Quốc hội quyết dự án sân bay Long Thành: 'Vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ'

Hoàng Đan |

Chiều 26/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành với lưu ý "vốn là của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ".

Tổng mức đầu tư toàn dự án không vượt mức quy định

Chiều 26/11, với 90,6% trên tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, giai đoạn 1 dự án sẽ gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, với công suất 25 triệu hành khách một năm và 1,2 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.

Trước khi các đại biểu bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một số thông tin về tổng mức đầu tư và việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án này.

Cụ thể, theo Ủy ban Thường vụ QH, có ý kiến băn khoăn về tính chính xác của tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án, vì nhiều hạng mục mới dừng ở mức tính toán sơ bộ, do vậy đề nghị không nên đưa số liệu cụ thể của tổng mức đầu tư vào Nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với đó, cần xác định rõ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không vượt quá tổng mức đầu tư đã xác định, tổng mức đầu tư phải bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Xây dựng.

Ủy ban Thường vụ QH cho biết, tổng mức đầu tư Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94, khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá năm 2014). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng khu vực 5.000 ha dự kiến là 14.139 tỷ đồng, tương đương 0,673 tỷ USD).

Tại Nghị quyết số 53, Quốc hội đã thông qua một số chỉ tiêu của báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó, tổng mức đầu tư được xác định là 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha (tăng thêm 379,35 ha cho 2 khu tái định cư và 20 ha cho khu nghĩa trang).

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã có Quyết định phê duyệt đầu tư Dự án giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng (tương đương 0,978 tỷ USD).

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 4,779 tỷ USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53), đối chiếu với mức đầu tư giai đoạn 1 theo Nghị quyết 94 thì chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 1 chưa vượt mức đầu tư cho phần xây lắp trong cơ cấu vốn giai đoạn 1 tại Nghị quyết 94, nhưng nếu tính cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 đã vượt.

"Tuy nhiên, tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 94 chỉ là mức khái toán dựa trên báo cáo tiền khả thi được xác định sơ bộ, chưa dựa trên tính toán của thiết kế cơ sở và giá thực tế tại thời điểm xác định của Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Ngoài ra, theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 phải đầu tư một số hạng mục sử dụng chung cho các giai đoạn", Ủy ban Thường vụ QH nhấn mạnh.

Quốc hội quyết dự án sân bay Long Thành: Vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ - Ảnh 1.

Các ĐBQH bấm nút.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH cho hay, theo quy định của Luật Xây dựng, tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Do đó, tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ QH chỉnh lý theo hướng không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư trong dự thảo Nghị quyết mà giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Nhưng việc này phải bảo đảm tổng mức đầu tư cả 3 giai đoạn không vượt quá tổng mức đầu tư quy định tại Nghị quyết 94.

Chính phủ không bảo lãnh vốn giai đoạn 1 sân bay Long Thành

Theo Ủy ban Thường vụ QH, có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ trong việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án, giao doanh nghiệp Nhà nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm là nhà đầu tư do yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, lợi ích Quốc gia và đặc thù của công trình cảng hàng không quốc tế, vì vậy có ý kiến đề nghị đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không quy định nguyên tắc "Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; không làm tác động đến nợ công" trong dự thảo Nghị quyết. Quốc hội nên xem xét đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng như quốc phòng, an ninh, tính đồng bộ trong khai thác, lợi ích Quốc gia và năng lực nhà đầu tư để Chính phủ thực hiện.

Trả lời về việc này, Ủy ban Thường vụ QH cho hay, dự án sân bay Long Thành là công trình quan trọng Quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích Quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý.

Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, với đặc thù là dự án quan trọng Quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, phải bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đồng thời với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia.

Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về hàng không dân dụng, "sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra".

"Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện Dự án", UBTVQH nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại