Mỹ vướng bận nội bộ, Ấn - Nhật trở thành "mỏ neo" chốt chặn Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương

Đại sứ Tôn Sinh Thành - Xử lý đồ họa: Đỗ Linh. |

Nhật Bản và Ấn Độ là hai cường quốc có sức mạnh cả về kinh tế và quốc phòng, nếu hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ đóng vai trò to lớn trong việc định hình trật tự khu vực.

Ngày 30/11/2019 tại New Delhi đã diễn ra Cơ chế Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ - Nhật Bản lần thứ nhất. Đây là một bước phát triển mới, quan trọng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Thực ra, đây là sự nâng cấp từ cơ chế 2+2 cấp Thứ trưởng Quốc phòng và Ngoai giao đã có kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp Cấp cao tại Tokyo tháng 10/2018, hai Thủ tướng Narendra Modi và Shinzo Abe đã quyết định nâng cấp cơ chế đối thoại này lên cấp Bộ trưởng.

Với diễn biến này, Nhật Bản là nước thứ 2 sau Mỹ có cơ chế này với Ấn Độ. Cơ chế này sẽ bổ sung thêm vào các cơ chế hiện có giữa hai nước như Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Đối thoại Chính sách Quốc phòng, Đối thoại giữa các Cố vấn An ninh Quốc gia.

Đối thoại 2+2 giữa 2 nước được coi là nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao thường niên 2 Thủ tướng dự kiến vào trung tuần tháng 12/2019, cho thấy sự phát triển dồn dập của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Thắt chặt hợp tác quốc phòng Nhật - Ấn

Theo Tuyên bố chung sau cuộc gặp, mục đích của Đối thoại 2+2 lên cấp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao là làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.

Về quốc phòng, các Bộ trưởng nhất trí tăng cường các cuộc tập trận chung giữa các binh chủng hải-lục-không quân giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực an ninh hàng hải và trinh sát hàng hải, trong đó có thể cả việc Nhật bán thủy phi cơ cho Hải quân Ấn Độ, nhằm bổ sung cho các máy bay tuần tiễu trên biển P-8I và máy bay không người lái Sea Guardian giúp nâng cao năng lực trên biển cho Ấn Độ; và tăng cường hợp tác thiết bị và công nghệ quốc phòng, trong đó có việc hợp tác nghiên cứu chế tạo xe robot tự hành không người lái (UGV).

Đặc biệt, nhằm phối hợp tác chiến tốt hơn giữa hải quân hai nước, hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán Hiệp định chia sẻ dịch vụ hậu cần (ACSA) để có thể ký kết nhân cuộc gặp thường niên giữa hai Thủ tướng sắp tới. Đây sẽ là Hiệp định cùng loại mà Nhật đã ký với Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Australia.

Mỹ vướng bận nội bộ, Ấn - Nhật trở thành mỏ neo chốt chặn Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Ảnh 1.

Với Hiệp định này, Nhật Bản có thể tiếp cận các cơ sở quốc phòng của Ấn Độ ở Quần đảo Andaman và Nicobar Islands, trong khi Ấn Độ tiếp cận căn cứ Hải quân của Nhật tại Djibouti. Ấn Độ cũng đã đạt được các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Pháp và Hàn Quốc, và đang đàm phán với Úc ở giai đoạn cuối.

Về an ninh khu vực, Tuyên bố chung sau cuộc gặp đã khẳng định hai nước chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và có luật lệ, bảo đảm các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tất cả các quốc gia có quyền tự do hàng hải và hàng không.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN đối với hòa bình và thịnh vượng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đồng thời ủng hộ các khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt như Hợp tác Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) và Cuộc gặp Bộ trưởng ASEAN mở rộng (ADMM-plus).

Nhật hoan nghênh "Sáng kiến về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" do Ấn Độ đưa ra tại EAS lần thứ 14 nhằm tạo ra một môi trường biển an toàn, an ninh, ổn định và thịnh vượng, trong khi Ấn Độ hoan nghênh "Tầm nhìn Vientian 2.0" do Nhật đưa ra tháng 11/2019 nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN.

Hai bên hài lòng với hợp tác 3 bên Nhật-Ấn-Mỹ, nhất là các cuộc tập trận MALABAR, tập trận chống thủy lôi và "Cope India 2018", đồng thời hoan nghênh cuộc gặp 4 bên cấp bộ trưởng ngoại giao Nhật-Ấn-Úc-Mỹ tại New York tháng 9/2019.

Mỹ vướng bận nội bộ, Ấn - Nhật trở thành mỏ neo chốt chặn Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Ảnh 2.

Tại cuộc đối thoại, các bộ trưởng Ấn Độ và Nhật Bản đã trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải hàng không, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao phù hợp với các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Đặc biệt, các Bộ trưởng bày tỏ quan điểm đàm phán COC phải bảo đảm tính hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, bảo đảm tự do hàng hải và không được loại trừ quyền và lợi ích các nước trong việc sử dụng Biển Đông và quyền tự do của tất cả các nước theo luật pháp quốc tế.

Đối phó với thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc

Tuyên bố chung của Đối thoại lần này cũng nói rõ hai nước cần phải tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức chung. Thách thức lớn nhất có lẽ là sự nổi lên của Trung Quốc cùng với những hành động hiếu chiến của nước này đang làm ảnh hưởng tới không gian chiến lược và những lợi ích cụ thể của cả Ấn Độ và Nhật Bản.

Trung Quốc không chỉ tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ và Nhật Bản mà còn tranh giành ảnh hưởng tại các nước láng giềng của Ấn Độ và Nhật Bản. Trung Quốc đang triển khai kế hoạch kiểm soát toàn bộ Biển Đông và gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, đe dọa tới lợi ích tự do hàng hải, hàng không và thương mại của cả hai nước.

Mỹ vướng bận nội bộ, Ấn - Nhật trở thành mỏ neo chốt chặn Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Ảnh 3.

Đứng trước những thách thức đó, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 10/2018, Thủ tướng Modi đã tuyên bố "nếu không có Ấn Độ và Nhật bản thì thế kỷ 21 không thể nào trở thành thế kỷ Châu Á."

Hai nước đều nhận thức được vị trí địa chiến lược quan trọng của mình, đóng vai trò mỏ neo chốt chặn ở hai đầu Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là hai cường quốc có sức mạnh cả về kinh tế và quốc phòng, nếu hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ đóng vai trò to lớn trong việc định hình trật tự khu vực.

Mỹ vướng bận nội bộ, Ấn - Nhật trở thành mỏ neo chốt chặn Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Ảnh 4.

Do vậy, hai nước đều nhấn mạnh mục tiêu tạo nên một khuôn khổ có trật tự nhằm đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở, bao trùm và không chịu ảnh hưởng bởi bất cứ cường quốc nổi trội nào, hướng tới một trật tự đa cực tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không loại trừ một cường quốc nào ra khỏi khu vực, nghĩa là không loại trừ Mỹ như tầm nhìn của Trung Quốc và không loại trừ Trung Quốc như tầm nhìn của Mỹ.

Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ bị vướng bận vào nhiều vấn đề nội bộ và có chính sách đối ngoại khó đoán định, thì Ấn Độ và Nhật Bản thấy cần phải đóng vai trò lớn hơn.

Như vậy, cơ chế Đối thoại 2+2 Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ và Nhật Bản là bước phát triển có ý nghĩa của mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Ấn Độ và Nhật Bản.

Diễn biến này không chỉ nâng cao vai trò của cả Ấn Độ và Nhật Bản trong khu vực, mà còn cùng với sự gia tăng hợp tác chiến lược Ấn-Mỹ, làm thay đổi cán cân lực lượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại