Hiệp sĩ giả công an cướp bạc: Hệ lụy từ vỏ bọc ‘thay trời hành đạo’

HƯƠNG CHI |

Thực tế, có rất nhiều người tự nguyện tham gia CLB Phòng, chống tội phạm vì sự nghĩa hiệp nhưng cũng có người cố lấy danh để làm chuyện phi pháp. Sau vụ “hiệp sĩ” giả công an đi bắt đánh bạc rồi cướp tiền, giới chuyên môn cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ hơn, tránh “con sâu làm rầu nồi canh”.

Bình Dương là tỉnh đầu tiên ra đời mô hình hoạt động CLB Phòng, chống tội phạm. Cảm phục những người giàu lòng nghĩa hiệp, bất chấp nguy hiểm bắt tội phạm nên người dân quen gọi họ là “hiệp sĩ”.

Từ hiệu quả, hiệu ứng tốt trong dư luận, sau đó nhiều địa phương khác làm theo. Mô hình hoạt động của những câu lạc bộ này đóng góp tích cực trong phong trào bảo vệ an ninh.

Thế nhưng, cũng không ít những trường hợp “hiệp sĩ” lợi dụng danh nghĩa sau đó làm điều phi pháp.

Hiệp sĩ giả công an cướp bạc: Hệ lụy từ vỏ bọc ‘thay trời hành đạo’ - Ảnh 1.

Đạt (đang bị truy nã) và Tâm (bị bắt) trong CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương

Nhìn nhận mô hình “hiệp sĩ” dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói, với chế độ pháp quyền, thật nguy hiểm nếu các "hiệp sĩ" trở thành một phần của thể chế, hay sự trợ giúp cho thể chế.

Thực tế cho thấy việc bảo vệ, phòng chống tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào lực lượng công an cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời những đối tượng phạm tội.

Do đó, trong những tình huống như vậy thì vai trò của các "hiệp sĩ" đường phố ít nhiều đã đem lại những kết quả thiết thực. Đây là điều phải công nhận, không thể chối bỏ được.

Cần lắm những "hiệp sĩ" trong thời nay, những con người đã không quản nguy nan sinh mạng, sẵn sàng dấn thân vào chốn nguy hiểm để "hành hiệp vì trượng nghĩa".

Tuy nhiên, không ít những hiệp sĩ quá đề cao mình, hoang tưởng. Hoặc có những trường hợp lợi dụng để phạm pháp, có những trường hợp vì thay luật pháp hành động, hiệp sĩ đã phải đối diện với sự trừng phạt của chính luật pháp.

Công lý cho người bị hại là điều ai cũng muốn nhưng các hành động bộc phát, dưới lớp vỏ “thay trời hành đạo” có thể dẫn đến nhiều tác hại cho cả cộng đồng.

Lẽ ra khi phát hiện những người đánh bài này thì hiệp sĩ phải báo cho lực lượng Công an chứ không thể có những hành động như thế (cướp bạc ở sới bạc Sóc Trăng).

Hiệp sĩ giả công an cướp bạc: Hệ lụy từ vỏ bọc ‘thay trời hành đạo’ - Ảnh 3.

Kha và Tâm bị bắt vì giả công an cướp bạc

Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhóm hiệp sỹ này phải đối diện với hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Nói về mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương, đại tá Nguyễn Hoàng Thao – Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương (người nắm rõ về sự ra đời của mô hình CLB Phòng, chống tội phạm) nói, những lo ngại về sự lạm quyền đối với những người tham gia vào CLB là có.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà không dám làm mà phải làm sao để kiểm soát, tránh được “con sâu làm rầu nồi canh”.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công an Bình Dương bắt khẩn cấp nhóm "hiệp sĩ" Bình Dương gồm: Hoàng Quyết Tâm, Nguyễn Minh Kha, Lê Văn Minh.

Đồng thời, truy nã Thạch Đạt và Đặng Văn Dương. Trước đó, chiều 26/1 (mùng 2 Tết Canh Tý), nhóm này đến một sới bạc ở ấp Hòa Phuông, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng mang theo khóa số 8, súng điện, máy bộ đàm và tự xưng là công an, yêu cầu những người trong sòng bạc đưa hết tiền. Sau khi lấy trên 50 triệu đồng, nhóm người lạ mặt bỏ đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại