Điểm nóng eo biển Hormuz

Xuân Mai |

Việc Mỹ ra tay ám sát tướng Iran Qasem Soleimani khiến ngành công nghiệp dầu thế giới không khỏi lo lắng về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa hai quốc gia đang có quan hệ căng thẳng này.

Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tiêu diệt ông Soleimani, giá dầu thô đã tăng trong lúc các công nhân Mỹ bắt đầu rời khỏi các cơ sở dầu ở Iraq. Bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada), cảnh báo với trang Bloomberg rằng vòng xoáy trả đũa qua lại có thể khiến thị trường dầu biến động khó lường trong cả năm 2020.

Trên thực tế, căng thẳng gia tăng giữa Iran và Mỹ đã gây ra những gián đoạn chưa từng thấy đối với thị trường này nhưng chúng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Vào năm ngoái, Washington cáo buộc Tehran tấn công phá hoại một số tàu chở dầu và một cơ sở dầu của Ả Rập Saudi. Giờ đây, sự gia tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa lực lượng Mỹ và Iran tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu quan trọng nhất thế giới, đe dọa gây ra những hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu.

Iraq hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khai thác 4,65 triệu thùng/ngày hồi tháng trước. Trong khi đó, các nước láng giềng của Iraq - Ả Rập Saudi, Kuwait, Iran - sản xuất tổng cộng 15 triệu thùng/ngày. Hầu hết số dầu xuất khẩu này phải đi qua eo biển Hormuz, nơi từng bị Iran nhiều lần đe dọa đóng cửa nếu xảy ra chiến tranh.

Theo các nhà phân tích của Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ), hành động trả đũa tiềm tàng của Tehran có thể gồm không kích các cơ sở dầu mỏ trong khu vực, tấn công các đường ống dẫn dầu hoặc làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz. "Hành động đáp trả (của Iran) có thể xảy ra ở khu vực, nhiều khả năng là tại Iraq. Điều này có thể tác động đáng kể đến giá dầu thô" - các chuyên gia tại Công ty ESAI Energy LLC (Mỹ) cảnh báo.

Theo Reuters, một cuộc đối đầu quân sự hoặc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran có thể ngăn dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz, nơi trung chuyển của 20% sản lượng dầu thế giới. Sự gián đoạn như thế, ngay cả trong một khoảng thời gian ngắn cũng có thể ảnh hưởng đến Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Iran không thể đơn phương đóng cửa tuyến đường biển này một cách hợp pháp vì một phần của nó nằm trong vùng lãnh hải của Oman. Tuy nhiên, tàu chở dầu phải đi qua vùng biển Iran do hải quân nước này kiểm soát. Theo trang Marketwatch, sự hiện diện của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ tại Bahrain có thể là thách thức không nhỏ đối với Iran nếu nước này muốn làm khó các tàu chở dầu muốn đi qua eo biển Hormuz.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại