"Bổn cũ soạn lại", Nga chốt xong "luật chơi" ở Idlib: Thổ Nhĩ Kỳ đánh cũng dở, không đánh cũng không xong?

Mạnh Kiên |

Với quyết tâm từ phía Nga, điều chắc chắn là Thổ Nhĩ Kỳ đang trong một tình huống khó xử, khi nước này hành động cũng sẽ bị chỉ trích mà không hành động cũng không xong.

Gót chân Asin của Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình ở Idlib, Syria tiếp tục biến động, bất chấp lệnh ngừng bắn mong manh được nhất trí giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 5/3.

Các nhóm thánh chiến mà Ankara duy trì một sự kết nối nhất định trong khu vực vẫn là gót chân Asin của nước này trong các thỏa thuận với Nga về Idlib.

Các nhóm này cũng gây ra một trở ngại cho Thổ Nhĩ Kỳ khi nỗ lực đạt được các mục tiêu trước mắt tại tỉnh này. Mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ là thiết lập các khu vực an toàn để ngăn làn sóng tị nạn của hàng triệu người.

Vấn đề người tị nạn đã trở thành gánh nặng lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ giữa bối cảnh họ phải đối mặt với nhiều vấn đề và bất ổn tài chính do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Lập trường của Nga đã không thay đổi. Moscow khẳng định rằng các nhóm thánh chiến ở Idlib phải bị loại bỏ trước khi các hoạt động quân sự cuối cùng của quân đội Syria chấm dứt.

Mục tiêu chính của Nga là nhóm khủng bố Hayat Tahrir al Sham (HTS). Hội nghị thượng đỉnh Moscow vào ngày 5/3 một lần nữa giao nhiệm vụ cho Ankara loại bỏ HTS và các nhóm liên quan khỏi Idlib.

HTS đã từ chối tuân thủ lệnh ngừng bắn đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Moscow. Nga cho biết HTS cũng là nhóm có hành động cản trở cuộc tuần tra chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trên đường cao tốc M4 chiến lược.

Ankara từng được giao nhiệm vụ tương tự theo tiến trình Astana trước đây, nhưng đã thất bại. Chính sự thất bại này đã dẫn đến cuộc đối đầu gần đây giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib và cuộc đụng độ với quân đội Syria khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Sau nhiều lần không thành công nói trên, câu hỏi đặt ra là liệu Ankara có còn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này ở thời điểm hiện tại hay không.

Cây bút Fehim Tastekin của tờ Al-Monitor đã nhấn mạnh sự miễn cưỡng của Ankara trong việc ứng phó các nhóm thánh chiến tại Idlib, khi trước đây chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cáo buộc là có sự liên quan không nhỏ tới các nhóm này.

Trong động thái mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã có sự đáp trả nhanh chóng hành động khiêu khích nói trên và các chiến binh HTS gây hấn đã bị vô hiệu hóa ngay lập tức.

Giới quan sát đang tự hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng ở Idlib sẽ là cuộc đối đầu giữa các nhóm thánh chiến và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ?

Đánh hay không đánh?

Bổn cũ soạn lại, Nga chốt xong luật chơi ở Idlib: Thổ Nhĩ Kỳ đánh cũng dở, không đánh cũng không xong? - Ảnh 2.

Nga không cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lựa chọn.

Hội nghị thượng đỉnh Moscow đã chấm dứt các cuộc đụng độ ở Idlib trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích tin rằng lệnh ngừng bắn rất mong manh này sẽ sụp đổ do các cuộc tấn công của HTS và sự trả đũa từ các lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn.

Đã có những báo cáo về các cuộc giao tranh lẻ tẻ ở Idlib trong những ngày gần đây.

Moscow vẫn kiên quyết mục tiêu cần phải loại bỏ HTS khỏi Idlib. Trong tất cả các thỏa thuận với Ankara kể từ hội nghị thượng đỉnh Astana đầu tiên vào tháng 1/2017, Nga đã tuyên bố rằng HTS và các nhóm tương tự sẽ nằm ngoài bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào và vẫn là mục tiêu tấn công hợp pháp của nước này.

Với quyết tâm từ phía Nga, không rõ Ankara sẽ có kế hoạch tiếp cận vấn đề này như thế nào. Điều chắc chắn là Thổ Nhĩ Kỳ đang trong một tình huống khó xử, khi nước này hành động cũng sẽ bị chỉ trích mà không hành động cũng không xong.

Nếu quyết định mở cuộc chiến với HTS – nhóm đang kiểm soát một vùng rộng lớn phía tây bắc Syria - có khả năng Ankara phải trả giá đắt cho các thương vong dân sự và quân sự.

Al-Monitor dẫn lời nhà phân tích quân sự Naim Baburoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể thực hiện một chiến dịch quy mô lớn chống lại HTS hoặc các nhóm liên quan.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Cumhuriyet, nhà phân tích Baburoglu lập luận rằng một hoạt động như vậy sẽ không chỉ dẫn đến làn sóng người tị nạn mới tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn cho phép các phần tử khủng bố lẻn vào Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tuy nhiên, các cuộc tấn công chính xác có thể được sử dụng cùng với các chiến binh đối lập mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, chống lại các nhóm cực đoan", Baburoglu nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, có những rủi ro trong việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công HTS, khi nhóm này có thể thực hiện hành vi trả đũa hoặc phá quấy ngược lại vào lực lượng Syria. Do đó, Moscow dường như không hứng thú với phương pháp này.

Ngoài ra, làm thế nào để thuyết phục các nhóm đối lập tham gia cùng Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chống lại HTS cũng là một điều không rõ ràng.

Cây bút Sedat Ergin chỉ ra vấn đề nan giải khác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

"Nếu mục đích của thỏa thuận Moscow ngày 5/3 không được thực hiện do sự cản trở của HTS và các nhóm cực đoan khác, thì Nga có thể lặp lại chiến thuật từng sử dụng trong quá khứ", Ergin viết trên tờ Hurriyet .

" Nga sẽ không đợi quá lâu để tiếp tục nói rằng họ không thể chung đụng với những nhóm khủng bố này và bắt đầu một chiến dịch quân sự toàn diện, kích hoạt làn sóng người tị nạn mới", Ergin lập luận.

Ở thời điểm hiện tại, Ankara đang tiếp tục gửi các thiết bị quân sự hạng nặng và quân tiếp viện tới Idlib sau hội nghị thượng đỉnh Moscow. Điều này cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ luôn chuẩn bị cho khả năng nối lại hoạt động quân sự sau thỏa thuận ngừng bắn.

Những cơn đau đầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib dường như còn rất lâu mới kết thúc, tờ Al-Monitor nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại