Chuyện "hậu cung" ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (3): Đêm động phòng lỡ dở

Lê Nguyễn |

Dù rất quý tướng Tư Bốn (trung tướng Nguyễn Việt Thành) nhưng khi biết con gái út của mình và người lính trẻ có tình ý với nhau thì cụ Hai lại một mực phản đối...

Kỳ 1: Hàng tháng vẫn xin tiền vợ

Kỳ 2: Yêu cô thôn nữ vì miếng đường thỏi giữa bom đạn

Thuyết phục cha vợ tương lai

Khi thì bận đi ăn đám tiệc trong xóm, lúc lại mải đi làm từ thiện, thăm hỏi mẹ chiến sĩ bị bệnh... là những việc chiếm hết quỹ thời gian của tướng Tư Bốn từ lúc ông về hưu.

Nhà ông không lúc nào ngớt khách, thậm chí như lời kể của ông thì khách khứa còn đông hơn cả lúc còn đương chức. Đó là anh em bạn bè, bà con lối xóm những người quý mến ông nên tìm chơi và hỏi xem ông tướng Tứ Bốn bây giờ sống ra sao, sức khỏe thế nào.

Còn bà Chín - vợ ông lại phải chạy ra cánh đồng trước nhà để chỉ mấy người thợ máy múc đất chuẩn trồng cây ăn trái. Vì thế mà mà câu chuyện giữa chúng tôi với vợ chồng trung tướng cứ gián đoạn.

Nhìn theo bóng vợ dần khuất sau lối nhỏ, rợp bóng xanh mát, tướng Tư Bốn ngậm ngùi: "Bà ấy là vợ và cũng là ân nhân của cuộc đời tôi. Ngày ấy, tôi đã từng trốn tránh tình cảm của mình, cũng vì lo sợ, mình sẽ hy sinh trong cuộc chiến khiến cho vợ phải khổ.

Nhưng rồi, cô ấy bảo, chỉ cần được sống bên nhau, làm vợ chồng một ngày cũng nguyện. Thế nên chúng tôi đã cưới nhau sau đó".

Chuyện hậu cung ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (3): Đêm động phòng lỡ dở - Ảnh 1.

Nhà trung tướng Nguyễn Việt Thành lúc nào cũng đông người qua lại, là bà con hàng xóm, đồng đội ngày xưa

Lần ấy, tướng Tứ Bốn về cứ, ông đã cố tình tìm cách tránh mặt bà Chín, bởi ông biết nếu gặp, ông không cầm lòng mình được. Ông không thể để cho người con gái mình thương yêu phải chờ đợi, thấp thỏm và lo sợ.

Biết tâm tư khó nói của đội trưởng, bạn bè, lính của ông cũng khuyên nên bày tỏ tình cảm với bà Chín. Nhưng ông lắc đầu bảo: "Mình là lính trận, sống đến ngày nào hay ngày đó. Nhỡ có chuyện không hay lại làm khổ người ta".

Cũng vì thế, mấy tháng trời ông Tư Bốn không bước ra khỏi cứ. Mọi liên lạc đơn vị của ông với gia đình cụ Hai (cha của bà Chín) đều được giao cho người khác. Trong khi đó, bà Chín vẫn âm thầm tiếp tế, hỏi thăm và quan tâm đến "anh Tư Bốn".

"Bà ấy vẫn gói gém đường thỏi, nấu bát chè ngọt gửi người mang vào cho tôi. Ngày đó, chúng tôi cũng chẳng có thư từ gì qua lại cả. Dù vậy, cả hai đều cảm nhận được sự quan tâm dành cho nhau", ông Tư Bốn kể tiếp.

Một đêm không cầm lòng được, ông bèn về tìm gặp bà Chín tâm sự hết những tâm tư giữ kín từ lâu. Bà Chín còn nhớ lời tỏ tình của ông Tư Bốn với mình, nó chẳng giống ai, đậm chất lính:

"Em biết hoàn cảnh của anh rồi đấy. Nếu em thương thì về nhà giúp anh". Từ câu nói ấy, họ thành vợ chồng.

Chuyện hậu cung ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (3): Đêm động phòng lỡ dở - Ảnh 2.

Bà Chín cười tươi khi nhớ lại đám cưới thời chiến của hai vợ chồng

Thế nhưng, chuyện tình cảm của tướng Tư Bốn gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình bà Chín. Một tình cảnh trớ trêu, đó là dù rất thương ông Tư Bốn và coi như con trong nhà nhưng cụ Hai lại một mực không cho con út của mình cưới người đội trưởng của Đại đội vệ binh bảo vệ Tỉnh đội Mỹ Tho.

Chuyện của ông với bà Chín chỉ thành khi tất cả đội vệ binh và cả Bí thư tỉnh ủy Mỹ Tho khi ấy đến nhà khuyên và xin cụ Hai tác hợp cho đôi trẻ. Ông Tư Bốn còn nhớ, cụ Hai tỏ ra thái độ khá gay gắt khi biết ông xin được cưới con gái út của cụ làm vợ.

Tuy nhiên, trái ngang ở chỗ là cụ Hai lại không hề nói lý do tại sao mình lại có phản ứng lạ như thế. Trong khi đó, cụ vẫn rất quý mến, niềm nở với ông Tư Bốn. Cụ vẫn có thói quen cũ, khi có miếng ngon đều nhắn ông Tư Bốn lại nhà ăn, uống với mình vài ly rượu.

"Lúc đó cả đơn vị anh em ngồi bàn tính xem tại sao cụ Hai lại không cho tôi với Chín cưới nhau. Cuối cùng thì cũng tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

Chín là con út trong nhà, trong khi các chị gái bên trên của bà ấy đều chưa lấy chồng. Theo quan niệm của người miền Tây, thì đó là điều đại kỵ", ông Tư Bốn nhớ lại.

Lúc đó, để cho người đội trưởng có thể cưới được bà Chín, cả đơn vị ông đã tìm cách mai mối lần lượt cho các người chị gái của bà.

Nhưng chị Năm và chị Bảy (chị gái của bà Chín) đều không ưng ai hết, bởi họ đã có lời hứa với người khác. Sau này, những người đàn ông ấy hy sinh, hai chị ấy sống một mình đến giờ.

Thực ra, ông Tư Bốn và cả đơn vị đều không hiểu đúng ý của cụ Hai. Cụ cũng rất muốn ông Tư Bốn làm con rể của mình. Nhưng thâm tâm người cha già này lại lo một ngày con rể có mệnh hệ gì thì con gái cụ thành quả phụ. Đó cũng chính là lý do cụ ngần ngại, chưa đồng ý ngay cho ông Tư Bốn và con gái út mình nên duyên với nhau.

Nhưng theo dõi việc ông Tư Bốn và lính của mình "chạy đôn chạy đáo" và lòng con gái đã quyết như thế, cụ Hai cũng tặc lưỡi đồng ý. Một bữa, cụ kêu bà Chín mần con gà rồi gọi ông Tư Bốn lại dùng cơm với gia đình.

Ngay sau ly rượu đầu, cụ Hai nói lớn: "Mấy đứa bay cứ đi lo kiếm chồng các con gái của tao thì còn thời gian đâu mà đánh giặc. Đấy, tao cho hai đứa bay cưới". Quyết định của cha vợ tương lai, khiến cho cả hai rất bất ngờ.

"Tôi và bà Chín chưa hết vui mừng hạnh phúc, thì giọng cụ Hai ồm ồm với con gái: "Tao nói trước, là nó hy sinh đó". Nhưng với vợ chồng tôi khi ấy, nếu không được sống với nhau mới là điều hối tiếc nhất", tướng Tư Bốn tâm sự.

Bị phá đêm động phòng

Đến cuối năm 1971, cũng sau một trận chống càn thắng lợi, tướng Tư Bốn và cô con gái út của cụ Hai đã được gia đình và đơn vị thống nhất cho tổ chức lễ cưới vào đúng ngày Tết năm 1972.

Chúng tôi cứ ngỡ đám cưới của vợ chồng người lính trận trong chiến khu rất đơn giản, chỉ có bánh kẹo, thuốc lá, nước trà. Thế nhưng, tướng Tư Bốn cho biết đám cưới của họ thuộc loại to nhất vùng, làm đến 3 con heo, đãi mấy trăm khách, uống rượu cả đêm.

Ngoài ra, còn có cả đoàn văn công quân khu về hát phục vụ bà con trong cứ. Nói vậy, mọi chuyện cũng diễn ra không hề suôn sẻ thuận lợi.

Như lời tâm sự của ông Tư Bốn, ban đầu gia đình hai bên và đơn vị của ông dự định làm đám cưới đúng vào dịp Tết vì theo thông lệ cả 2 phía trong cuộc chiến đều ngấm ngầm với nhau "đình chiến" để ăn Tết, nên làm đám cưới lúc đó không sợ nguy hiểm.

Tuy nhiên, ngay trước Tết, đối phương lại bất ngờ đổ quân đóng đồn ngay ngã ba Long Tiên, chỉ cách nhà bà Chín chưa tới 1 km. Gia đình hai bên và đơn vị của ông Tư Bốn chưa hiểu đối phương toan tính chuyện gì, nên tạm thời phải dời ngày cưới lại để nghe ngóng tình hình.

Chuyện hậu cung ít biết của tướng Nguyễn Việt Thành (3): Đêm động phòng lỡ dở - Ảnh 3.

Tướng Tư Bốn quây quần bên con cháu

Lúc đó, đồ làm đám cưới gia đình hai bên đều đã chuẩn bị đầy đủ. Bản thân bà Chín cũng tự tay nuôi mấy con heo và cả mấy trăm con vịt dự định để làm tiệc cưới và ăn Tết luôn.

"Cuối cùng bà ấy phải mang hết heo và vịt ra chợ bán. Đám cưới chúng tôi tưởng chừng bị hoãn lại vô thời hạn. Tuy nhiên, đúng 2 tháng sau, mặc cho đồn bốt vẫn án ngữ tại ngã ba Long Tiên, đám cưới của vợ chồng tôi vẫn diễn ra ", ông Tư Bốn kể tiếp.

Gia đình ông Tư Bốn từ xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) cũng lên căn cứ dự đám cưới đầy đủ, sau khi vượt qua sự kiểm soát ngặt nghèo của đối phương. Bà con lối xóm, họ hàng nhà gái và cả đơn vị Đại đội vệ binh của ông Tư Bốn đều được mời tới dự lễ cưới.

"Rạp đám cưới được làm bằng tàu dừa, lá chuối ngay trước sân nhà. Bà con hai họ, quan khách, đến chung vui uống rượu được nhiều phen hú vía vì đạn pháo bắn từ đồn địch vào. Sau đó, là máy bay ném bom quần thảo trên bầu trời.

Mỗi lần như thế, mọi người lại vội chui xuống hầm tránh bom đạn", bà Chín cho biết, có quả đạn pháo nổ cách rạp cưới chưa đầy 10 m, nhưng may mắn là không có ai thương vong.

Cho tới gần sáng thì giặc bất ngờ đổ bổ tấn công vào cứ Long Tiên khi mà hai vợ chồng trẻ chưa kịp "động phòng", tướng Tư Bốn đã phải đã vác súng đi chống càn. Trong khi đó, quan khách nhanh chóng thu dọn "hiện trường" đám cưới và rời khỏi tuyến lửa.

"Khi giặc đi càn, tôi theo ông ấy vào cứ được ba ngày thì lại ra vùng địch tạm chiến, để còn làm nhiệm vụ tiếp tế cho đơn vị của ông ấy. Về phần cha mẹ tôi, cũng bị bọn chúng bắt hết lên đồn để tra khảo về việc nhà "tụ tập" đông người", bà Chín nhớ lại.

Theo bà Chín, ngày đó, hai vợ chồng bà thống nhất hẹn nhau ở ngoài cánh đồng. Ông Tư Bốn cần gì thì viết vào một mảnh giấy nhỏ, để vào ống bơ. Bà Chín đọc được thư, lại đi mua đồ theo lời căn dặn của chồng, rồi mang ra để lại chỗ hẹn.

"Thế nên dù mới cưới nên vợ chúng tôi cũng rất ít khi có cơ hội gần gũi nhau. Đó cũng là lý do mà hơn 2 năm sau tôi mới có bầu và sinh con trai đầu lòng.

Còn về phần chồng tôi, chỉ sau đám cưới đúng nửa tháng ông ấy lại bị thương do bị đạn bắn trúng ngang lưng, sượt sát cột sống", bà kể tiếp chồng.

Lần này bà Chín phải đón xe đò đi tận Sài Gòn để tìm mua những loại thuốc đặc trị về cứu chữa chồng. Sau 2 tháng chữa trị, khi tự đi lại được, ông Tư Bốn lao vào khói lửa bom đạn.

Về sau vợ chồng tướng Tư Bốn càng khó có điều kiện gặp nhau khi mà một phần xã Long Tiên đã bị giặc bình định, trong đó có khu vực gia đình bà Chín sinh sống.

(còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại