Chuyện "hậu cung" ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (cuối): Nguy hiểm rình rập vợ con khi "đánh án" Năm Cam

Lê Nguyễn |

Mỗi lần tướng Tư Bốn (trung tướng Nguyễn Việt Thành) gánh trên vai một trọng trách, nhiệm vụ mới thì bà Chín và các con lại phải đối diện với những nguy hiểm, thử thách.


Mỗi vợ không biết chồng đánh án Năm Cam

Tâm sự với người viết, bà Chín kể lại, bà rất vô tư, chưa bao giờ phải suy nghĩ lo lắng tới những việc chồng mình làm, từ lúc ông Tư Bốn kinh qua các nhiệm vụ như Giám đốc Công an Tiền Giang, cho tới khi ông được phân bổ nhiệm vụ mới làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phụ trách phía Nam.

Bà bảo, ông Tư Bốn có việc của ông, còn bà có việc của bà. Đó là chăm tốt mấy công ruộng, vỗ béo đàn heo để bán lấy tiền nuôi con ăn học. Cách quan tâm của bà dành cho chồng là chu toàn việc nhà để cho ông yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những lần hiếm hoi về nhà với vợ con, ông vẫn ôm theo một đống tài liệu. Bà luôn tâm niệm một điều, ngày trước đất nước chia cách, bom rơi đạn lạc còn không chết, thì bây giờ, những khó khăn, nguy hiểm ấy có đáng gì.

Từng ấy năm, tướng Tư Bốn đánh bao nhiên án lớn nhỏ đủ cả cũng chẳng có điều gì khiến bà Chín phải lăn tăn nghĩ ngợi. Nhưng đến ngày ông làm Trưởng ban chuyên án Năm Cam thì khác. Bà Chín và người thân đã thật sự thấp thỏm, lo lắng.

Cũng không biết bao nhiêu lần, bà rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nhưng trước sau bà luôn nghĩ đến an nguy của chồng con là trên hết.

Trước đó, băng nhóm này đã được cơ quan chức năng đưa vào tầm ngắm. Nhưng được sự "nâng đỡ" của không ít quan chức thái hóa biến chất nên tổ chức tội phạm này càng ngang nhiên lộng hàng, coi thường pháp luật.

Ông Tư Bốn còn nhớ ngày ông được phân công là Trưởng ban chuyên án Z501 – Vụ án Năm Cam và đồng bọn: "Đêm ấy, anh Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã gọi điện cho tôi nhắn nhủ: "Tư à! Năm Cam mà mình không phá được thì xã hội này sẽ không còn ngày được yên bình".

Từ đó, tôi càng kiên quyết phá được băng nhóm mafia này. Khi ấy, tôi cũng đã xác định được những nguy hiểm bản thân và gia đình mình đối diện".

Thời điểm đó, mẹ của tướng Tư Bốn đã già, người vợ hiền ở quê vẫn một nắng hai sương với ruộng đồng. Những lần về nhà, ông tuyệt đối không nói gì đến vụ án, nhiệm vụ ông phải gánh vác.

Không phải vì bí mật của cơ quan điều tra, việc ông Tư Bốn làm Trưởng ban chuyên án, và diễn biến quá trình điều tra, ngày nào báo đài cũng đưa tin cập nhật liên tục. Bởi lẽ, ông không muốn mọi người phải bận tâm nghĩ ngợi.

Làng trên xóm dưới truyền tai nhau việc anh Tư Bốn đánh án thì bà Chín và người mẹ già vẫn không hề hay biết. Họ vẫn sinh hoạt bình thường, như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Mãi cho tới chuyên án Z501 vào giai đoạn căng thẳng nhất thì bà Chín mới biết, khi nghe hàng xóm hỏi nhỏ: "Chị có sợ bị giang hồ trả thù không. Em thấy bảo Năm Cam không phải dạng vừa đâu.

Anh nhà mình bắt bỏ tù hết đàn em của nó rồi, chị và các cháu phải cẩn thận". Nghe người hàng xóm nói, bà Chín còn chưa hiểu chuyện gì. Mãi cho đến tối, bà Chín xem thời sự đưa tin mới biết ngọn nguồn lời cảnh giác của cô hàng xóm tốt bụng.

Lúc đó, bà Chín và mẹ của tướng Tư Bốn đã rất hoang mang. "Đó là vì tôi lo cho chồng và các con sống bên ngoài. Chứ tôi với mẹ già ở quên, hai bên đã có bà con lối xóm", bà Chín kể.

Chuyện hậu cung ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (cuối): Nguy hiểm rình rập vợ con khi đánh án Năm Cam - Ảnh 1.

Lớn tuổi, bà Chín vẫn chưa cho mình nghỉ hưu

Nhưng tất cả những lo lắng của bà Chín cũng sớm được người chồng trấn an. Tối hôm đó, ông Tư Bốn liên tục nhận được điện thoại từ gia đình. Qua xác minh, ông biết được người thân vẫn an toàn. Linh tính mắc bảo ông là bà Chín đã biết những việc chồng đang làm.

Do vậy, ngay hôm sau, tướng Tư Bốn tranh thủ về quê động viên vợ để bà vững tâm tin tưởng.

"Vợ tôi không nói gì, mà chỉ nhắc: "Anh làm gì cũng phải nghĩ đến bản thân. Nó trong tối, mình ngoài sáng, nên phải cẩn trọng". Nhưng mẹ tôi thì lo lắng, cụ khóc bảo: "Chiến tranh tao đã mất 3 người thân rồi. Nó ghê thế, thôi bỏ đi con".

Cụ chỉ dừng lại khi nghe tôi khẳng khải nói lúc chiến tranh bản thân tôi từng đối mặt với nguy hiểm gấp trăm ngàn lần như thế mà chẳng hề gì thì lẽ nào lại sợ một băng nhóm "xã hội đen" luôn trốn tránh pháp luật", tướng Tư Bốn cho biết.

Như lời của bà Chín thì chính sự cứng rắn, quyết liệt của chồng đã khiến cho bà và người mẹ già yên tâm, gạt sang bên những lo lắng sợ hãi. "Người ta nói, vạn lời nói hay không bằng một hành động làm gương.

Do vậy, trong tình cảnh ấy, tôi mà tỏ ra yếu đuối, hoang mang thì vợ tôi và mẹ tôi sẽ mất hết tình thần. Vì thế, ngay cả với các con tôi cũng phổ biến tư tưởng như vậy", cho nên trong chuyên án Z501, ông Tư Bốn luôn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Bà Chín vẫn là hậu phương vững chắc cho chồng như những năm tháng đã qua.

Chỉ lo cho chồng cho con

Quan điểm và ý chí kiên định của tướng Tư Bốn được thể hiện và minh chứng trong lối sống sinh hoạt ngày. Trước đây, khi vụ án Năm Cam bước vào giai đoạn sau, dư luận từng đồn rằng, mỗi khi ra ngoài ông phải dùng biện pháp cải trang, như đi cùng lúc 2-3 xe. Hay như tướng Tư Bốn không ngồi trên chiếc xe quen thuộc của mình, mà ngồi xe khác.

Có lúc xe ông chạy trước nhưng không có ông, mà ông đi xe taxi phía sau. Có khi ông đi lại bằng xe có lắp kính chống đạn. Biện pháp bảo vệ và bảo mật càng nghiêm ngặt, ly kỳ như phim Hollywood. Nhưng theo chia sẻ của vị tướng về hưu, thì đó chỉ là những lời đồn thổi thêu dệt.

Chuyện hậu cung ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (cuối): Nguy hiểm rình rập vợ con khi đánh án Năm Cam - Ảnh 2.

Giây phút bên nhau hiêm hoi của hai vợ chồng ông bà

"Ngày đó, cơ quan cũng đặt vất đề bảo đảm an ninh cho tôi và sẽ dùng phương án nghi binh như trên. Nhưng tôi gạt đi, cơ quan đã phân cho tôi chiếc xe biển số năm cách mạng tháng 10 Nga thành công (năm 80B-1917) thì tôi cứ xe đó mà đi, không phải thay đổi gì cả.

Mình có luật pháp, có tổ chức, có cả xã hội ủng hộ lại sợ và thua một thằng tội phạm hay sao. Năm Cam là ai mà lái được suy nghĩ của tôi", tướng Tư Bốn cho biết, mỗi lần tranh thủ về quê, ông đều tâm sự với vợ những chuyện trên, để cho bà Chín thêm vững tâm.

Lúc đó, ông Tư Bốn liên tục nhận được những lời đe dọa cảnh cáo từ tổ chức tội phạm Năm Cam. Theo lời kể của tướng Tư Bốn, ông bà có 3 người con, lúc đó người con lớn Nguyễn Tấn Dũng đã công tác ở Công an tỉnh Tiền Giang và đã lập gia đình.

Người con út Nguyễn Tấn Phúc cũng đang học trường Trung cấp công an ở TP.HCM, vì vậy việc bảo vệ an toàn cho các anh không phải là khó. Gia đình ông Tư Bốn quan tâm nhiều tới người con giữa Nguyễn Thị Việt Hồng mới tốt nghiệp Đại học Cần Thơ (ngành y) về nhận công tác ở TP.HCM.

"Tổ chức tội phạm Năm Căm liên tục gửi thư đe dọa tới cơ qua cho tôi. Chúng hăm dọa nếu tôi không dừng lại thì sẽ phải hối hận vì những việc mình đã làm. Những lần sau, chúng đe sẽ tạt a xít con gái và con dâu tôi", tướng Tư Bốn cho biết ông không hề bận tâm tới những lời đe dọa trên.

Đọc xong thư, ông xé bỏ ngay. Hơn nữa, những việc này ông cũng không kể với bà Chín và các con vì sợ nó sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của mọi người. Bản thân tương Tư Bốn cũng không yêu cầu ban chuyên án có thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho vợ con.

"Tuy nhiên, tôi biết anh em trong ngành có quan tâm làm việc đó để mình an tâm tập trung vào chuyên án", ông tâm sự.

Chuyện hậu cung ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (cuối): Nguy hiểm rình rập vợ con khi đánh án Năm Cam - Ảnh 3.

Tướng Tư Bốn đã buộc Năm Cam và đàn em phải đền tội

Suốt mấy năm trời gia đình ông Tư Bốn phải trải qua không khí căng thẳng, bất an. Bà Chín tiết lộ: "Năm đó, tự dưng có hai thanh niên xách giỏ đến nhà tôi lúc chập tối và nói với tôi là con của ông Tư. Tôi bảo nếu tìm lên cơ quan chứ ổng làm gì có ở đây.

Không một chút ấp úng, nó trả lời: "Ba con sắp về thăm nhà, con ở đây chờ gặp ba". Cảm thấy có sự bất thường, tôi lén ra sau nhà điện thoại cho mấy chú công an xã.

Sau đó, mấy chú công an đến mời hai đối tượng này về trụ ở ủy ban làm việc. Khi lục túi xách của 2 kẻ lạ mặt thì thấy có dao bấm, dao găm và búa".

Không bao lâu sau, lại người đàn ông lạ, ăn mặc sang trọng, xách vali nặng, ghé vào nhà bà Chín hỏi thăm đường. Sau khi bà chỉ đường xong, họ chưa chịu đi mà còn hỏi thăm huyên thuyên nhiều chuyện khác, xong nói bị nhỡ đường, xin nghỉ lại nhà bà qua đêm.

Thấy đối tượng khả nghi, bà Chín vừa khéo léo mời người lạ ngồi uống nước, bà vừa kín đáo ra nhà sau điện thoại cho Công an xã Thanh Bình thông báo chuyện lạ ở nhà bà.

Lúc vụ án "Năm Cam và đồng bọn" đang diễn ra căng thẳng, lo sợ chồng bị Năm Cam trả thù, nên bà Chín đã là người trực tiếp chuẩn bị thức ăn nước uống chở lên TP.HCM cho chồng. Cũng không ít lần bà Chín phải sống trong dư luận rằng chồng mình có vợ bé và con riêng.

Thế nhưng, là vợ của ông bao năm, bà hiểu và tin tưởng chồng mình hơn ai hết, và biết rằng đó đều là những chiêu trò mà kẻ xấu dựng lên để "phá" chồng mình. Vì thế, người vợ của tướng Tư Bốn chưa một lần nghi ngờ chồng.

Khi toàn bộ băng nhóm xã hội đen Năm Cam lần lượt sa lưới pháp luật, bình yên cũng trở lại với gia đình ông. Năm 2009, tướng Tư Bốn về hưu, ông đã dành nhiều thời gian, công sức đi vận động xây dựng nhiều phòng học, nhà tình nghĩa, tình thương cho xã nhà và các tỉnh lân cận.

Ông quan niệm cuộc đời mình mang nợ quá nhiều quê hương, bà con, đồng chí, đồng đội... Còn bà Chín vẫn là "kiện tướng" trồng lúa nuôi heo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại