Người nghèo xem tiền là quỷ dữ, người giàu xem tiền là bạn và 2 quy luật bất biến về thu hút của cải

Thảo Nguyên |

Việc bỏ đi những nỗi sợ hay nỗi ghê tởm tiền bạc (dù là chủ ý hay vô thức) là việc nhất thiết phải làm nếu bạn muốn có được tiền.

Sau đây là một đoạn độc thoại của tiền mà có thể bạn sẽ thấy khá quen:

"Yay! Tôi cũng nghĩ rằng chơi với bạn rất vui! Hả, cái gì cơ? Bạn bảo tôi là cội nguồn của mọi thứ xấu xa á? Sao bạn lại có thể nói thế được? Bình thường suốt ngày bạn cứ than thở rằng muốn có tôi nhiều thêm cơ mà? 

Dù thực ra bạn sợ không dám thừa nhận rằng bạn cũng thích tôi. Và bạn thường trách tôi không giúp đỡ bạn. 

Và bạn cho rằng những người thích tôi là những con quỷ tham lam. Thế mà bạn vẫn rất hào hứng mỗi khi tôi xuất hiện. 

Và bạn làm việc khổ cực để khiến tôi xuất hiện. Nhưng tôi thì lại khiến bạn luôn ở trong trạng thái lo lắng. Và bạn ghét việc phải dây dưa với tôi. 

Dù tôi có làm gì thì cũng chẳng bao giờ vừa ý bạn. Lúc thì bạn xử sự như thể bạn sẽ chết nếu thiếu tôi, rồi ngay sau đó bạn lại coi tôi là thứ bẩn thỉu. Tôi chán ngấy bạn rồi. Chào nhé, đồ quái dị!"

Vì đây chính là mối quan hệ của hầu hết mọi người với tiền bạc. Rất nhiều người có quan niệm mâu thuẫn về tiền bạc, khiến nhiều khi hành vi của họ xung đột với nhau như một trò hề, cũng tương tự như những tranh cãi xung quanh tôn giáo và tình dục. 

Các chủ đề đó luôn bị nhồi nhét rất nhiều các vấn đề, những nỗi lo lắng và các quan điểm kiên định sắt đá, sẵn sàng đấu đá nhau tới chết, tạo ra biết bao muộn phiền cho thế giới này. 

Trong khi thực ra nếu mọi người đều cùng bình tĩnh, thong thả, thì tình dục, tiền bạc và tôn giáo đều có thể trở thành những nguồn vui bất tận.

Việc bỏ đi những nỗi sợ hay nỗi ghê tởm tiền bạc (dù là chủ ý hay vô thức) là việc nhất thiết phải làm nếu bạn muốn có được tiền. 

Điều bạn cần làm là vượt qua được bản thân. Và cần phải bỏ đi cái phương trình: muốn tiền/có tiền = tham lam bỉ ổi. Sau đây là 2 quy luật bất biến về của cải.

Quy luật thứ 1 của ý thức giàu có: Hãy xuất phát từ nơi dư giả, chứ không phải từ chỗ thiếu thốn

Khi cần tiền để chi tiêu gì đó, chúng ta thường xuất phát từ suy nghĩ: "Tôi không có nó, nó chưa tồn tại, nên tôi cần tạo ra nó." 

Tâm thế này khiến chúng ta tập trung và tin vào sự thiếu thốn, do đó nó hạ thấp tần số dao động của chúng ta, và thu hút thêm những sự thiếu thốn vào cuộc đời chúng ta.

Còn khi chúng ta nói rằng: "Tôi sẽ kiếm được 5.000 đô-la để du lịch nước Ý, cứ chờ mà xem!", thì niềm tin của chúng ta vào điều chưa xảy ra rất mạnh mẽ, và tần số dao động của ta rất cao. 

Do đó, khả năng thu hút tiền bạc của chúng ta cũng cao. 

Đó là lý do vì sao việc mua xe lại có hiệu quả với tôi – nó buộc tôi phải đối diện với những nỗi lo sợ, củng cố niềm tin của mình, bởi tôi đã mua xe trước khi có chứng cứ nào cho thấy tôi sẽ kiếm được đủ tiền để trả nợ. 

Tôi không nhìn thấy tiền, nhưng tôi tin rằng nó đã ở đây và nó sẽ trở thành của tôi!

Mọi người đều có thể đạt được sự dư dả này, kể cả bạn, dù cho cuộc đời hiện tại có thế nào đi chăng nữa. 

Có những người được sinh ra trong hoàn cảnh no ấm với đầy đủ tiền tiết kiệm, các mối quan hệ, những cơ hội tốt và được giáo dục tốt, nhưng chỉ có vài người đạt được thành công lớn về mặt tài chính trong đời, số còn lại thì không. 

Có những người sinh ra trong cảnh bần hàn, phải sống qua ngày trong thùng các-tông ở bên vệ đường, nhưng có một phần trong số họ cũng đạt được những thành công vĩ đại về mặt tài chính trong đời, và phần còn lại thì không.

Dù những chướng ngại và ấn tượng từ thuở thơ ấu về tiền bạc là vô cùng khác nhau, nhưng những người đạt được thành công cùng có một điểm chung: đó là niềm tin rằng họ có thể có, có thể trở thành, có thể làm được bất cứ thứ gì mà họ quyết tâm đạt được.

Hãy tin rằng bạn có thể có những gì mà mình ao ước, rằng chúng đã thực sự tồn tại sẵn rồi, bạn chỉ cần xông ra tóm lấy chúng. 

Khi đã hiểu được rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ dư dả và hào phóng, bạn cũng có thể bỏ luôn quan niệm rằng nếu không lấy quá nhiều về cho mình hay trở nên quá giàu có thì bạn mới giúp ích cho thế giới hơn. 

Việc bạn chỉ dám manh mún, nhỏ lẻ đơn giản là việc kìm hãm không đem tài năng của bạn thể hiện cho những người xứng đáng được nhận nó, bao gồm cả chính bạn.

Bạn nghĩ sao nếu ca sĩ mà bạn yêu thích không dám tự kiếm ra đủ tiền để mua đàn, đi học thanh nhạc, thuê nhà sản xuất, mua trang phục diễn hay trả hàng nghìn đô-la tiền studio để có thể thu âm những bài hát đã từng cứu rỗi tâm hồn bạn thời trung học?

Bạn nghĩ sao nếu những người chế tạo máy bay không dám làm ra tiền để chi trả cho quá trình nghiên cứu, vật liệu, nhà máy, kỹ sư, điện đóm và ti tỉ những thứ tốn kém khác để làm ra được các cỗ máy biết bay kỳ diệu, giúp chúng ta đi khắp nơi trên thế giới, vui đùa ở những bãi biển nhiệt đới và tới thăm những người mà chúng ta yêu mến?

Người nghèo xem tiền là quỷ dữ, người giàu xem tiền là bạn và 2 quy luật bất biến về thu hút của cải - Ảnh 1.

Quy luật thứ 2 của ý thức giàu có: Xác định rõ bản thân mình đang ở đâu

Hãy viết ra một đoạn văn ngắn có chứa những cảm nhận của bạn về tiền bạc. Viết rõ ràng hết ra tất cả những điều điên khùng mà bạn từng nghĩ về tiền bạc, bởi tin tôi đi, nếu không có chút tiền nào thì hẳn bạn phải có chút điên khùng. 

Đoạn văn bạn viết có thể sẽ như thế này:

Thực ra tôi không thật sự tin vào tiền. Tôi muốn có rất nhiều tiền để có thể làm gì tùy thích và tạo ra những thay đổi lớn lao trên thế giới này, nhưng tôi không tin rằng tiền bạc sẽ đến với mình. 

Hoặc nếu có đến thì nó cũng không ở lại lâu. Nó chưa bao giờ ở lại lâu cả. Tôi ghét việc phải cần đến tiền. Tôi cho rằng những người kiếm ra tiền là những kẻ xấu xa và luôn có mục đích xấu xa. 

Tôi mặc kệ chuyện tiền bạc vì ghét phải dính líu đến tiền. Đằng nào nếu có kiếm được tiền thì tôi chắc cũng sẽ chẳng biết dùng nó làm gì.

Hãy coi tiền bạc là một con người và bạn đang viết một bức thư cho người ấy, nếu làm như vậy giúp bạn dễ viết hơn. Cứ viết hết lên trang giấy để bạn có thể nhìn lại chúng.

Hãy bắt đầu hàn gắn mối quan hệ của bạn với tiền bạc. Ngồi xuống và viết một bức thư gửi tới tiền, rồi mổ xẻ phân tích nó ra từng câu như tôi vừa mới làm. 

Hãy thực sự làm công việc này đi, rồi từ đó tạo ra những khẳng định mới về tiền bạc. Lặp lại những khẳng định mới đó nhiều lần để cảm nhận chúng đến tận xương tủy. Hãy liên tục suy nghĩ về chuyện bạn yêu mến tiền bạc.

Những việc làm này có thể khiến bạn phải đi ngược lại những quan điểm và niềm tin đã cắm rễ rất sâu trong con người mình, vậy nên nếu bạn muốn vượt qua các vấn đề và bắt đầu kiếm được tiền, hãy dành nhiều thời gian để thực hiện những việc làm ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại