Vụ 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt: Bắc Kạn chính thức lập tổ công tác, chia 2 nhóm xác minh

Hoàng Đan |

UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch tỉnh đứng đầu, chia 2 nhóm xác minh khẩn trương về các thông tin liên quan vụ 13 ngôi mộ liệt sĩ không có hài cốt.

Liên quan đến vụ việc 13 ngôi mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt mà chỉ có túi ni-lon đựng đất, đá bên trong, trao đổi với PV vào chiều 13/12, đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác xác minh, thu thập, tìm kiếm thông tin các đợt quy tập, di chuyển hài cốt mộ liệt sĩ Thanh niên xung phong hy sinh tại hồ Tân Minh (Thanh Vận, Chợ Mới).

Tổ công tác xác minh, thu thập, tìm kiếm thông tin do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng làm tổ trưởng.

Mục đích của tổ sẽ tìm kiếm các nhân chứng còn sống để nắm bắt thông tin từ khi truy điệu, chôn cất liệt sĩ đến khi chuyển về nghĩa trang Phủ Thông năm 1990.

Đồng thời, tìm kiếm các hồ sơ liên quan tại các cơ quan liên quan quá trình quy tập các ngôi mộ liệt sĩ.

Vụ 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt: Bắc Kạn chính thức lập tổ công tác, chia 2 nhóm xác minh - Ảnh 1.

Hiện trường khai quật 13 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn vào ngày 23/10/2019.

Tổ công tác sẽ chia thành 2 nhóm, cụ thể:

Nhóm 1 gồm các đơn vị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh do Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm nhóm trưởng.

Nhóm sẽ làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên để tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong lần đầu đến khi di chuyển sang Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông năm 1990.

Bên cạnh đó, nhóm 1 sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tìm kiếm các nhân chứng còn sống có tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông, để khai thác thông tin.

Nhóm 2 gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh, UBND huyện Bạch Thông và UBND huyện Chợ Mới do Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm nhóm trưởng.

Đây sẽ là lực lượng tỏa đi tìm kiếm các hồ sơ lưu giữ tại huyện Bạch Thông liên quan đến quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh từ khi xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông đến nay.

Nhóm 2 cũng sẽ tìm kiếm các nhân chứng còn sống có tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong về Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông; nhân chứng còn sống nắm được các thông tin liên quan đến việc quy tập hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong (từ khi truy điệu, chôn cất liệt sĩ lần đầu tại đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng, Thanh Vân, Chợ Mới đến khi quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ năm 1990) để thu thập thông tin.

Xác định vị trí mộ liệt sĩ thanh niên xung phong tại nơi an táng ban đầu, vị trí nghĩa trang liệt sĩ cũ và vị trí mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ.

Kế hoạch này cũng giao nhóm trưởng các nhóm chủ động bố trí thời gian, địa điểm, liên hệ với các cơ quan, đơn vị, người có liên quan để thực hiện kế hoạch. Cử người ghi biên bản khi làm việc với các cơ quan, đơn vị, cá nhân.

Sau khi có kết quả, 2 nhóm tổ chức họp, thống nhất, tổng hợp các thông tin thu thập được báo cáo tổ trưởng để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện những công việc tiếp theo.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Tổ trưởng tổ công tác của tỉnh để xem xét, chỉ đạo. Thời gian thực hiện kế hoạch từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020.

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, cách đây hơn 50 năm, ngày 9/8/1968, chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, Chợ Mới, Bắc Kạn) bị vỡ khiến 13 TNXP đang làm nhiệm vụ hi sinh.

Sau ba lần quy tập, hài cốt của 13 TNXP được đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn, nhưng tất cả đều không xác định được danh tính.

Theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ, Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Kạn khai quật phần mộ của 13 TNXP để giám định ADN. Người thân của các liệt sĩ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh.

Thế nhưng, sau khi khai quật, bên trong 13 ngôi mộ không có hài cốt, mà chỉ có túi nilon đựng đất, đá.

Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong những ngôi mộ này, cũng không có.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội sau đó có văn bản gửi cục Người có công (bộ Lao động, thương binh và xã hội) và Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Bắc Kạn yêu cầu kiểm tra và báo cáo sự việc hàng loạt mộ liệt sĩ không có hài cốt mà chỉ toàn đất đá tại đây.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại