Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bắt đầu bùng phát mạnh hơn tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, khiến thị trường chứng khoán Mỹ, châu  và giá dầu mỏ "lao đao", thì Trung Quốc dường như đang nỗ lực chứng minh họ là một quốc gia ổn định về kinh tế và chính trị trên thế giới, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).
Sáng ngày hôm qua (10/3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố "tâm dịch" Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới địa điểm này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm ngoái.
SCMP cho biết, ngay sau khi thông tin về hoạt động của ông Tập được công bố, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi: Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 1,8%, và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,4% trong phiên giao dịch ngày 10/3; trái ngược với tình trạng lao dốc được ghi nhận tại nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới.
Cũng trong ngày 10/3, cổ phiếu được bán ra của các công ty có trụ sở tại Vũ Hán, trong đó bao gồm công ty Hubei Chutian Expressway và Yangtze Communications Industry tăng 10% so với ngày thường.
"Trung Quốc thực sự là 'anh hùng' trong thời điểm hiện tại"
Chuyến thị sát của ông Tập diễn ra chỉ vài giờ sau khi thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận cú lao dốc tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cùng với đó là giá dầu giảm mạnh. Theo SCMP, chuyến đi này cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn phát đi một tín hiệu rõ ràng về sự tự tin của nước này trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Sau khi có thông tin về các hoạt động của ông Tập tại Vũ Hán, thị trường chứng khoán tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh cũng bắt đầu phục hồi. Cụ thể, sáng 10/3 (giờ Mỹ), chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 3% so với ngày 9/3 vào thời điểm mở đầu phiên giao dịch; và chỉ số FTSE 100 của London tăng 2,6% vào đầu buổi chiều cùng ngày.
Sau cú lao dốc tại thị trường chứng khoán Mỹ, "Trung Quốc thực sự là 'anh hùng' trong thời điểm hiện tại", ông Hao Hong, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Bocom International, một ngân hàng đầu tư tại Hồng Kông, nhận định.
Theo ông Hong, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trở thành "ngọn hải đăng trong bóng đêm" khi những biện pháp kiểm dịch của nước này - bao gồm việc hạn chế di chuyển đối với hàng trăm triệu người dân nhằm kiểm soát sự lây lan của virus - đã đạt được thành công. Trong khi đó, là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường Trung Quốc cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Hôm 10/3 vừa qua, Trung Quốc (đại lục) chỉ ghi nhận thêm 19 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó bao gồm 17 trường hợp tại Vũ Hán và 2 trường hợp là người đến/trở về từ nước ngoài được phát hiện tại Bắc Kinh và Quảng Đông. Đây cũng là số người nhiễm COVID-19 trong ngày thấp nhất từng được nước này ghi nhận kể từ khi số liệu thống kê hàng ngày bắt đầu được công bố vào ngày 20/1.
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 mới tiếp tục tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, số người nhiễm bệnh tại các nước này có thể còn lớn hơn con số được công bố do nhiều trường hợp chưa được xét nghiệm.
Chiến thắng ban đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19 đã tiếp thêm niềm tin cho các nhà lãnh đạo của nước này về cách tiếp cận và phương pháp phản ứng tập trung, hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp.
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, Bắc Kinh đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm soát trên diện rộng như hạn chế công dân di chuyển và tạm thời đóng cửa các công ty trong diện có nguy cơ trên toàn quốc, đồng thời huy động các nguồn lực để nhanh chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến và sản xuất các mặt hàng vật tư y tế thiết yếu (như khẩu trang).
Bên trong một dây chuyền sản xuất và đóng gói khẩu trang tại Trung Quốc. Ảnh: Daniel Ren/SCMP
"50% cơ hội"
Dịch COVID-19 lây lan đến hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới đã gây gián đoạn đến các chuỗi cung ứng và đẩy thế giới gần hơn tới nguy cơ suy thoái toàn cầu. Hiện tại, các chính phủ và ngân hàng trung ương đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp kích thích nền kinh tế, trong khi chống chọi với dịch bệnh.
Còn Trung Quốc - với mức thâm hụt tài chính chỉ bằng 3% GDP và lãi suất cao hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác, có trong tay nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ để chống lại tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng, theo SCMP.
Để kiểm soát dịch COVID-19, Trung Quốc đã phải trả giá đắt khi các hoạt động kinh tế thông thường bị gián đoạn; tuy nhiên theo Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Nhân dân và cố vấn nội các chính phủ Trung Quốc, đã dự đoán rằng nước này có "50% cơ hội" tận dụng được thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh để vượt qua các nền kinh tế Mỹ và phương Tây.
"Các vấn đề mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt có thể tồi tệ hơn hồi năm 2008, nhưng tình hình ở phương Tây có thể còn tệ hơn nhiều so với thời điểm đó do sự phân cực về chính trị", ông Shi cho biết.
Theo SCMP, hơn 1 thập kỷ trước, những biện pháp kinh tế "mạnh tay" của Trung Quốc cũng đã cứu thế giới khỏi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Huo Jianguo, phó giám đốc của Hiệp hội Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới Trung Quốc, khẳng định rằng chiến dịch kiểm soát dịch COVID-19 đã chứng minh những thế mạnh của Trung Quốc:
"Năng lực quản lý rủi ro của Trung Quốc ngày càng được công nhận. Cụ thể, đối với dịch COVID-19, Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh này, trong khi virus corona tiếp tục lây lan rộng ở nước ngoài. Đứng trước tình trạng giá dầu giảm mạnh, Trung Quốc thu được nhiều hơn mất; và khi thị trường chứng khoán thế giới lao dốc, thì Trung Quốc vẫn nằm ngoài 'tâm bão'".
Mặc dù dịch COVID-19 ban đầu đã khiến Trung Quốc lộ một số nhược điểm, nhưng đó cũng là cơ hội để nước này chứng minh tiềm lực kinh tế, SCMP bình luận. Theo đó, hiện nay Trung Quốc có thể sản xuất 120 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày, trong khi trước khi dịch bệnh bùng phát, nước này chỉ có thể sản xuất 20 triệu chiếc khẩu trang mỗi ngày.
Sau khi chính quyền Trung Quốc quyết định phong tỏa tâm dịch Vũ Hán từ ngày 23/1, cả quốc gia này đã được huy động tham gia phòng, chống dịch và dần đưa tình hình vào tầm kiểm soát.
Trong khi đó, ông Tập cũng liên tục tái khẳng định và nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2020; cho thấy nước này vẫn còn hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,6% trong năm nay và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 10 năm (2010 - 2020).
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế là một phần quan trọng trong tầm nhìn về "xây dựng một xã hội toàn diện" - mục tiêu thế kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là bước đệm để ông Tập hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa".
Hôm thứ 6 tuần trước (6/3), ông Tập từng nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn cam kết thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn vào cuối năm 2020, dù thu nhập của nhiều người lao động nhập cư nghèo đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 tác động đến kinh tế:
"[Cam kết xóa đói giảm nghèo] là lời hứa nghiêm túc của Đảng đối với người dân Trung Quốc. Chúng ta phải thực hiện đúng tiến độ; không được phép lui bước hay thoái thác", nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định.