Quân đội Nga "đốt cháy giai đoạn" phát triển siêu xe tăng T-14 Armata: Đây là hậu quả?

Trịnh Ngọc Tiến |

Nước Nga đang phải trả giá cho sự "háo hức" vào năm 2015, với việc tạo ra siêu xe tăng T-14 Armata một cách vội vã theo ý chí chủ quan của PTTg Nga khi đó, ông Dmitry Rogozin?

Sự kiện siêu xe tăng T-14 Armata đầy hứa hẹn của Nga chậm chễ trong việc đưa vào biên chế với lý do thiếu kinh phí đã không thuyết phục được giới quân sự. Vậy đâu là lý do thực sự cho sự chậm chễ này?

Xe tăng T-14 Armata chỉ dùng để duyệt binh?

Những thông tin về một loại xe tăng thế hệ mới của Nga được công bố lần đầu tiên vào năm 2011; đến năm 2014, Phó Thủ tướng (PTTg) Nga khi đó là ông Dmitry Rogozin, một người không có kiến thức về vũ khí đã vội vã tuyên bố, một "siêu tăng" thế hệ thứ tư của Nga đã sẵn sàng bước vào trang bị cho Quân đội Nga;

Ngày 9 tháng 5 năm 2015, trong cuộc diễu hành mừng Chiến thắng phát xít trên Quảng trường Đỏ; khi chiếc xe tăng T-14 Armata lần đầu tiên xuất hiện công khai trước công chúng.

Đây là một trong những loại vũ khí mà dư luận thế giới quan tâm nhất trong cuộc diễu hành; và kể từ đó, chiếc T-14 chỉ được thể hiện thường xuyên trong các cuộc diễu hành, mà không thể đưa vào sản xuất hàng loạt.

Vào tháng 7 năm 2018, Yuri Borisov, người thay thế Rogozin làm Phó Thủ tướng phát biểu rằng: Quân đội Nga không thể trang bị T-14 ví số lượng lớn vì chi phí cao; thay vào đó, Nga sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp số xe tăng hiện có trong biên chế và trong kho dự trữ, vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Vào tháng 8 năm 2019, có tin nhà máy sản xuất Uralvagonzavod đã cung cấp cho Quân đội Nga 16 chiếc T-14 Armata với mục đích tiếp tục dùng để thử nghiệm vũ khí cũng như các tính năng khác và đến cuối năm 2021 sẽ bàn giao 132 chiếc T-14; tuy nhiên hợp đồng cung cấp số lượng lớn này khó có thể xảy ra.

Quân đội Nga đốt cháy giai đoạn phát triển siêu xe tăng T-14 Armata: Đây là hậu quả? - Ảnh 2.

Xe tăng T-14 Armata chỉ dùng để duyệt binh?

Chưa hoàn thiện về thiết kế, có quá nhiều lỗi chưa thể khắc phục

Việc chậm chễ đưa "siêu tăng" T-14 Armata vào biên chế cho thấy rằng, chiếc T-14 còn tồn tại quá nhiều lỗi chưa thể khắc phục, cũng như Nga quá vội vàng, dẫn đến việc "đốt cháy giai đoạn" trong quy trình phát triển một thế hệ xe tăng hoàn toàn mới; nhất là trong điều kiện Nga đang bị phương Tây cấm vận về công nghệ.

Việc nôn nóng của các nhà lãnh đạo Nga khi vội đưa chiếc T-14 xuất hiện công khai, khi quá nhiều chi tiết chưa hoàn thiện, dẫn đến việc "lợi bất cập hại", trực tiếp tạo sức ép cho các nhà thiết kế, nhà sản xuất cũng như cả giới lãnh đạo Quân đội Nga.

Để phát triển một phiên bản xe tăng mới, đòi hỏi sự nỗ lực của hàng chục doanh nghiệp cũng như các cơ sở nghiên cứu chuyên ngành, liên quan đến việc phát triển, thử nghiệm và sản xuất các bộ phận của một chiếc xe tăng.

Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả những bộ phận tham gia dự án, dưới sự hướng dẫn của phòng thiết kế xe tăng và tuân thủ nghiêm ngặt các giai đoạn phát triển và thử nghiệm nhất định. Chỉ một khâu, một bộ phận trục trặc, sẽ dẫn đến chậm chễ của toàn bộ dự án.

Tất cả các bộ phận của xe tăng phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm nghiêm ngặt tại các phòng thử chuyên dụng, sau đó mới được lắp ráp trên xe tăng và trải qua các cuộc thử nghiệm nội bộ của nhà máy, cuối cùng mới là các cuộc thử nghiệm do quân đội thực hiện ở các vùng có khí hậu, địa hình khác nhau;

Kết quả của các hoạt động thử nghiệm quân sự, là "tấm bằng" bảo đảm kết quả nghiên cứu và phát triển, có được tiếp tục sản xuất, hoặc phải khắc phục những lỗi kỹ thuật để có thể chính thức đưa vào biên chế.

Quân đội Nga đốt cháy giai đoạn phát triển siêu xe tăng T-14 Armata: Đây là hậu quả? - Ảnh 4.

Xe tăng T-14 Armata

Những quy trình trên mất rất nhiều thời gian và tốn nhiều kinh phí, tuy nhiên quy trình R&D (nghiên cứu và phát triển) của T-14 nhiều khâu đã bị bỏ qua; có thể thấy rõ nhất là việc phát triển động cơ cho T-14.

Theo kế hoạch, T-14 sẽ được trang bị động cơ với công suất lớn do Nhà máy sản xuất máy kéo Chelyabinsk phát triển; nhưng đến thời điểm hiện tại, theo tiết lộ của tời Lenta.ru (Nga), việc phát triển động cơ cho Armata vẫn dậm chân tại chỗ; lý do đó là Chelyabinsk chưa hoàn thiện về công nghệ, động cơ còn nhiều lỗi phải khắc phục.

Không chỉ động cơ, các hệ thống như truyền động, hệ thống quan sát của xe tăng T-14 Armata vẫn chưa hoàn thiện; cùng với đó là các dây chuyền để sản xuất những hệ thống này đến nay vẫn chưa được xây dựng; đó là nguyên nhân của sự chậm chễ.

Lãnh đạo của ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội Nga, thay vì lắng nghe những lời giải thích dễ hiểu về giai đoạn phát triển và thử nghiệm của Armata, họ chỉ quan tâm đến thời gian sớm đưa vào biên chế; mặc dù các bài kiểm tra cấp nhà nước đối với xe tăng T-14 Armata chưa hoàn thành.

Như vậy có thể khẳng định, việc một số hệ thống quan trọng của T-14 Armata chưa vượt qua các giai đoạn phát triển cũng như những thử nghiệm cần thiết; hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu về một thế hệ xe tăng thế hệ mới.

Theo những thông tin được công khai về xe tăng T-14 Armata, ngoài động cơ mới, T-14 còn được trang bị pháo tăng hoàn toàn mới; hệ thống ngắm và phòng thủ tích cực thế hệ mới, hệ thống radar, hệ thống kiểm soát thông tin và hệ thống kiểm soát liên kết chiến thuật.

Trong các hệ thống phức tạp như vậy, các trục trặc kỹ thuật thường phát sinh và cần có thời gian để giải quyết.

Quân đội Nga đốt cháy giai đoạn phát triển siêu xe tăng T-14 Armata: Đây là hậu quả? - Ảnh 6.

Xe tăng T-14 Armata

Phải làm gì?

Năm ngoái, một số ý tưởng "thụt lùi" đã được đưa ra, về khả năng lắp tháp pháo của xe tăng T-90M trên xe tăng Armata. Đây có phải là một "thất bại" trong việc phát triển Armata?

Tiếp đến hiện nay là động cơ cho Armata, trước đó đã có nguồn tin là mua động cơ xe tăng VT-4 của Trung Quốc lắp đặt cho Armata?

Nước Nga đang phải trả giá cho sự "háo hức" vào năm 2015, với việc tạo ra một chiếc xe tăng mới một cách vội vã theo ý chí chủ quan của Phó Thủ tướng Nga khi đó là ông Dmitry Rogozin, người phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng của Chính phủ Nga.

Ông Yuri Borisov, người kế tiếp Dmitry Rogozin đã làm giảm sự "hưng phấn", khi tuyên bố "chưa sẵn sàng" cho việc trang bị loạt T-14 Armata cho Quân đội Nga với lý do rất dễ giải thích "thiếu tài chính".

Nhưng vấn đề cốt lõi của việc đưa chiếc T-14 vào biên chế loạt đó chính là các lỗi về kỹ thuật và thậm chí là cả thiết kế vẫn chưa được khắc phục; ví dụ như thiết kế về hệ thống quan sát khi T-14 bỏ hẳn hệ thống quan sát quang học kiểu cũ; nếu xảy ra trục trặc về hệ thống điện thôi, chiếc T-14 biến thành một cái hộp sắt bị bịt kín.

T-14 Armata thực sự là một xe tăng thế hệ mới, có nhiều ý tưởng đột phá về các thiết bị và hệ thống của xe tăng; là niềm kiêu hãnh của các nhà phát triển xe tăng Nga với các nước khác sau khi Liên Xô sụp đổ; với tất cả niềm tin như vậy, sẽ là cú "sốc" quá lớn nếu dự án T-14 Armata phải hủy bỏ.

Thay vì tung hô đưa T-14 "lên mây", giới chức lãnh đạo Nga (nhất là giới chức quân sự) cần bình tĩnh thừa nhận những thất bại và hoàn thiện hệ theo đúng quy trình phát triển của một vũ khí mới mà Nga đã kế thừa của trường phái thiết kế xe tăng nổi danh của Liên Xô trước kia.

Trong những năm qua, nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển Armata đã được các nhà phát triển Nga tích lũy, những kinh nghiệm như vậy phải được vận dụng vào thực tế để phát triển những phiên bản xe tăng mới cũng như nâng cấp các phiên bản xe tăng hiện có của Nga và Liên Xô trước kia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại