Sau đòn S-400 lợi hại của Nga, Mỹ cay đắng thừa nhận mất thế độc tôn

Kiệt Linh |

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Các Vấn đề Quân sự - ông Clarke Cooper mới đây đã thừa nhận, đây là lần đầu tiên Mỹ bắt đầu mất thế độc tôn trên thị trường vũ khí thế giới. Lời thừa nhận này được đưa ra sau khi Mỹ liên tục “hứng đòn S-400” lợi hại của Nga.

Phát biểu tại Trung tâm Quốc tế Meridian – một tổ chức tư vấn ở Washington, Thứ trưởng Clarke Cooper hôm qua (31/10) đã cáo buộc rằng Nga và Trung Quốc lợi dụng nhu cầu về an ninh của nước khác đồng thời miêu tả Mỹ là lựa chọn về đối tác quốc phòng.

“Thông qua việc quảng bá, tuyên truyền một cách có mục tiêu các hệ thống vũ khí như S-400, Nga đang tìm cách lợi dụng các nhu cầu về an ninh thực sự của các đối tác để tạo ra những thách thức trong năng lực của chúng ta - cả trên khía cạnh pháp lý và kỹ thuật – nhằm cung cấp cho họ các năng lực phòng thủ tối tân nhất”, ông Cooper nói.

Thứ trưởng Cooper xác định Trung Quốc và Nga là đối thủ chiến lược đồng thời cáo buộc hai nước này đang nỗ lực nhằm phổ biến vũ khí trên khắp thế giới.

"Chúng ta đã đi được một đoạn đường dài kể từ khi súng AK-47 trở thành biểu tượng phổ biến của các cuộc kháng chiến trải dài từ Đông Nam Á đến Châu Phi. Ngày nay, Nga đang ra sức đưa các phiên bản khác nhau của hệ thống phòng không S-400 đi khắp thế giới trong khi Trung Quốc đang cung cấp mọi thứ, từ các phương tiện bọc thép đến máy bay không người lái có vũ trang”, ông Cooper phát biểu.

Thứ trưởng Cooper nhấn mạnh đây là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh Mỹ bắt đầu mất thế độc tôn trên thị trường vũ khí toàn cầu bởi nhiều nước “xem việc trở thành đối tác với Mỹ trong vấn đề an ninh và quốc phòng không còn là bắt buộc mà như là một trong nhiều sự lựa chọn”.

Những phát biểu trên của ông Cooper được đưa ra sau khi Mỹ “đau đầu” về việc hàng loạt đối tác và đồng minh của nước này hoặc là đã mua hoặc là đang rất quan tâm đến việc mua được các hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Danh sách khách hàng quan tâm đến S-400 của Nga liên tục tăng lên. Năng lực đỉnh cao của hệ thống tên lửa S-400 đang hút khách ở những thị trường vốn lâu nay được độc chiếm bởi phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đến thời điểm này, đã có 6 quốc gia được cho là đang tham gia vào các giai đoạn khác nhau của qua trình đàm phán nhằm có được quyền sở hữu các tên lửa S-400 Triumf hay còn gọi là SA-21 Growler của Nga. Moscow đã ký hợp đồng bán S-400 cho hai nước là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, Bắc Kinh và Ankara đều đã nhận được các hệ thống S-400. Ấn Độ, Qatar và Ả-rập Xê-út vẫn đang đàm phán với Nga về những chi tiết cụ thể của một hợp đồng mua bán S-400. Trong khi đó, Serbia được cho là đang để ý đến S-400 của Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại