Thông điệp xúc động của một bác sĩ Italy giữa cơn "sóng thần" COVID-19: Mong mọi người hãy biết xót thương nhau

Hồng Anh |

Bác sĩ Daniele Macchini đã có chia sẻ rất chân thành về tình hình dịch bệnh tại Italy, kèm theo đó là lời cảnh tỉnh đối với những người vẫn còn thái độ chủ quan trước dịch bệnh.

Tính đến 15h ngày 11/3, số ca nhiễm COVID-19 tại Italy đã vượt con số 10.100 người; số ca tử vong tăng lên 631 người. Italy đã chính thức trở thành quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bác sĩ người Italy Daniele Macchini - hiện đang công tác tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni - đã quyết định phá vỡ sự im lặng và đăng tải một bài chia sẻ tâm huyết về dịch bệnh trên Facebook cá nhân vào ngày 7/3 (trước khi Italy quyết định phong tỏa toàn quốc), trong đó có chi tiết so sánh COVID-19 "giống như một cơn sóng thần đã cuốn trôi tất cả chúng ta".

Sau đây là nội dung (lược dịch) của bài viết trên.


Một trong những email mà tôi thường xuyên nhận được từ khoa của mình trong những ngày gần đây có đoạn nói về "thực thi trách nhiệm xã hội", cùng với một số gợi ý cụ thể.

Sau khi suy nghĩ hồi lâu về việc có nên viết và nên viết gì về điều đang xảy ra với chúng ta, tôi cảm thấy rằng việc im lặng rõ ràng là không có trách nhiệm. Vậy nên, tôi sẽ cố gắng chia sẻ để những người không làm việc trong ngành y và chưa hiểu rõ tình hình nắm bắt được những điều chúng tôi đang trải qua ở Bergamo* trong thời dịch COVID-19.

Tôi hiểu rằng mọi người không nên lo sợ, nhưng trước khi những người vẫn tụ tập, vẫn phàn nàn về chuyện không được đi tập gym hay xem giải đấu bóng đá kia hiểu được sự thật về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thì tôi vẫn cảm thấy run sợ.

Tôi cũng hiểu rõ dịch bệnh này có thể gây tổn hại tới nền kinh tế ra sao, và tôi cũng lo lắng về điều đó. Sau khi dịch bệnh qua đi, thì bi kịch khác sẽ đến. Tuy nhiên, ngoài việc COVID-19 ảnh hưởng đến hệ thống y tế của Italy trên khía cạnh kinh tế, thì tôi cũng muốn nhấn mạnh về sự tàn phá của dịch bệnh đối với sức khỏe con người.

[...]

"Hãy đối diện với sự thật"

Nhìn lại khoảng thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào tuần trước, tôi cũng tự thấy rùng minh: Chỉ một tuần trước thôi, khi "kẻ thù" của chúng ta vẫn ẩn mình trong bóng tối, toàn thể đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện của chúng tôi đã được lệnh chuẩn bị các phòng trống, khử trùng, thêm giường bệnh để chuẩn bị cuộc chiến. Các xe cứu thương được điều thẳng đến trước phòng cấp cứu nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo.

Tất cả những hoạt động chuẩn bị hết sức khẩn trương và thầm lặng này đã đem đến cho bệnh viện một không khí tĩnh lặng, vắng vẻ một cách siêu thực mà chúng tôi khó có thể hiểu được. Tất cả chúng tôi đều chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với một cuộc chiến vẫn chưa bắt đầu, và nhiều người (trong đó có cả tôi) không thể ngờ rằng cuộc chiến ấy sẽ có sức tàn phá kinh khủng đến vậy.

[...]

Tôi vẫn nhớ ca trực đêm của mình trong tuần trước. Cả một đêm tôi không thể nào chợp mắt để chờ đợi kết quả xét nghiệm của bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên được bệnh viện của chúng tôi tiếp nhận. Tôi đã suy nghĩ về những hậu quả mà khoa của tôi phải đối mặt nếu điều đó là sự thật. Vào thời điểm đó, tôi đã thoáng nghĩ rằng nỗi lo của mình thật nực cười, nhưng giờ đây tôi đã thực sự chứng kiến những điều đang xảy ra.

Tình hình hiện tại, phải nói là rất kịch tính. Cuộc chiến tranh đã nổ ra - theo đúng nghĩa đen - và những trận chiến của chúng tôi kéo dài liên miên, cả ngày lẫn đêm.

Ngày càng có nhiều ca bệnh khốn khổ kéo đến các phòng cấp cứu. Họ nói rằng họ có triệu chứng cúm. Nhưng mọi người hãy dừng ngay việc nói đó là bệnh cúm. Trong vòng 2 năm công tác tại Bergamo, tôi biết rằng người dân địa phương không hay đến phòng cấp cứu. Lần này họ đã làm theo chỉ dẫn của chính quyền: Tự cách ly tại nhà từ 7-10 ngày khi bị sốt, nhưng giờ họ không thể chịu đựng được nữa. Họ cảm thấy khó thở, cảm thấy mình như bị thiếu oxy.

Hiện tại, loại virus này vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Những loại thuốc có thể tạm thời khống chế loại virus này không có nhiều, việc khỏi bệnh chủ yếu phụ thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ khi họ không thể chịu đựng được nữa.

Nhiều người hy vọng rằng cơ thể của chúng ta có thể tự chống chọi và loại bỏ virus, nhưng hãy đối diện với sự thật. Các loại thuốc kháng virus vẫn đang được thử nghiệm trong việc điều trị [COVID-19] và mỗi ngày chúng tôi lại có thêm kiến thức về hành vi của virus corona. Và việc mọi người tự cách ly tại nhà cho đến khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn không khiến tiên lượng về bệnh thay đổi.

Vấn đề tiếp theo là tình trạng thiếu thốn giường bệnh. Tại những khoa được chuẩn bị từ trước, từng giường bệnh đã được lấp đầy với tốc độ kinh hãi. Nếu như những tấm biển tên của bệnh nhân trước đây được phân loại theo từng màu của mỗi khoa, thì giờ đây biển tên nào cũng là màu đỏ, với thông tin của người bệnh là viêm phổi kẽ 2 bên.

Thông điệp xúc động của một bác sĩ Italy giữa cơn sóng thần COVID-19: Mong mọi người hãy biết xót thương nhau - Ảnh 3.

Ảnh: ANSA

Mọi người hãy nói cho tôi biết, liệu có loại cúm nào gây bệnh nặng đến vậy hay không? Đó là chính là sự khác biệt (sau đây là một số thông tin liên quan đến chuyên môn): nếu là bệnh cúm thông thường, thì quy mô lây nhiễm nhỏ hơn trong vòng vài tháng, và việc biến chủng rất hiếm gặp. Chỉ khi virus cúm phá hủy được các hàng rào bảo vệ trong đường hô hấp của chúng ta, thì các loại vi khuẩn thường trú trong cơ thể mới có thể xâm nhập vào phế quản và phổi, gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, COVID-19 tác động nhẹ ở người trẻ, nhưng đối với nhiều trường hợp người cao tuổi thì nó còn nguy hiểm hơn virus SARS, vì virus corona chủng mới xâm nhập thẳng vào phế nang của phổi và tấn công các tế bào, khiến phổi không thể thực hiện chức năng của mình, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng.

Xin lỗi khi phải nói ra điều này, nhưng trên cương vị là một bác sĩ, tôi chẳng thể đảm bảo với bạn rằng đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chủ yếu là người cao tuổi, có sẵn bệnh trong người. Số người cao tuổi ở nước ta rất nhiều, và rất hiếm có người nào trên 65 tuổi mà không có bệnh trong người, cao huyết áp hay tiểu đường chẳng hạn.

Tôi đảm bảo rằng khi các bạn chứng kiến cảnh tượng những người trẻ tuổi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, hoặc tệ hơn nữa là phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo), thì bạn sẽ không thể bình chân như vại tin tưởng vào giả thuyết về người trẻ tuổi ít mắc COVID-19 được nữa.

Và trong khi có nhiều người tự hào khoe trên mạng xã hội rằng họ không sợ, họ cố tình phớt lờ những lời chỉ dẫn, phàn nàn rằng cuộc sống bình thường của họ đang "tạm thời" lâm vào khủng hoảng, thì thảm họa dịch tễ học đang xảy ra.

Và chẳng còn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, chỉnh hình, tất cả các y bác sĩ chúng tôi bỗng nhiên trở thành một đội - cùng nhau chiến đấu với cơn sóng thần ập xuống tất cả chúng ta. Các ca nhiễm ngày càng nhiều lên, có khi một ngày bệnh viện chúng tôi tiếp nhận đến 15-20 ca cùng chung một lý do. Sau đó, kết quả xét nghiệm của họ cũng giống nhau, đều là dương tính. Và đột nhiên khoa cấp cứu trở nên quá tải.

Chúng tôi đã tổ chức họp khẩn, nhân sự được điều động tối đa để trợ giúp công việc ở khoa cấp cứu. [...] Các bệnh nhân nhập viên luôn có biểu hiện giống nhau: sốt và khó thở, sốt và ho, suy hô hấp v.v... Các phim chụp X-quang luôn cho ra kết quả tương tự, đó là viêm phổi kẽ hai bên. Tất cả những trường hợp này đều phải nhập viện. Một số người được đặt ống nội khí quản vào được chuyển đến khoa chăm sóc đặc biệt. Nhưng đối với một số người thì đã quá muộn...

[...]

Những khoa bệnh trước đây thường vắng người, giờ đều quá tải. Bệnh nhân kiệt quệ. Tất cả các nhân viên y tế đều nỗ lực hết sức để chăm sóc người bệnh, nhưng tất cả đều kiệt sức. Tôi đã tận mắt thấy sự mệt mỏi trên gương mặt của các đồng nghiệp mà trước đây tôi chưa từng thấy, dù trước đây chúng tôi cũng rất vất vả. Tôi cũng tận mắt chứng kiến nhiều người tình nguyện làm việc thêm giờ dù đã hết ca trực.

Tôi đã chứng kiến sự đoàn kết giữa tất cả mọi người. Các bác sĩ làm đủ mọi việc, từ thay giường bệnh, chuyển bệnh nhân, những công việc thường ngày của y tá. Nhiều y tá làm việc với đôi mắt rưng rưng khi chúng tôi không thể cứu chữa cho tất cả mọi người, hay khi các chỉ số của một số bệnh nhân cho thấy những người đó đã tận số...

Thông điệp xúc động của một bác sĩ Italy giữa cơn sóng thần COVID-19: Mong mọi người hãy biết xót thương nhau - Ảnh 5.

Bài viết được bác sĩ Daniele Macchini đăng tải trên Facebook cá nhân.

"Chúng tôi đâu phải anh hùng"

Chẳng còn lịch trực, chẳng còn ca kíp. Chúng tôi cũng chẳng còn cuộc sống bình thường với gia đình hay các mối quan hệ xã hội.

Trước đây tôi từng xa nhà vài tháng liền, và tôi luôn đảm bảo có thể thường xuyên về gặp con trai khi được nghỉ trực, dù tôi có phải thức trắng đêm. Thế nhưng trong vòng 2 tuần qua, tôi đã tự nguyên không gặp gỡ gia đình, không gặp gỡ con trai vì sợ sẽ lây bệnh cho người thân, đặc biệt là những người cao tuổi trong nhà.

Tôi vẫn ổn khi được thấy ảnh con trên điện thoại hay qua các cuộc gọi video mà tôi chẳng thể kìm nổi nước mắt.

Vì vậy, mong bạn cũng hãy kiên nhẫn. Bạn có thể tạm thời không đến nhà hát, bảo tàng hay phòng gym. Nhưng hãy động lòng xót thương cho những người cao tuổi có nguy cơ lây bệnh, có nguy cơ bị cướp đi mạng sống. Tôi biết đó không phải lỗi của các bạn, nhưng tôi muốn nhắn nhủ tới những người vẫn còn suy nghĩ rằng tình hình hiện tại là "thổi phồng", hay nghĩ rằng bài viết của tôi là "làm quá", đặc biệt là đối với những người ở cách xa tâm dịch. Làm ơn, hãy lắng nghe chúng tôi, làm ơn chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Mọi người đừng đến những nơi có đông người mua đồ tích trữ ở siêu thị, đây là nơi tồi tệ nhất, vì các bạn có nguy cơ lây nhiễm virus từ những người lạ trong đám đông. Hãy cứ đi mua đồ theo lịch bình thường.

Bạn có thể đeo loại khẩu trang bình thường, không cần tìm loại chuyên dụng như ffp2 hay ffp3. Đó là loại khẩu trang dành cho bác sĩ, và chúng tôi đang dần cạn kiệt nguồn khẩu trang chuyên dụng. Giờ đây chúng tôi đã bắt đầu phải tối ưu hóa việc sử dụng khẩu trang chuyên dụng, chỉ dùng trong một số trường hợp nhất định bởi WHO đã cảnh báo rằng loại khẩu trang này có thể cạn kiệt trong nay mai.

Vâng, và do thiếu thốn thiết bị y tế, tôi và các đồng nghiệp của mình chắc chắn bị phơi nhiễm với virus, dù chúng tôi đã mặc đồ bảo hộ. Một số đồng nghiệp của tôi đã nhiễm bệnh dù làm theo hướng dẫn. Một số đồng nghiệp nhiễm bệnh đã lây cho các thành viên trong gia đình, và một số người thân của họ hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Tôi nói những điều này là để các bạn có ý thức thận trọng hơn. Hãy khuyên người thân của mình, đặc biệt là những người cao tuổi và có sẵn bệnh trong người, cố gắng ở trong nhà. Hãy mang thực phẩm và nhu yếu phẩm đến cho họ.

Các bác sĩ như chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Đây là công việc của chúng tôi. Thực tế, những điều tôi đang làm trong những ngày gần đây không hẳn là chuyên môn của tôi, nhưng tôi vẫn làm việc này, miễn là tôi vẫn tuân theo nguyên tắc của nghề: cố gắng chữa trị cho người bệnh, nếu không thì cũng cố gắng làm giảm sự đau đớn và thống khổ của người bệnh trong những giờ phút cận kề cái chết.

Tôi không muốn nói quá nhiều về những người gọi chúng tôi là "anh hùng" trong những ngày gần đây, hay những người cho đến hôm qua vẫn xúc phạm chúng tôi. [...] Chúng tôi đâu phải anh hùng, đó chỉ là công việc, là nhiệm vụ của chúng tôi mà thôi.

Trước đây chúng tôi cũng từng mạo hiểm vì những thứ tồi tệ: khi trên tay chúng tôi là máu của một bệnh nhân không rõ có HIV hay viêm gan C hay không, khi chúng tôi phải uống những loại thuốc khiến bản thân nôn mửa từ sáng đến tối trong vòng 1 tháng để chữa trị cho bệnh nhân HIV; khi chúng tôi lo lắng tột độ khi chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến bản thân bị nhiễm bệnh.

Cuối cùng, chúng tôi chỉ muốn làm việc thiện, muốn bản thân trở nên hữu ích. Các bạn hãy cố gắng làm điều đó: nếu như hành động của chúng tôi quyết định mạng sống của vài chục người, thì các bạn có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn thế.


* Thành phố Bergamo có 122.000 cư dân sinh sống và chỉ cách Milan khoảng 45km về phía Đông Bắc. Thành phố này đã ghi nhận 1.245 ca nhiễm COVID-19, và là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh này.

Thông điệp xúc động của một bác sĩ Italy giữa cơn sóng thần COVID-19: Mong mọi người hãy biết xót thương nhau - Ảnh 11.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại