàng ban hành một lệnh sản xuất thuốc bất chấp bản quyền một lần nữa nhằm đề phòng một cuộc chiến sinh hóa học.
Thời kỳ đó, loại thuốc Ciprofloxacin được cho là dược phẩm tốt nhất trị bệnh than nhưng hãng Bayer nắm giữ bản quyền lại cho biết không thể đáp ứng đủ nguồn cung cho Canada. Đáp trả, Bộ trưởng y tế Canada thời đó là ông Alan Rock đã dự thảo sẵn một bản kế hoạch sản xuất bất chấp bản quyền.
May mắn thay, chính phủ Canada chưa bao giờ phải sử dụng đến chúng do dịch bệnh than không bị lan rộng.
Không riêng gì Canada, nhiều nước đang phát triển cũng đã đề nghị Tổ chức thương mại thế giới (WTO) xem xét đạo luật sản xuất bất chấp bản quyền vào năm 2001 khi dịch AIDS bùng phát mạnh còn thuốc điều trị HIV lại quá đắt đỏ.
Hiệu lực giới hạn
Quay trở lại câu chuyện đạo luật CERA, chính phủ Canada không muốn chèn ép các hãng dược nắm bằng sáng chế nên bất kỳ lệnh sản xuất thuốc bất chấp bản quyền nào cũng sẽ chỉ có hiệu lực 1 năm nếu được sử dụng và không có bất kỳ lệnh mới nào được phép ban hành sau ngày 30/9/2020.
Trên thực tế, chuyện thiếu thuốc hoặc giá dược phẩm cao tại Canada đã tồn tại nhiều thập niên kể từ khi chính phủ chấp nhận ký vào Hiệp định NAFTA với điều khoản không sử dụng lệnh sản xuất thuốc bất chấp bản quyền. Chi tiêu của người dân cho dược phẩm năm 2018 tại Canada đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước đó.
Tuy nhiên, việc liệu chính phủ Canada có nên kích hoạt lệnh sản xuất thuốc bất chấp bản quyền mãi mãi không vẫn đang gây tranh cãi, nhất là khi đại dịch Covid-19 hoành hành khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp đang phải lao đao.
Nhiều doanh nghiệp dược tại Canada ủng hộ quy định này bởi chúng không chỉ thúc đẩy doanh số ngành dược nội địa mà còn có thể cứu sống người dân. Tất nhiên, những tập đoàn dược đa quốc gia của Mỹ sẽ là những người không vui nhất nếu chúng được áp dụng.