Đức "dập dịch trước rồi lo ngân sách sau": Bơm tiền ào ạt giải cứu từ doanh nghiệp đến người lao động

Thu Ngọc |

Sau một thập kỷ tuân thủ nghiêm ngặt về các quy định của chính sách tài khóa tại Châu Âu, Đức đã thông qua chương trình cứu trợ kinh tế lớn để giảm bớt thiệt hại do dịch COVID-19.

Thượng viện Đức hôm 27/3 thông qua gói cứu trợ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mở đường cho việc giải ngân 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hiện đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch.

Dưới đây là các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ gói cứu trợ này

Lĩnh vực phúc lợi xã hội

Việc trục xuất người thuê nhà do không trả tiền thuê nhà sẽ bị cấm từ ngày 1/4-30/9. Không ai cần phải chứng minh việc mình không có tiền thuê nhà.

Trong đơn xin trợ cấp xã hội Hartz IV, chính phủ sẽ ngừng kiểm tra các khoản tiền thuê nhà và kiểm toán tài sản trong 6 tháng.

Chính phủ sẽ nới lỏng các quy định về giảm giờ làm giúp cho doanh nghiệp giữ chân được người lao động thay vì sa thải hàng loạt. Đồng thời, 1,2 triệu người dân sẽ nhận được trợ cấp thu nhập cơ bản.

Từ nay tới cuối tháng 6, người Đức bị mất việc do dịch COVID-19 sẽ được miễn làm các bài kiểm tra khi nhận trợ cấp thất nghiệp. Đối với các gia đình bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chính phủ có kế hoạch hỗ trợ việc chăm sóc con nhỏ như chỉ kiểm tra thu nhập của tháng trước đó thay vì 6 tháng trước. Các phụ huynh cũng sẽ nhận được những hỗ trợ từ chính phủ.

Đức dập dịch trước rồi lo ngân sách sau: Bơm tiền ào ạt giải cứu từ doanh nghiệp đến người lao động - Ảnh 1.

Một bảng hiệu ở Berlin với khuyến cáo người dân ở trong nhà (Ảnh: DPA)

Trợ cấp cho người lao động

Khi giờ làm bị cắt giảm do dịch bệnh lây lan, chính quyền Berlinh đã hỗ trợ tiền mặt nhằm tăng thu nhập cho người lao động. Hình thức cứu trợ này đã được đánh giá cao trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 khi nó giúp cho giữ lại rất nhiều việc làm cho người lao động.

Theo ước tính của chính phủ, hơn 2 triệu người Đức sẽ bị cắt giảm giờ làm do dịch bệnh, vượt xa số người bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng cách đây hơn 1 thập kỉ. Chi phí của hình thức cứu trợ này là hơn 10 tỉ euro.

Trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ

Hỗ trợ tài chính trực tiếp: Chính phủ Đức thông báo sẽ cung cấp 50 tỉ euro cho các doanh nghiệp nhỏ và cá thể kinh doanh như nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia hay người cung cấp dịch vụ chăm sóc.

Phụ thuộc vào số lượng nhân viên, các công ty sẽ nhận được tôi đa 15.000 euro để duy trì hoạt động. Cùng lúc đó, những người làm nghề tự do nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ không bị bắt buộc phải tìm việc mới.

Trợ cấp cho doanh nghiệp cỡ trung

Đối với các doanh nghiệp cỡ trung, ngân hàng phát triển quốc gia KfW sẽ cung cấp một chương trình tín dụng không giới hạn.

Chính phủ liên bang sẽ sử dụng hàng tỉ euro đảm bảo cho các khoản vay và trả nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn được giãn đóng thuế.

Trợ cấp cho doanh nghiệp lớn

Theo bộ trưởng kinh tế Peter Altmaier, nước Đức cần tránh việc “bán tháo” các đầu tàu kinh tế.

Do đó, chính phủ muốn đảm bảo các doanh nghiệp trụ cột tiếp tục hoạt động sau khi dịch bệnh qua đi thông qua việc tạo ra 1 quỹ “bình ổn kinh tế” trị giá 600 tỉ euro, trong đó 400 tỉ euro để đảm bảo khoản nợ của các doanh nghiệp, 100 tỉ euro dùng cho vay hoặc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp gặp khó khăn và 100 tỉ euro còn lại được cấp cho ngân hàng đầu tư quốc gia KfW.

Các doanh nghiệp còn được hoãn các nghĩa vụ nộp thuế để tăng tính thanh khoản.Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 là du lịch và dịch vụ sẽ được nhận các khoản hỗ trợ tiền mặt thay vì các khoản bảo đảm.

Hãng hàng không Lufthansa sẽ phải hủy gần 90% số chuyến bay trong những tuần tới và công ty điều hành tour du lịch TUI đã phải nộp đơn xin trợ cấp.

Tăng cường vay nợ

Để tăng cường sức mạnh tài chính và bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách chính phủ do suy giảm kinh tế, nước Đức có kế hoạch năm nay sẽ vay nợ khoảng 156 tỉ USD.

Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz nói, “Chúng ta sẽ sử dụng mọi biện pháp để đảm bảo cung cấp đủ dịch vụ y tế cho người dân và sự vận hành của nền kinh tế”

Không chỉ tạm bãi bỏ chính sách không vay nợ trong nhiều năm qua, nước Đức quyết định bỏ qua quy định về mức trần thâm hụt ngân sách, điều đã được ghi trong hiến pháp năm 2009. Theo tinh thần của thủ tướng Đức Angela Merkel, “Dập dịch trước đã rồi sẽ tính toán xem ngân sách đang ở tình trạng nào sau”.

Hỗ trợ tiền mặt cho hệ thống bệnh viện

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố hôm 23/3 rằng chính phủ sẽ hỗ trợ 10 tỉ euro cho lĩnh vực then chốt này.

Nhờ các khoản tiền này, bệnh viện trên toàn quốc hiện đang có công suất 25.000 giường sẽ mua thêm giường bệnh và thiết bị y tế như máy thở để tăng cường khả năng cứu chữa.

Ngoài ra, khoản tài chính này còn để chi trả thêm lương cho bác sĩ, y tá, sinh viên và các nhân viên y tế về hưu đã tham gia trong cuộc chiến chống lại virus corona.

Đức dập dịch trước rồi lo ngân sách sau: Bơm tiền ào ạt giải cứu từ doanh nghiệp đến người lao động - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại