Nước cờ cao tay của ông Tư Bốn
Sau ngày vu quy, bà Chín đi theo chồng vào căn cứ kháng chiến. Nhưng chiến sự ác liệt, đối phương huy động lực lượng lớn bao vây căn cứ Long Tiên (thuộc tỉnh Mỹ Tho ngày ấy, tỉnh Tiền Giang bây giờ).
Đạn pháo của giặc trút xuống đất Long Tiên như mưa. Thế nhưng chúng không xóa sổ được căn cứ cách mạng.
Như lời của ông Tư Bốn, tình thế lúc đó vô cùng nguy cấp, quân giải phóng rơi vào tình trạng thiếu quân nhu, lương thực trầm trọng. Trong hoàn cảnh ấy, bà Chín đã xin chồng ra khỏi cứ, để làm nhiệm vụ tiếp tế.
Nhờ sự khôn khéo, tài thiên biến vạn hóa của vợ tướng Tư Bốn, từ gạo, thuốc men, muối… lần lượt được chuyển vào cứ. Nhờ thế, là Tỉnh ủy Mỹ Tho khi ấy đã trụ vững trước sự tấn công, tàn phá khốc liệt của giặc.
Căn nhà nhỏ của trung tướng Nguyễn Việt Thành nơi quê nhà Chợ Gạo
"Tuy nhiên, cũng từ lần đó, hai vợ chồng tôi cũng rất ít khi có cơ hội gặp nhau. Bởi khi đó, đối phương đã lập đồn bốt, bao vây nhằm chia cắt cứ Long Tiên với quần chúng nhân dân", bà Chín nhớ lại.
Để ngăn chặn dân trong vùng tiếp tế lương thực cho cứ Long Tiên, lính Ngụy truy xét việc đi lại của người dân. Chúng còn tung một lượng lớn mật thám vào dân để nghe ngóng tình hình. Thời điểm đó, vì sự bất cẩn mà nhiều người tiếp tế bị bắt và tù đày.
Gia đình nhà cụ Hai luôn nằm trong tầm ngắm theo dõi của đám mật thám này. Nếu không có sự may mắn và khôn khéo thì bà Chín đã bị bại lộ.
Tướng Tư Bốn còn nhớ, bản thân mình đã từng một lần đẩy vợ vào nguy hiểm. "Vợ chồng mới cưới chưa được gần gũi nhiều thì địch đi càn. Một hôm, nhớ vợ, tôi đánh liều về địa điểm hẹn trước để gặp bà ấy. Do nghi ngờ từ trước, nên địch phục kích đợi sẵn.
Tuy nhiên, nhờ cha vợ có linh tính mách bảo nên đã ra ám hiệu cho chúng tôi biết mà tìm cách rút lui", ông kể.
Sau này, bà Chín tiếp tế cho chồng càng khó khăn hơn. Cứ khoảng 1 tháng bà mới gửi đồ vào cho tướng Tư Bốn 1 lần. Thời gian sau đó, bà Chín mang bầu tình hình thêm khó khăn, nhất cử nhất động của người vợ trẻ này đều không qua được mắt của đám mật thám.
Như lời kể của bà Chín, ngày đó gái không có chồng bên cạnh mà có bầu bị nha cảnh sát truy hỏi rất gắt gao. Bởi chúng luôn nghi ngờ, cha của đứa trẻ là quân giải phóng. Và bà Chín không phải là trường hợp ngoại lệ.
Thông thường, trong hoàn cảnh này, nếu bà Chín không tìm được cách giải thích thỏa đáng về cha của đứa trẻ thì sẽ bị đẩy vào tù ngục. Theo thời gian cái bụng của bà Chín cũng lớn lên từng ngày, kéo theo là sự lo lắng của người thân gia đình. Như lời tâm sự của bà Chín, lúc đó gia đình đã nghĩ đến giải pháp cho bà vào cứ sinh con.
Nhưng điều khiến cho mọi người không an tâm đó hoàn cảnh, cuộc sống trong cứ vô cùng khó khăn gian khổ. Thế nhưng, ngoài cách đó thì gia đình bà Chín không còn nghĩ ra phương án nào khả thi hơn.
Nhưng đúng lúc cả gia đình bà đang bế tắc thì nhận được thư của tướng Tư Bốn hiến kế. "Ngay từ sau khi cưới, tôi đã nghĩ đến phương án tạo cho vợ một vỏ bọc an toàn để qua mắt đám mật thám nằm vùng.
Sau đó, tôi đã lấy một tấm hình của một lính Ngụy, rồi viết một đoạn thư đặt ở điểm hẹn cho vợ căn dặn trong nhà treo một lá cờ của Ngụy và lúc nào cũng cầm theo tấm hình này bên người. Khi bị nha cảnh sát mời lên truy hỏi về cha của đứa trẻ thì bỏ tấm hình này ra và bảo đó là chồng mình", ông Tư Bốn nhớ lại.
Bà Chín ngậm ngùi khi nhắc lại ngày mất liên lạc với chồng
Đó là tấm hình của một sĩ quan thủy quân lục chiến bị chính ông Tư Bốn tiêu diệt. "Đám quân thua trận đã tháo chạy bỏ lại xác đồng đội. Tôi đã chôn cất thi thể cho anh ta".
Bà Chín còn nhớ, khi đọc được lá thư đó, bà đã rất vui mừng, những khúc mắc, lo lắng trong lòng cũng được giải tỏa".
Đúng những gì mà ông Tư Bốn dự tính trước đó, khi thấy bà Chín không có chồng nhưng mang bầu, nha cảnh sát đã triệu bà lên đồn và truy hỏi "tác giả" đứa trẻ trong bụng bà là ai.
Lúc này, bà Chín đã lấy tấm hình tên sĩ quan ra ứng phó với đám cảnh sát. Từ đó, lính Ngụy đã không gây khó dễ gì cho bà Chín và người thân trong gia đình.
Cũng thời điểm này, vì tình hình địch có sự thay đổi, nên Tỉnh đội Mỹ Tho đã chuyển ra khỏi cứ Long Tiên. "Lời căn dặn của chồng là vậy, nhưng chỉ khi nào gắt quá tôi mới treo cờ Ngụy trước nhà để qua mắt bọn chúng.
Còn khi bọn chúng bỏ đi, gia đình tôi cũng tháo xuống ngay", bà Chín kể. Cũng nhờ cao kế của chồng, mà từ đó cho đến ngày đất nước giải phóng gia đình bà được bình an.
Trớ trêu ngày trở về
Về phía tướng Tư Bốn, đầu năm 1974, căn cứ Tỉnh đội Mỹ Tho được rời về xã Bình Trưng (huyện Châu Thành –PV). Một mình bà Chín ở lại quê nhà vượt cạn. Một bé trai kháu khỉnh ra đời, bà Chín chưa vội đặt tên, mà chờ khi nào gặp tướng Tư Bốn, đứa bé sẽ được cha đặt tên.
Cũng theo lời kể của tướng Tư Bốn, trong thời điểm này, cha và 2 anh của ông đã lần lượt ngã xuống trong những trận đánh triền miên trên quê hương Mỹ Tho.
Vì vậy, Tỉnh đội Mỹ Tho không cho Tư Bốn tiếp tục đánh địch. Sau đó, ông được gửi đi học Trường Quân chính Trung ương ở trên R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam đóng ở rừng miền Đông Nam Bộ) nhằm bồi dưỡng lực lượng cách mạng cho tương lai.
Ngay trước ngày ông rời đồng bằng về chiến khu miền Đông, bà Chín vợ ông đã kịp ẵm đứa con chưa tới 2 tháng tuổi vượt đường xa, qua bao hiểm nguy tới thăm và tiễn đưa chồng.
Trong lần gặp nhau ngắn ngủi ấy, tướng Tư Bốn đã kịp đặt tên cho đứa con trai đầu lòng là Nguyễn Tấn Hùng, rồi chia tay vợ con với lời hẹn "Gặp lại nhau ngày toàn thắng".
Thế nhưng, sau khi đất nước giải phóng được một thời gian dài, vợ chồng họ mới được gặp lại nhau.
Tướng Tư Bốn (bên phải) và người thân ôn lại một thời hoa lửa
Giống như bao người vợ có chồng đi chiến đấu giải phóng đất nước ngày ấy, bà Chín cũng trông chờ hình bóng người chiến sĩ quen thuộc xuất hiện phía đầu xóm. Thế nhưng, một tháng, rồi 2 tháng trôi qua mà người chồng yêu thương vẫn bặt tăm. Như lời tâm sự của bà Chín, đã là quãnh thời gian dài nhất, khó khăn nhất với bà.
"Ngày cưới, ba tôi nói: Nó sẽ chết đó. Vợ chồng thời chiến, cả hai đều đã xác định trước việc này và không có gì phải hối tiếc cả, khi mình đã sống và chết cho lý tưởng. Nhưng nếu chồng hi sinh trong chiến tranh được báo tử hẳn hoi, thì người vợ còn đỡ đau đớn.
Đằng này đã hòa bình rồi mà nghĩ đến việc người chồng yêu thương sẽ mãi mãi không trở về, thân xác nằm ở đâu đó, rồi đến đứa con thơ dại không còn được gặp cha ngày toàn thắng khiến tôi vô cùng xót xa đau đớn", bà Chín cho biết.
Bà chỉ có ý nghĩ đó khi đất nước giải phóng được 3 tháng mà vẫn chưa thấy bóng chồng.
Bà Chín cố gắng gượng để không ngục ngã, trong lòng người phụ nữ này vẫn nhớ đến lời hẹn ước ngày ông Tư Bốn về chiến khu thuở nào. Trong khi đó, mẹ của tướng Tư Bốn vì cho rằng con trai đã hy sinh, nên cụ đau buồn dẫn đến bạo bệnh. Bà Chín kể, đã không biết bao nhiêu lần bà dắt đứa con ra tận ngã ba Long Tiên cả ngày đợi tin chồng.
"Ngày đó những người con ở cứ Long Tiên về thăm gia đình rất nhiều. Những người kia cũng là từng là đồng đội của ông ấy, nhưng họ cũng không rõ chồng tôi đang ở đâu, còn sống hay đã chết", bà Chín nhớ lại.
Bà Chín dắt con đến thẳng Tỉnh đội Mỹ Tho để hỏi thăm tin tức của chồng, nhưng những lãnh đạo tỉnh cũng không giúp được gì cho bà, ngoài một số chi tiết, đó là sau khi học Trường Quân chính Trung ương, tướng Tư Bốn và các học viên lên đường bước vào trận đánh cuối cùng.
Ông được cử là Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 3 gồm các học viên của trường.
Sau đó, Tiểu đoàn 3 của Tư Bốn cùng với quân chủ lực từ Sông Bé hành quân về Sài Gòn. Tiểu đoàn của ông đụng với lực lượng mạnh của đối phương quyết "tử thủ" ở Bến Cát (Bình Dương - PV). Đó cũng lần cuối mà những người ở Tỉnh đội biết tin về tướng Tư Bốn.
Khả năng người chiến sĩ đã hi sinh nằm lại đâu đó trên chiến trường miền Đông càng lúc càng hiện dần trong lòng người vợ này.
Tướng Tư Bốn khắc tinh của Năm Cam và đồng bọn
Thực tế, lúc đó tướng Tư Bốn đang tiếp quản Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. "Cũng như tâm trạng của bao nhiêu người lính ngày ấy, sau khi đất nước giải phóng, tôi cũng xin xuất ngũ về quê để đoàn tụ với gia đình và bù đắp cho vợ con trong những năm tháng gian khổ đã qua.
Nhưng các anh bên trên nhất quyết không cho mình về mà giữ lại làm cán bộ nguồn, chờ phân bổ nhiệm vụ trong thời gian tới", trong hoàn cảnh đó, ông Tư Bốn không còn cách nào khác khi buộc lòng tuân theo lệnh của cấp trên.
Thời điểm đó, ông cũng tìm cách bắn tin về cho vợ con ở quê biết tình hình của mình. Nhưng không rõ vì lý do gì lá thư ấy đã không đến với tay bà Chín. Trong thư ông Tư Bốn nhắn với vợ địa điểm đơn vị mình đóng quân. "Thời gian đi chiến khu tôi cũng mất liên lạc với bà ấy.
Do vậy, tôi cũng vô cùng lo lắng khi không biết vợ con ở quê có xảy ra chuyện gì. Trong khi đó, từ lúc tôi nhờ người đưa tin về cho vợ, cũng không thấy cô ấy hồi âm lại, hay lên đơn vị gặp tôi.
Điều này càng khiến cho lòng tôi cánh cánh bất an. Do vậy, tôi đã viết giấy xin nghỉ phép để về quê gặp vợ", ông hồi tưởng.
Bà Chín còn nhớ, ngày tướng Tư Bốn về nhà, khi bà đang đưa con giấc ngủ trưa, bất ngờ từ đầu xóm mấy đứa em chạy về nói lớn với bà: "Chị Chín ơi, anh Chín về!". Vậy là sau gần 2 năm chia tay, vợ chồng vị tướng huyền thoại đã sum họp trong cảnh nước nhà thống nhất.
Trong ký ức của bà Chín còn nhớ rõ, Long Tiên rộn ràng, hân hoan chào đón người hùng trở về. Như ngày, mà cứ Long Tiến bất chấp bon đạn, truy cản của giặc để đến chung vui đám cưới của họ. "Chỉ duy có bé Hùng là không chịu đến gần cha.
Cho tới khi hai cha con vừa quen nhau thì ông ấy lại vội lên đường vì nhiệm vụ mới", bà Chín tâm sự
(còn nữa)