"Dám làm không dám chịu": Mỹ sẽ khiến cả thế giới chịu hậu quả khủng khiếp vì tàn tích cách đây 65 năm?

Tất Đạt |

Việc Mỹ chối bỏ trách nhiệm cho những vụ thử hạt nhân cách đây nhiều thập kỉ có thể sẽ khiến thế giới phải chịu hậu quả đáng sợ.

Hậu quả lâu dài

Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thử nghiệm hạt nhân ở Quần đảo Marshall 67 lần. Sau khi ngừng thử hạt nhân, Lầu Năm Góc lại tiếp tục thử một số vũ khí sinh học trên những đảo này.

Lúc hoàn tất mọi loại thí nghiệm, Mỹ thu gom rác thải hạt nhân, những khối đất bị nhiễm xạ và nhiễm độc đổ xuống các hố bom gây ra bởi các vụ nổ, trộn lẫn thêm bê tông rồi phủ kín bằng một mái vòm bê tông.

Họ đặt tên cho công trình này là "Quan tài Hạt nhân". Theo báo cáo mới đây từ tờ The Los Angeles Times, biến đổi khí hậu đang khiến mái vòm nứt vỡ. Nước biển dâng và nhiệt độ tăng đang đe dọa làm hư hại công trình này, khiến rác hạt nhân rò rỉ xuống Thái Bình Dương.

Quần đảo Marshall là tập hợp của 1.156 đảo với 29 đảo san hô. Có hơn 50.000 người sinh sống trên các đảo này. Từ năm 1946 tới năm 1958, đây là khu vực được Mỹ sử dụng để thử nghiệm kho vũ khí hạt nhân.

Ngày 1/3/1954, Lầu Năm Góc tiến hành thử nghiệm chương trình "Castle Bravo", kích nổ một đầu đạn nhiệt hạch tại đảo san hô vòng Bikini của Quần đảo Marshall. Đây cũng là vũ khí hạt nhân lớn nhất mà Mỹ từng kích nổ.

Bụi phóng xạ từ vụ nổ đã bao trùm bầu không khí khu vực và người dân ở đây là những nạn nhân phải hứng chịu hậu quả.

Dám làm không dám chịu: Mỹ sẽ khiến cả thế giới chịu hậu quả khủng khiếp vì tàn tích cách đây 65 năm? - Ảnh 1.

Ảnh: Beyond Nuclear International

"Chỉ trong vòng 2-3 năm sau đó, phụ nữ trên đảo bắt đầu sinh ra những đứa trẻ khuyết tật," một phụ nữ kể lại. Thai nhi dị tật đã trở nên phổ biến tới mức người dân sử dụng hàng loạt từ để mô tả, trong đó có thể kể tới "người cá, ác quỷ và đứa trẻ sứa".

Mỹ phủ nhận phần lớn trách nhiệm đối với Quần đảo Marshall. Mỹ nói đã chịu chi phí cho việc di tản dân chúng ở một số đảo cũng như chi phí xây dựng Quan tài Hạt nhân. Tuy nhiên, khi mực nước biển và nhiệt độ tăng lên, Quan tài Hạt nhân bắt đầu nứt vỡ. Tại các vết nứt, nước cuốn trôi rác hạt nhân, đem plutonium và các loại phóng xạ khác xuống biển.

Mỹ chối bỏ trách nhiệm

Mỹ nói Quan tài Hạt nhân bây giờ là trách nhiệm của Quần đảo Marshall.

"Tại sao cái quan tài đó lại là vấn đề của chúng tôi cơ chứ?" - Hilda Heine, tổng thống Quần đảo Marshall, nói. "Chúng tôi không hề muốn nó. Chúng tôi không xây nó. Rác thải bên trong đó cũng không phải của chúng tôi. Mà là của Mỹ".

"Nếu đảo ngược lại vai trò hai bên, Mỹ chắc chắn sẽ không nghĩ việc xây xong Quan tài Hạt nhân là hết trách nhiệm," Alex Wellerstein, một sử gia hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens, cho hay.

"Quốc gia giàu nhất thế giới dường như không thấy có lí do chính trị gì để giúp đỡ một nước nhỏ và nghèo như Quần đảo Marshall mặc dù nước này đã hi sinh rất nhiều cho cái gọi là an ninh quốc gia Mỹ. Đây đúng là một trò hề. Thời Chiến tranh Lạnh, các quan chức Mỹ luôn nói đi nói lại rằng việc thử nghiệm rất quan trọng đối với sự sống còn của Mỹ, nhưng dường như sự quan trọng đó chưa bao giờ được thể hiện thành sự biết ơn đối với những công dân ở Marshall."

Quan tài không chỉ chứa đất nhiễm xạ, kim loại phế liệu từ các bãi thử ở Thái Bình Dương, mà còn chứa 130 tấn đất từ Nevada. Lầu Năm Góc không chỉ chôn vùi rác thải hạt nhân từ Quần đảo Marshall mà còn đem đất nhiễm xạ từ Mỹ tới.

Một nghiên cứu của Đại học Columbia cho thấy các vùng ở Marshall còn có nhiều phóng xạ hơn Chernobyl.

Năm 2001, Tòa án Hạt nhân tuyên bố Mỹ phải trả cho Quần đảo Marshall 2 tỉ USD. Washington mới chỉ thanh toán 4 triệu USD.

Tại thời điểm xây dựng, một tướng của Không quân Mỹ nói nếu vòm bê tông sụp đổ, thì Mỹ sẽ chịu trách nhiệm sửa lại. Terry Hamilton, một nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore và là chuyên gia tại Bộ năng lượng Quần đảo Marshall nói: "Những người đưa ra đánh giá rằng khu vực này đủ an toàn là những người tự mình không sống tại đây. Tôi nghĩ họ tự tin hơn nhiều khi chỉ dựa vào số liệu và không trực tiếp chịu đựng những hậu quả nếu họ tính toán sai lầm."

Mực nước biển ở Thái Bình Dương đã tăng 0,75cm hàng năm từ năm 1993. Tới cuối thế kỉ này, các chuyên gia tin rằng mực nước biển có thể tăng tới hơn 1 mét, nhấn chìm Quần đảo Marshall cùng Quan tài Hạt nhân. Dưới áp lực nước, vòm bê tông sẽ vỡ, xả toàn bộ rác thải hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ xuống Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại